Chiến tranh nước sạch?

02-08-2010 2:17 PM | Quốc tế

Chiến tranh vì nước sạch có nguy cơ bùng nổ khắp thế giới trong tương lai gần nhất. Nước - nguồn duy trì sự sống trên trái đất đang ngày càng khan hiếm, bên cạnh đó,

Chiến tranh vì nước sạch có nguy cơ bùng nổ khắp thế giới trong tương lai gần nhất. Nước - nguồn duy trì sự sống trên trái đất  đang ngày càng khan hiếm, bên cạnh đó, số lượng những quốc gia và vùng lãnh thổ thiếu nước ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết xác định quyền của nhân loại về nước sạch.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc khẳng định đã là người thì phải có quyền sử dụng nước tinh khiết và phải được trang bị hệ thống vệ sinh cơ bản nhất. Sau hơn 15 năm tranh luận, nghị quyết này mới được thông qua với 122 phiếu thuận và 41 thành viên vắng mặt. Trong lúc tại Việt Nam, nông dân tỉnh Đồng Nai khốn khổ về nạn ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra cho sông ngòi địa phương từ 20 năm nay và tại Trung Quốc, Bộ bảo vệ môi trường thừa nhận một nửa nguồn nước sông hồ nhiễm độc không thể tinh lọc làm nước uống, nghị quyết của Liên hợp quốc như lời xác quyết lịch sử: quyền được sử dụng nước sạch là nhân quyền là quyền sống. Nghị quyết tuyên bố rằng "quyền được uống nước sạch, có chất lượng cũng như những tiện nghi vệ sinh là quyền sống vui sống mạnh của con người". Cụ thể, Liên hợp quốc nhấn mạnh đến tình trạng bất hạnh của hàng tỷ người. Trong số 6 tỷ dân địa cầu, 884 triệu người không có nước uống trong lành. 2,6 tỷ người không có những trang bị tối thiểu nhất là nhà tắm, nhà vệ sinh.

 Môi trường nước đang ngày càng bị ô nhiễm.
Nghị quyết nhắc nhở lời cam kết quyết đoán của các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2000 trong khuôn khổ "Mục tiêu thiên niên kỷ vì phát triển" là vào năm 2015 tới đây phải giảm đi một nửa tỷ lệ dân không có nước uống và nhà tắm, nhà vệ sinh. Nghị quyết thúc giục các chính phủ và các cơ quan quốc tế phải giúp đỡ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển nhằm "gia tăng nỗ lực" thực hiện mục tiêu này. Nhà hoạt động môi trường Canada, bà Maude Barlow nhận định nghị quyết của Liên hợp quốc mang tính "lịch sử" và "đi đúng hướng" trong viễn cảnh tới một hiến chương về nước. Nguyên là cố vấn của Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến nguồn nước, bà Barlow lấy làm tiếc là nhiều nước giàu đã tránh không bỏ phiếu vì "sợ các nước nghèo đòi trả dùm hóa đơn". Có quốc gia còn sợ người dân "dựa vào nghị quyết để kiện nhà nước". Trong số các thành viên Liên hợp quốc bỏ phiếu thuận có Pháp, Đức, Brazil, Nga, Trung Quốc và Tây Ban Nha nhưng phần lớn các nước giàu vắng mặt trong danh sách. Đó là Canada và Hoa Kỳ. Theo bà Barlow, chính phủ bảo thủ Canada vắng mặt có dụng ý bảo vệ quyền thương mại, xem nước sạch là một mặt hàng. Trong khi đó tổ chức Food & Water Watch, một hiệp hội phi chính phủ Mỹ than phiền thái độ ngần ngại của Hoa Kỳ viện cớ sử dụng nước sạch không được công pháp quốc tế thừa nhận.
 

*Theo số liệu của các chuyên viên y tế, trên thế giới mỗi ngày có 2 triệu người tử vong do các căn bệnh khởi phát vì dùng nước ô nhiễm. Tại nhiều nước châu Á và châu Phi, nước sạch hiếm như vàng, trong khi ở một số quốc gia khác, nguồn nước dùng lại thừa thãi. Bởi vậy,  những cuộc giao tranh vì dự trữ nước đã bắt đầu manh nha, tuy còn cục bộ. "Ngay từ năm 2002, trong một cuốn sách của mình Viện sĩ Leonid Abalkin, người Nga, đã khẳng định, trên thế giới hiện hữu gần 2 nghìn điểm có nguy cơ bùng nổ cuộc chiến vì nước sạch". Tại thời điểm đó, chẳng mấy ai để tâm đến lời tiên đoán của nhà khoa học Nga. Trong khi đó trên thực tế chiến tranh vì nước sạch đã bùng nổ từ lâu. Nhiều quốc gia lâm vào cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Ví dụ, dân số châu Phi chiếm 12 % dân số toàn thế giới, nhưng nguồn nước sạch chỉ vẻn vẹn 1%. Tại các nước cộng hòa Trung Á, những cuộc chiến tranh giành nguồn nước sạch cũng đang diễn ra một cách âm thầm. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng xảy ra xung đột do tranh chấp nguồn nước sông Tigr và Evfrat.

* Cộng đồng quốc tế từ lâu đã bắt đầu tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng nước sạch. Một số nhà khoa học đã đưa ra những phương pháp kỳ lạ như tổng hợp nước từ hydro và gas khí quyển. Một số quốc gia đang giải quyết vấn đề một cách giản đơn hơn: xây dựng các trạm nguyên tử để lọc nước biển thành nước ngọt. Các nhà khoa học cũng nêu nhiều kiến giải, và họ sẽ có thể cùng nhau thảo luận tại Diễn đàn quốc tế "Nước sạch - 2010", dự định tổ chức ở Matxcơva trong năm nay.

Phong Vũ


Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH