Hà Nội

Chiến sĩ “du kích cảm tử” kể chuyện đánh chìm tàu biệt kích Mỹ trên biển Sầm Sơn

13-07-2014 17:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cách đây gần 50 năm trước, đội dân quân “du kích cảm tử” gồm 6 ngư dân xã Quảng Tường, huyện Quảng Xương (nay là phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) trong vai những người đi đánh cá đã dùng thuyền trọng tải nhỏ chở theo bộc phá, thủ pháo, súng K54…

Cách đây gần 50 năm trước, đội dân quân “du kích cảm tử” gồm 6 ngư dân xã Quảng Tường, huyện Quảng Xương (nay là phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) trong vai những người đi đánh cá đã dùng thuyền trọng tải nhỏ chở theo bộc phá, thủ pháo, súng K54…đánh chìm tàu biệt kích của Mỹ. Con con tàu to lớn mang theo gần 30 tên lính Mỹ - Ngụy được trang bị vũ khí hiện đã bốc cháy ngùn ngụt giữa biển khơi bao la rồi dần dần chìm xuống đáy đại dương.

Chiến sĩ đội “du kích cảm tử” năm xưa vẫn nhớ như in chuyến đi biển đặc biệt đó.

Chiến sĩ đội “du kích cảm tử” năm xưa vẫn nhớ như in chuyến đi biển đặc biệt đó.

Dẹp bóng quân thù trên biển quê hương

Ông Nguyễn Đình Chấn (77 tuổi) ở thôn Hoan Kính, phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn là một trong sáu chiến sĩ “du kích cảm tử” duy nhất còn sống đến bây giờ. Ông là minh chứng cho lòng quả cảm, gan dạ, mưu trí chiến thắng thù địch dù mạnh hơn rất nhiều lần.

Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa tàu chiến ra các vùng biển phía Bắc trong đó có biển Thanh Hóa. Tàu lớn của chúng chia thành từng tốp ba chiếc, đi theo hình chữ V vào cách bờ biển Sầm Sơn chừng 3 đến 4 km rồi bắt bớ, càn quyét ngư dân đi đánh cá. Thuyền và dụng cụ đi biển chúng thu giữ rồi tiêu hủy. Nhiều ngư dân cùng thuyền, bè của ta bị tàu địch bắt giữ, phá hoại.

Trước tình hình trên, ban lãnh đạo Quân khu IV đã chỉ đạo cho Tỉnh đội Thanh Hóa thành lập các đội “du kích cảm tử” để chiến đấu lại tàu biệt kích Mỹ bằng các phương tiện sẵn có và sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối tháng 3/1966, đồng chí Trịnh Tố Phan - Tỉnh đội Trưởng cùng đồng chí Vũ Văn Kính - Trưởng Ty Công an Thanh Hóa đã trực tiếp về xã Quảng Tường triệu tập dân quân thành lập đội “du kích cảm tử”. Hơn 20 dân quân của xã đã hăng hái ghi tên mình vào đội.

Sau một tháng huấn luyện phương án tác chiến, tối ngày 8/4/1966 xã Quảng Tường tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến xung phong cho chuyến xuất kích đầu tiên. Sáu cánh tay quả cảm giơ lên gồm: Nguyễn Viết Xướng (Tổ trưởng), Nguyễn Hữu Thẳng (Tổ phó), Lê Nhữ Vối, Lê Văn Rạn, Nguyễn Hữu Nụ và ông (Nguyễn Đình Chấn).

Họ đều ở độ tuổi ngoài 20, đã có gia đình và con nhỏ. Ai cũng xác định đi giữa biển khơi đầu không đội trời, chân không đạp đất, chỉ có tấm lòng quả cảm, mưu trí để chiến đấu lại với địch. Phương tiện mà đội “du kích cảm tử” được cấp là con thuyền cũ có trọng tải 1,5 tấn, cùng 3 tấn lưới đã sờn bạc. Cất dấu bên dưới là 3 khẩu súng K54; 3 quả bộc phá tự tạo mỗi quả nặng chừng 3kg, mỗi quả có hai kíp nổ; 3 quả thủ pháo mỗi quả nặng 1 kg. Ngoài ra, các anh còn được trang bị sáu khúc luồng dài gần 1m dùng để làm phao bơi trong trường hợp phải nhảy xuống biển.

Danh hiệu mà đội của ông nhận được sau thắng lợi đó

Danh hiệu mà đội của ông nhận được sau thắng lợi đó

Xuất kích

4 giờ chiều ngày 9/4/1966 đội “du kích cảm tử” xã Quảng Tường làm lễ xuất kích. Mặc dù không phải là lễ truy điệu trước, nhưng ai cũng hiểu đã chấp nhận ra khơi chuyến này là chấp nhận gửi thân mình vào biển cả quê hương.

Sau khoảng hai giờ lênh đênh trên biển mà không gặp tàu địch, thuyền của đội du kích đã ra cách bờ chừng vài km. Lúc này, mọi người đã thấm mệt nên quyết định thả lưới bắt cá nấu ăn.

Gần nửa đêm, trong lúc đang kéo lưới lên thì các đồng chí nghe tiếng tàu địch chạy từ xa tới. Lúc này đồng chí Tổ trưởng phân công các đồng chí Vối, Thẳng, Nụ mỗi đồng chí mang bên mình một khẩu súng K54 lặn xuống nước nấp dưới đuôi thuyền, sẵn sàng họng súng hướng về tàu địch. Các đồng chí còn lại đứng tại mũi thuyền tiếp tục kéo lưới bình thường, sẵn sàng thủ pháo, bộc phá khi có hiệu lệnh thì đồng loạt hành động.

Kéo lên khỏi mặt nước được một tấn lưới, bắt được hai con cá bẹ, một con cá thu to bằng cổ tay thì đội gặp nhóm tàu địch chạy tới. Chiếc đi đầu lướt qua khoảng 200 mét thì quay trở lại tiến gần đến chiếc thuyền. Như luận điệu thường thấy, chúng áp sát thuyền cá phát loa yêu cầu thuyền ngư dân ngừng đánh bắt cá và đầu hàng. Mặc tiếng loa phát ra, tất cả đều im lặng như phương án đã bàn bạc.

Khi con tàu ép lại gần hơn thuyền cá, thì khoảng 30 tên lính Mỹ - Ngụy đứng thành hàng trên bong lăm lăm súng trên tay chĩa về phía các chiến sĩ. Chúng rọi đèn pin khắp con thuyền và tiếp tục yêu cầu ngư dân đầu hàng. Lúc này, đồng chí Xướng mới lên tiếng xin một sợi dây. Từ trên tàu chúng ném xuống thuyền sợi dây bằng ngón tay cái, con thuyền nhỏ bé đã buộc chặt con con tàu.

Sáu chiến sĩ của “đội du kích cảm tử” xã Quảng Tường năm xưa không hề nà gian khổ, hy sinh vì vùng biển quê hương còn bóng quân thù

Sáu chiến sĩ của “đội du kích cảm tử” xã Quảng Tường năm xưa không hề nà gian khổ, hy sinh vì vùng biển quê hương còn bóng quân thù

Trước những con tàu địch to lớn, được trang bị súng ống, đạn pháo với hàng chục tên lính, ai cũng có giây phút ái ngại. Chỉ một sơ suất nhỏ, chúng sẽ cho nổ tung con thuyền. Thoáng sau giây phút ấy, mọi người nhanh chóng trấn tĩnh để tiếp kế hoạch. Cụ Chấn tiếp mạch hồi ức: “thấy chúng ép sát thuyền của mình ở thế cậy lớn o ép bé, chúng tôi ai cũng không còn thấy sợ hãi nữa mà “quyết tử” để chiến đấu lại!”. Đúng lúc đồng chí Xướng cất lời “xin các ông, chúng tôi là dân đánh cá!” thì đồng loạt ba đồng chí dưới nước nã súng vào hàng binh lính đang đứng trên bong tàu. Sau loạt đạn, tất cả đổ ập xuống biển, không một tên sống sót. Ông Chấn cùng đồng chí trên thuyền cũng nhanh tay giật kíp nổ ném bộc phá, thủ pháo lên tàu địch. Con tàu bốc cháy ngùn ngụt, sáng rực một góc giữa biển khơi đen kịt. Sau tiếng nổ vang lên chát chúa, con tàu dần dần chìm xuống.

Liền sau đó, hai con tàu còn lại nhanh chóng lại bao vây chiếc thuyền. Thấy vậy, đồng chí Xướng lệnh cho tất cả các anh em nhanh chóng ôm khúc luồng nhảy xuống biển dưới làm mưa đạn, pháo xối xả trên đầu. Nghe tiếng nổ ngoài khơi, ủy ban Huyện đội và xã đội đã điều thuyền ra yểm trợ, tìm kiếm cứu nạn.

Gần hai tiếng lênh đênh trên biển, quá nửa đêm khi đã thấm mệt, sáu đồng chí của đội du kích cảm tử đã may mắn gặp được thuyền của ta. Các anh được đưa đi thay quần áo, tiêm thuốc hồi sức và ăn lót dạ bằng vài chiếc bánh sắn trước khi nghỉ ngơi. Lúc này ông Chấn mới phát hiện ra mình bị thương vào đầu gối chân trái.

Chiếc thuyền của đội du kích cảm tử đã bị tàu địch nã đạn, pháo như “rắc lúa”. Một mảnh thuyền còn sót lại dài gần 2m đã trôi dạt xuống bờ biển xã Quảng Hải cách đó 20km. Khi được ngư dân vớt lên nó đã phải hứng tới 96 viên đạn xuyên qua. Hiện nay, mảnh thuyền đang được bảo quản tại Bảo tàng Thanh Hóa.

Thắng lợi của đội du kích xã Quảng Tường đã trở thành bài học thực tiễn quý báu để từ đây trên khắp các vùng biển phía Bắc nhiều thuyền bè của dân quân và ngư dân địa phương luôn vững tay lưới, chắc tay súng sẵn sàng tấn công lại tàu biệt kích Mỹ, kiên quyết bảo vệ vùng biển quê hương.

Sau chiến thắng, ông vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Tại đại hội mừng công tổ chức tại Rừng Thông sau đó hai tuần, đội “du kích cảm tử” được Quân khu IV tặng danh hiệu “Dũng sỹ đánh tàu”; Ủy ban Hành chính huyện Quảng Xương tặng danh hiệu “đơn vị chiến thắng tàu chiến địch đêm 9/6/1966”.

Thanh Thảo

 


Ý kiến của bạn