Hà Nội

Chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ Trung bùng nổ - các nước băn khoăn trước nhiều lựa chọn

28-05-2019 13:55 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chiến tranh thương mại Mỹ Trung làm tổn thương cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng cuộc chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến cho doanh nghiệp toàn cầu xáo trộn, quyết định lựa chọn công nghệ nào của mỗi nước còn là quyết định chính trị của quốc gia đó trong việc “làm bạn” với Mỹ hay Trung Quốc.

Cấm cửa Huawei – cú sốc với thị trường toàn cầu

Ngay khi  Bộ thương mai Mỹ liệt công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc và  68 thực thể khác vào một danh sách đen vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức ký sắc lệnh cấm công ty Huawei khỏi thị trường Mỹ, cắt tham gia thiết lập mạng 5G trên toàn nước Mỹ  và cắt các nguồn cung cấp linh kiện quan trọng cho Huawei.

Người đứng đầu Nhà Trắng còn kêu gọi các nước đồng minh cắt đứt liên hệ với hãng công nghệ Trung Quốc bởi “doanh nghiệp này đem lại rủi ro an ninh, cho phép Chính phủ Trung Quốc hoạt động gián điệp”. Cựu chiến lược gia của Tổng thống Trump Steve Bannon cho rằng, việc loại trừ Huawei khỏi Mỹ và châu Âu còn quan trọng hơn cả cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc để lại nhiều hệ lụy

Thông tin này như một “cú sốc” đối với doanh nghiệp toàn thế giới bởi công ty công nghệ viễn thông số 1 Trung Quốc này có thị phần quá lớn trong thị trường viễn thông toàn cầu. Huawei liên tiếp nhận tin xấu, từ hàng loạt các thương hiệu đình đám thế giới như  Intel, Qualcomm, Broadcom tuyên bố không bán linh kiện cho Huawei, đến “ khổng lồ công nghệ” Google  cũng ngừng hợp tác, người tiêu dùng của Huawei không còn được sử dụng các ứng dụng phổ biến như gmail, youtube, map…. Như vậy Huawei không chỉ bị đóng cửa với các sản phẩm phần cứng như con chip, linh kiện điện tử…. mà cả những sản phẩm phần mềm như các ứng dụng sẽ không được tiếp cận.

Theo tiếng gọi của Mỹ, nhiều công ty công nghệ lớn từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á liên tiếp tuyên bố ngừng bán sản phẩm của Huawei hoặc ngưng hợp tác. Như nhà mạng EE của Anh đã loại điện thoại Huawei khỏi danh sách mạng 5G hay hàng loạt công ty của Nhật như  ARM, hãng thương mại điện tử Amazon tại Nhật, KDDI, SoftBank Corp  ngừng bán sản phẩm của Huawei.

Thiệt hại không chỉ đến với Huawei, mà các doanh nghiệp tập đoàn toàn cầu đang cùng “gánh” những hậu quả. Đơn cử như Apple, nếu mất thị trường khổng lồ của Trung Quốc  với hơn 1 tỷ dân, cũng là con số không nhỏ. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn là “đại bản doanh” lắp ráp vô số các dòng điện thoại, máy tính bảng của Hãng công nghệ mang hình “Quả táo cắn dở”, nếu rút khỏi Trung Quốc hàng triệu người lao động nước này sẽ mất việc làm.

Các nước bối rối chứng kiên  “cú đánh” của Mỹ với công nghê của Trung Quốc

Chưa bao giờ cuộc chiến tranh nghiêng về thương mại giữa hai nước lại khiến các quốc gia trên thế giới bối rối đến như thế. Nhất là khi Mỹ cho biết không chỉ Huawei, Mỹ sẽ mở rộng thêm một số công ty công nghệ khác đến từ Trung Quốc.  Các nước đều đang “lắng nghe” hoặc phản ứng yếu ớt trước quyết định của Mỹ.  Họ lo lắng răng Huawei sử dụng nền tảng công nghệ của mình cho hoạt động gián điệp.

Công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc- tâm bão trong cuộc thương chiến Mỹ Trung

Cho đến nay, ngoài Mỹ có một số nước  cấm Huawei và các công ty viễn thông của Trung Quốc như New Zealand,  Australia.  Anh và Canada đang cân nhắc quyết định của mình đối với Huawei trong xây dựng mạng di động 5G . Trong khi đó, tại châu Âu, dù chưa nước nào chính thức cấm Huawei nhưng nhiều quốc gia cho biết sẽ xem xét các khuyến nghị của Mỹ và có khả năng yêu cầu các nước trong EU xem xét lại.

Còn tại châu Á hiện chỉ có Nhật Bản đã chặn việc sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G, còn nhiều quốc gia khác cho biết có thể hạn chế sự tham gia của Huawei vào 5G như Hàn Quốc. Tại   Philippines- một đồng minh thân cận và có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, nhưng lại  có thỏa thuận với hãng viễn thông Trung Quốc xây dựng mạng điện thoại di động tại quốc đảo này. Nếu Philipines hay bất cứ nước nào lựa chọn công nghệ và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, họ đều có khả năng bị chặn bởi các sản phẩm của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia Mỹ.

Mặc dù Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei đến giữa tháng 8 tới, nhưng tác động của các biện pháp chống Huawei đối với cả hai bên được dự báo là không hề nhỏ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi.

Theo số liệu thống kê, quý I/2019, doanh số điện thoại thông minh của Huawei lên tới 59,1 triệu máy, chiếm 17% thị phần toàn cầu, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Huawei vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung. Ngoài ra, Huawei cũng được đánh giá là nhà phát triển công nghệ 5G hàng đầu thế giới. Huawei cho biết đã ký hơn 40 hợp đồng triển khai mạng 5G trên toàn thế giới từ châu Âu, Trung Đông tới châu Á.


Trần Hải
Ý kiến của bạn