Hà Nội

Chiến sĩ áo trắng trên đỉnh A Mú Sung

26-02-2019 13:34 | Y tế
google news

SKĐS - Sinh ra và lớn lên ở TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Trong 13 năm quân ngũ thì có đến 10 năm gắn bó với vùng núi cao thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2013 đến nay, anh “đóng đô” ở nơi đầu nguồn sông Hồng chảy vào đất Việt là xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Anh là Trung úy, quân nhân chuyên nghiệp Bùi Tuấn Anh - y sĩ Bệnh xá Quân dân y, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345, Quân khu 2.

Sau khi học xong lớp Trung cấp y ở tỉnh Sơn La, tháng 2/2005, Bùi Tuấn Anh có lệnh gọi nhập ngũ vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 754, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La như bao thanh niên khác. Vào quân ngũ, với kiến thức đã được tích lũy ở trường y, cùng với đức tính cần cù, chịu khó, làm việc khoa học, ngăn nắp, Tuấn Anh luôn được thủ trưởng đơn vị biểu dương, khen thưởng. Hết thời gian nghĩa vụ, Tuấn Anh được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, phục vụ quân đội lâu dài nhưng anh được điều động đến Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 đóng trên địa bàn xã Chiềng On, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Đến năm 2010, anh được cử đi học chuyên khoa sau y sĩ, chuyên ngành tai mũi họng tại Học viện Quân y 1. Sau 2 năm học, anh được điều về Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 công tác.

Y sĩ Bùi Tuấn Anh tuyên truyền giữ vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh tại bản Tung Qua, xã A Mú Sung.

Y sĩ Bùi Tuấn Anh tuyên truyền giữ vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh tại bản Tung Qua, xã A Mú Sung.

Địa bàn biên giới nơi y sĩ Bùi Tuấn Anh công tác thuộc diện đặc biệt khó khăn, chủ yếu là các dân tộc ít người sinh sống như: Mông, Hà Nhì, Dao... Đời sống kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế, một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, hệ thống máy móc, trang thiết bị ngành y phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân của bệnh xá rất nghèo nàn, thiếu thốn. Song, vượt lên trên những trở ngại, trong 5 năm qua, y sĩ Bùi Tuấn Anh cùng các đồng nghiệp đã thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe, cứu chữa bệnh nhân; tuyên truyền, vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, đi ngủ phải mắc màn, không nuôi nhốt gia súc cùng nhà với người; xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu như nạn tảo hôn; hướng dẫn bà con sử dụng nước sạch tiết kiệm, hợp vệ sinh, đặc biệt là thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc các cháu nhỏ khoa học, đảm bảo dinh dưỡng.

Vào một ngày đầu thu trong nắng vàng hanh hao, chúng tôi cùng y sĩ Bùi Tuấn Anh đến Nhà Văn hóa bản Pho, xã A Mú Sung để thực hiện chương trình khám bệnh, tiêm phòng miễn phí cho các cháu nhỏ dưới 6 tuổi. Trên quãng đường đi bộ từ Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 xuống bản Pho chỉ chừng hơn cây số nhưng gặp người dân nào cũng chào hỏi y sĩ Tuấn Anh ríu rít như người thân đi xa lâu ngày trở về. Những cử chỉ, hành động ấy đã giúp chúng tôi hiểu thêm về tình cảm gắn bó thân thiết của người chiến sĩ áo trắng trẻ tuổi với bà con các dân tộc nơi đây.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, bản Pho có 34 hộ với 175 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Nếu như từ năm 2010 trở về trước, có đến gần 50% hộ nghèo và cận nghèo thì nay cả bản chỉ còn có 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Nghèo khó cũng xuất phát từ việc đông con mà ra. Có cặp vợ chồng đẻ 5 - 7 người con, mà thường đẻ năm một. Hậu quả của việc đẻ dày, đẻ nhiều gây nên những hệ lụy khó lường, đời sống kiệt quệ, không có thời gian tập trung lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Đẻ nhiều không những gây nên cảnh đói ăn, thiếu mặc mà con cái cũng không được học hành đầy đủ. Trước thực trạng đó, y sĩ Bùi Tuấn Anh đã phối hợp với cán bộ Trạm Y tế xã A Mú Sung đến từng nhà, gặp từng người trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tránh thai đúng cách, ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Nhiều cặp vợ chồng tuy chỉ sinh một bề con gái nhưng được y sĩ Tuấn Anh tuyên truyền, vận động nên cũng không sinh thêm, như vợ chồng anh Sùng A San và vợ là chị Thào Thị Seo tuy chỉ có 2 con gái nhưng anh chị quyết không đẻ thêm mà tập trung nuôi dạy và phát triển kinh tế gia đình. Hai con của anh chị đều chăm ngoan, học hành tiến bộ. Tương tự, vợ chồng anh Vàng A Dình và chị Sùng Thị Sy cũng vậy. Hai con gái của anh chị đã lớn nhưng anh chị cũng không có ý định sinh thêm.

Với những đóng góp quan trọng của y sĩ Bùi Tuấn Anh mà bản Pho, xã A Mú Sung đã được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành bản “3 không”: Không có người sinh con thứ ba, không có nạn tảo hôn, không có người mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Bùi Tuấn Anh còn giúp bà con bản Pho phát động phong trào vệ sinh hàng tuần. Theo đó, vào sáng thứ 3 hàng tuần, mỗi nhà 1 người tham gia vệ sinh công cộng, quét dọn đường làng ngõ xóm, dọn dẹp mương máng, cống rãnh. Việc này đã được đưa vào hương ước của bản và thực hiện thành nề nếp.

Y sĩ Bùi Tuấn Anh khám bệnh cho các cháu nhỏ bản Pho.

Y sĩ Bùi Tuấn Anh khám bệnh cho các cháu nhỏ bản Pho.

Không chỉ có vậy mà nhiều người dân nơi đây còn được y sĩ Bùi Tuấn Anh chữa bệnh, cứu mạng trong lúc gian nguy. Đơn cử như trường hợp ông Thào A Cao ở bản Tung Qua, xã A Mú Sung. Hôm ấy là vào khoảng đầu tháng 1/2018, trời rét tê tái. Đang đêm khuya, nhận được điện thoại của người dân, không một chút băn khoăn, y sĩ Bùi Tuấn Anh đã cơ động bằng xe máy để đến nhà ông Cao. Qua khám xét nhận thấy đây là trường hợp bị viêm ruột thừa cấp, máy móc thiết bị của bệnh xá không đủ, bác sĩ chuyên sâu không có, Bùi Tuấn Anh đã điện thoại báo cáo với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Ngay sau đó đã điều xe cứu thương đưa ông Thào A Cá lên Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát cách đó hơn 30 cây số. Cả đêm hôm ấy, y sĩ Bùi Tuấn Anh cùng với các y, bác sĩ của bệnh viên nhiệt tình cứu chữa nên ông Cao đã qua cơn nguy kịch. Sau chục ngày nằm viện chữa trị, ông Cao được xuất viện và đã đến Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 để cảm ơn y sĩ Bùi Tuấn Anh.

Ông Thào A Cá - Trưởng bản Pho, xã A Mú Sung chia sẻ, từ ngày y sĩ Bùi Tuấn Anh về đây công tác đã giúp đỡ cho bà con trong bản về nhiều mặt từ khám, chữa bệnh cho đến vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Người dân ở bản coi anh ấy như người thân của mình, rất tin tưởng và yêu mến.

Đại tá Trần Đình Sơn - Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 cho biết: Y sĩ Bùi Tuấn Anh là người có tay nghề vững, nhiệt tình, xông xáo trong mọi công việc. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Mặc dù hoàn cảnh gia đình có những khó khăn trở ngại, song y sĩ Bùi Tuấn Anh nhiều năm liền vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN
Ý kiến của bạn