Hà Nội

Chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch COVID-19

27-10-2020 20:45 | Quốc tế
google news

SKĐS - Báo Northeast Today (Ấn Độ) vừa đăng tải bài viết ca ngợi Việt Nam chiến thắng trước đại dịch COVID-19. Báo Sức khoẻ & Đời sống xin được lược dịch và đăng tải bài viết này.

Việt Nam đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ Liên Hợp Quốc và tổ chức y tế thế giới vì những nỗ lực trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp ngăn ngừa hợp lý để phòng  ngừa sớm dịch bệnh.

Sau khi phát hiện ra 6 bệnh nhân nhiễm virus SARS-COV-2, Việt Nam đã tuyên bố virus gây bệnh này là dịch. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên làm như vậy. Tổ chức Y tế Thế giới khen ngợi Việt Nam rằng: “Việc phát hiện, cách ly sớm và điều trị tích cực là vô cùng quan trọng. Những hành động ban đầu của Việt Nam đã ngăn chặn sự lây lan thêm của dịch bệnh, cứu sống hàng nghìn người”.

Mặc dù có chung đường biên giới dài 1400km với Trung Quốc, tâm điểm của đợt dịch bùng phát COVID-19, Việt Nam với dân số 96 triệu người đã ngăn chặn sự lây lan của virus một cách kể. Là một nước có điều kiện kinh tế đang phát triển với năng lực công nghệ còn hạn chế song sự phản ứng của Việt Nam đối với đợt bùng phát dịch bệnh đã nhận được sự hoan nghênh vì tính tức thời, hiệu quả và minh bạch, trái ngược với sự chậm trễ ở Trung Quốc và sự chuẩn bị kém ở Mỹ và các nước Châu Âu. Việt Nam đã chứng minh rằng cách phòng ngừa sớm có thể là yếu tố phá vỡ chuỗi virus chết người này. Đến ngày 25/9, Việt Nam ghi nhận không ca nhiễm mới COVID-19 nào, đánh dấu ngày thứ 23 liên tiếp không có sự lây lan của virus. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.069 ca, trong đó có 35 trường hợp tử vong. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gọi những nỗ lực của Việt Nam chống lại COVID-19 là “cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 2020”.

Trong cuộc chiến với COVID-19, Việt Nam đã tiến hành một cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình bằng cách huy động mọi nguồn lực của mình, bao gồm cả quân đội để đối phó với dịch bệnh. Ngày 1/2, Việt Nam đưa ra một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, bao gồm đình chỉ tất cả các chuyện bay đến và đi từ Trung Quốc và đóng cửa tất cả các trường học, đại học; đình chỉ việc miễn thị thực cho công dân một số nước; đóng cửa rạp chiếu phim, câu lạc bộ, quán bar, tiệm massage và phòng hát karaoke và cấm tụ tập trên 10 người.

Ngay từ đầu, chính phủ đã đưa ra những quyết định chắc chắn để ưu tiên và bảo vệ sức khoẻ của người dân, ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng nền kinh tế. Hơn nữa, đã trải qua các dịch bệnh chết người khác, bao gồm dịch SARS năm 2004, cúm gia cầm, sốt rét và các dịch bệnh khác, phản ứng của Việt Nam là rất nhanh chóng và chủ động.

Được biết, khi chỉ mới phát hiện 27 trường hợp mắc COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc vào giữa tháng 12/2019, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành hướng dẫn phòng  ngừa, bao gồm giám sát chặt chẽ các khu vực biên giới và các bước khác để ngăn ngừa lây nhiễm cho người dân. Khi Trung Quốc chính thức xác nhận ca tử vong đầu tiên do virus SARS-COV-2 vào ngày 11/1, không giống như các quốc gia khác, Chính phủ Việt Nam đã khởi động các đợt kiểm dịch hàng loạt, truyền thông sức khoẻ cộng đồng hiệu quả, chế độ xét nghiệm tập trung và tính minh bạch đặc biệt.

Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi tình trạng khẩn cấp quốc gia chỉ sau trường hợp mắc bệnh thứ 6 được báo cáo và đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm dịch bắt buộc cũng như kiểm tra và truy soát ca bệnh.

Việt Nam đã chọn cách phòng ngừa sớm và có trọng tâm. Thay vì bắt tay vào thử nghiệm hàng loạt, Việt Nam tập trung vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi những người tiếp xúc với họ. Ngoài việc truy vết ca bệnh ráo riết, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp  bao gồm bắt buộc cách ly, huy động sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch.

Các chiến dịch thông tin rộng rãi được triển khai để thông báo cho công chúng về đại dịch, qua đó duy trì sự minh bạch về những gì mọi người có thể mong đợi và phải thực hiện, bao gồm cả việc tuân theo các quy tắc cơ bản về phòng chống COVID-19. Chính phủ đã ra mắt một trang web và một ứng dụng di động không chỉ để giảm bớt quy trình khám chữa bệnh mà còn phổ biến thông tin chính xác một cách nhanh chóng. Chính quyền dùng công nghệ hỗ trợ ngăn chặn sự lan truyền của tin đồn và tin tức giả mạo về dịch bệnh, đồng thời thực thi pháp luật đối với những người phát tán thông tin không chính xác hoặc tham gia trục lợi thời dịch bệnh.

Để giảm thiểu tác hại của dịch bệnh tới người lao động và gia đình của họ bởi việc giãn cách xã hội, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD, bao gồm chi trả tất cả các chi phí cho những người bị cách ly hoặc những người mắc bệnh. Để duy trì an ninh lương thực, chính phủ đã cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho các khu dân cư bị phong toả, lắp đặt các máy ATM cung cấp gạo miễn phí và ngừng xuất khẩu gạo sang các nước khác.

Việt Nam đang dần mở cửa sau khi sự giãn cách xã hội từng cấp chứng tỏ sự thành công. Các hạn chế được nới lỏng ở nhiểu vùng khác nhau của đất nước và chính phủ đã khởi động lại một số chuyến bay quốc tế. Sau thành công trong cuộc chiến chống lại COVID-19, giờ là lúc Việt Nam cần tập trung nỗ lực để vực dậy nền kinh tế.

Với số ca mắc và tử vong vì COVID-19 thấp nhất trên toàn thế giới, hành trình chống lại đại dịch này của Việt Nam đã ghi dấu nổi bật tại Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

Nỗ lực của Chính phủ và sự đồng lòng phối hợp của cộng đồng được ghi nhận là đóng góp quan trọng cho sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát tốc độ lây lan của COVID-19.


Hà Anh
Ý kiến của bạn