Hình hài quá khác thời trai tráng khiến không ít lần anh rơi vào trạng thái bi quan. Nhưng nghĩ đến mẹ, đến những người thân yêu và đặc biệt sự quan tâm của cả cộng đồng, của đơn vị… anh lại cố gắng chịu đựng những cuộc phẫu thuật, cố gắng tập luyện và mong chờ một ngày trở lại đời thường.
Con trai chiến sỹ Đinh Văn Dương được sinh ra đúng lúc bố gặp tai nạn. Ảnh: Phượng Hoàng
Gia đình từng chuẩn bị đám tang
Tôi được gặp lại Đinh Văn Dương khi anh đang có những ngày tháng khỏe mạnh nhất từ khi vụ tai nạn rơi máy bay tại Hòa Lạc diễn ra. Lúc này anh không còn phải dùng thuốc hàng ngày mà chỉ tập luyện chân tay tại phòng hồi phục chức năng và chờ đợi… những cuộc phẫu thuật tiếp theo để được về sống gần vợ, gần con. 600 ngày qua cũng là thời gian mà anh chưa một lần được rời khỏi bệnh viện về nhà.
Bà Trịnh Thị Đông – mẹ chiến sỹ Đinh Văn Dương cũng là người gần như không rời con trong những ngày anh điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. Bà Đông cho biết, chiến sỹ Dương đã phải trải qua 21 kíp phẫu thuật trong những ngày tháng qua. Và có lẽ sẽ còn phải thực hiện một số lần phẫu thuật nữa. Bà Đông kể, cả gia đình bà đã từng nhiều phen hết hy vọng. Sau vụ tai nạn, còn 3 chiến sỹ sống sót và được điều trị tại viện Bỏng Quốc gia. 2 chiến sỹ lần lượt ra đi…trong nỗi lo lắng của cả gia đình, người thân… và đội ngũ các y bác sỹ đang điều trị cho Dương.
Nằm ở phòng cấp cứu, 3 lần Dương ngừng tim. 2 lần đầu, các bác sỹ nhanh chóng “kéo” Dương ở lại với cuộc đời. Nhưng đến lần thứ 3, mặc dù đã dùng mọi phương pháp hiện đại nhất nhưng họ vẫn đành buồn bã buông tay để công sức bao nhiêu ngày tháng đến lúc đành phải để tử thần mang Dương đi. Các bác sỹ thông báo về tình trạng của Dương để gia đình chuẩn bị hậu sự.
Trong sự đau đớn, gia đình Dương đành chuẩn bị mọi thứ cho đám tang sẽ diễn ra chỉ tính bằng giờ bằng phút của ngày hôm sau. Họ hàng và người thân, bạn bè của Dương cũng đã bắt đầu đến chia buồn với gia đình.
Trong lúc đó, mặc dù tim Dương đã ngừng rất lâu nhưng các bác sỹ Viện Bỏng Quốc gia quyết định cứ để máy thở cho đến khi nào Dương không còn dấu hiệu gì của sự sống. Như có một phép màu, ngày hôm sau, tim Dương lại đập trở lại…
Bà Trịnh Thị Đông cho biết, khi mới tỉnh lại, câu đầu tiên Dương gọi là “mẹ”. Và từ đó, cuộc đồng hành của bà và Dương lại tiếp tục trong hy vọng. Tỉnh lại, Dương nhớ toàn bộ vụ tai nạn đã xảy ra như thế nào. Hôm đó, bay được một lúc thì máy bay trục trặc, phi công cố bay ra khỏi khu dân cư… rồi lao xuống đất, nổ tung, hất toàn bộ chiến sỹ trên máy bay văng ra khắp nơi…
Ước mơ về một đôi chân có khớp “mềm”
Bà Đông kể, từ khi Dương tỉnh lại, anh liên tục đòi mẹ mua gương để soi. Từ chối mãi không được, bà đành đi mua 1 chiếc gương về. Lúc mới nhìn vào gương, Dương làm bà vừa xót xa vừa buổn cười khi con trai bảo: “ Ô kìa, sao nhìn con lại béo và xấu thế nhỉ?!”. Nhưng rồi sau đó, Dương không phàn nàn nữa. Anh luôn cố gắng tập luyện để đi lại được. Khi đã đi được vững, anh còn tự mình đi ra cổng bệnh viện để uống nước chè như những bệnh nhân khác.
Đến nay, chiến sỹ Dương đã có thể tự đi một mình bằng chân giả. Ảnh: Phượng Hoàng
Chỉ có những lúc các cơn đau hành hạ Dương mới trở nên bi quan. Có lúc anh bật khóc và đòi… quyên sinh. Những khi đó, bà Đông lại hài hước mắng yêu con: “Sư bố nhà anh, 22 người, có mỗi anh sống. Anh có biết nhà nước mất bao nhiêu tiền chữa cho anh rồi không mà đòi chết?”.
Không chỉ “kè kè” bên cạnh con trai và động viên, bà Đông còn thường xuyên pha trò cười để con được vui. Bà thường nói về cuộc sống với tinh thần rất vui vẻ, hài hước. Có lẽ, chính trái tim của người mẹ và thái độ luôn vui vẻ, nghĩ về những điều tích cực của bà Đông là một phần động lực lớn tiếp sức cho Dương tiếp tục chiến đấu để giữ gìn sự sống.
Dương tâm sự, sau vụ tai nạn, điều Dương mừng nhất là đã được phân cho một căn hộ chung cư. Vợ con anh không còn phải sống trong cảnh đi thuê nhà nữa. Sau những lúc bi quan, Dương lại được động viên bởi vợ con luôn bên anh. Hình hài đặc biệt nhưng các con anh vẫn rất “quấn” bố. Lần nào đến viện, chúng cũng ôm ấp không rời bố.
Về phần anh, anh cho biết, từ khi tập đi trở lại, anh đã dùng 3 đôi chân giả khác nhau theo mỗi giai đoạn tập luyện. Tuy nhiên, những đôi chân này đều là dạng thẳng, không có khớp nên việc bước đi còn khá khó khăn. Anh mong ước sau khi tập luyện nhuần nhuyễn, anh sẽ có được một đôi chân có khớp mềm mại như ý và sẽ sớm được trở về căn nhà mới của mình, được bên vợ, bên con. Nói về đôi chân mơ ước và ngày sẽ rời khỏi bệnh viện, anh cho biết: “Việc đầu tiên là tôi sẽ đến chỗ máy bay rơi ở Hòa Lạc và thắp hương cho đồng đội tôi. Tôi sẽ tự bắt taxi đi!”.
Hy vọng, ngày anh có được đôi chân “mềm mại” để anh có thể tự đón taxi đến thắp hương tri ân những người đồng đội cùng chuyến bay của anh sẽ thật gần!