Hà Nội

Chiến lược xét nghiệm đúng giúp Bắc Ninh sớm khống chế dịch bệnh

10-06-2021 08:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngay khi Bắc Ninh xuất hiện những điểm dịch COVID-19 đầu tiên, tỉnh đã kích hoạt đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, có việc thần tốc truy vết, xét nghiệm các đối tượng liên quan để kịp thời có biện pháp ứng phó. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Phạm Hồng Thắng, chuyên gia xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, thành viên Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh, về chiến lược xét nghiệm của tỉnh.

Bắc Ninh thực hiện lấy mẫu với từng nhóm cộng đồng nguy cơ khác nhau

PV: Thưa ông, hiện nay công tác xét nghiệm của tỉnh Bắc Ninh sau khi nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Bộ Y tế đã hoạt động và đáp ứng được nhu cầu điều trị ra sao?

TS. Phạm Hồng Thắng: Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đứng đầu là Thứ Trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đã chia làm 4 tổ, trong đó xét nghiệm SARS-CoV-2 thuộc Tổ hỗ trợ điều tra, giám sát dịch và xử lý môi trường tại cộng đồng.

Trước tiên, nói về năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 của Bắc Ninh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2

Một phòng khẳng định SARS-CoV-2 thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của tỉnh Bắc Ninh có công suất 4.000 – 5.000 ống mẫu/ngày, đây là đơn vị đầu mối về xét nghiệm Sars-Cov-2 của tỉnh. Phòng xét nghiệm khẳng định của Bệnh viện Quân Y 110, công suất 3.000 ống mẫu/ngày và phòng xét nghiệm khẳng định thuộc Phòng khám Hoàn Mỹ công suất 3.000 ống mẫu/ngày

Ngoài ra, còn có một số phòng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 vó vai trò xét nghiệm sàng lọc mẫu, nếu âm tính sẽ thống báo trả kết quả.

Phát hiện mẫu nghi ngờ dương tính phải chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm khẳng định của tỉnh. Ví dụ, như phòng xét nghiệm thuộc TTYT huyện Yên Phong công xuất 176 ống mẫu/ngày.

Tổng công suất xét nghiệm của tỉnh Bắc Ninh hiện đạt 11.000 ống mẫu/ngày. Nếu làm gộp mẫu theo quy định của Bộ Y tế, công xuất tối đa đạt khoảng 110.000 mẫu/ngày. Với tình hình dịch như hiện nay, các phòng xét nghiệm đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm cho tỉnh.

Ngay khi về tăng cường cho tỉnh Bắc Ninh các chuyên gia trong đoàn công tác đã đánh giá nhu cầu và năng lực xét nghiệm SARS-Cov-2.

Phát hiện vấn đề cần tháo gỡ, sẽ trực tiếp tư vấn hỗ trợ hoặc kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh lực để tư vấn, hỗ trợ các hoạt động xét nghiệm, lấy mẫu, bảo đảm an toàn sinh hoc.

Nếu vượt quá khả năng, Bộ phận thường trực sẽ huy động thêm các đơn vị khác. Chúng tôi đã tham gia kiểm tra, giám sát công tác lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 của một số đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận hỗ trợ đặc biệt phòng chống COVID-19 Bắc Ninh trao đổi với các chuyên gia

PV: Thưa ông, thực hiện đề xuất của Bộ phận hỗ trợ đặc biệt Bộ Y tế, với các địa bàn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo phương án: Khu vực chưa có ca mắc lấy mẫu gộp, mỗi hộ 1 người. Khu vực có ca mắc nhưng chưa qua 14 ngày không có ca mắc mới thì lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình. Đồng thời, thực hiện theo khung thời gian khác nhau: Khu vực chưa qua 14 ngày không có ca mắc mới; khu vực có ca mắc trong khoảng thời gian từ 8-14 ngày và khu vực có ca mắc trong 7 ngày,...ông có thể phân tích sâu hơn về “chiến lược” này ?

TS Phạm Hồng Thắng: Theo các chuyên gia, chu kỳ nhân lên của virus SARS- CoV-2, đối với biến chủng Delta (xuất phát từ Ấn Độ) lưu hành nhân lên rất nhanh, khoảng 3 ngày.

Tương đương với các chu kỳ nhân lên và lây nhiễm trong quần thể dân có người nhiễm. Nên việc triển khai xét nghiệm được thực hiện phù hợp với chu kỳ nhân lên đó.

Dựa vào thông tin trên, các chuyên gia trong đoàn đã đưa ra chiến lược xét nghiệm SARS-CoV-2 áp dụng ở Bắc Ninh phù hơp với từng nhóm cộng đồng nguy cơ khác nhau.

Người dân đến các điểm lấy mẫu

Các thôn có ca mắc (ca F0) trong vòng 7 ngày được coi là có nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm 3 đợt vào các ngày 1, 4, 7, lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình để kịp thời phát hiện những ca mới đưa đi điều trị, thực hiện truy vết những người tiếp xúc gần F1, F2 cách ly theo quy định.

Các địa phương này đồng thời vẫn triển khai các biện pháp can thiệp như phong toả và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Các địa điểm có nguy cơ thấp hơn như các thôn, xã có ca mắc trong 8-14 ngày xét nghiệm 2 đợt vào các ngày 1, 7; các thôn trong 14 ngày không có ca mắc xét nghiệm 1 đợt, hình thức lấy mẫu xét nghiệm như trên.

Với những địa bàn thôn, xã chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, do đặc thù của bệnh này, 80% người nhiễm không có triệu chứng nên cần phải triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhưng chỉ lấy mẫu đại diện 1 người trong hộ gia đình để làm xét nghiệm.

Cần chú ý, khi thực thiện lấy mẫu xét nghiệm, các thôn xã tùy theo khu vực vẫn phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, khoanh vùng, giãn cách xã hội theo khuyến cáo của ngành y tế.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh thực hiện phân loại mẫu bệnh phẩm

PV: Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp có số lượng người lao động và mật độ công nhân cũng như dân số ở mức cao. Để công tác xét nghiệm sàng lọc như hướng dẫn của Bộ phận thường trực đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đúng kế hoạch, theo ông, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì? 

TS Phạm Hồng Thắng: Bắc Ninh là tỉnh có hơn 1.000 công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nên số công nhân và người lao động trong các KCN này lớn.

Bộ phận thường trực đặc biệt cũng đưa ra quy trình riêng trong đó, chia ra: Công ty có người mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày, muốn quay trở lại sản xuất cần xét nghiệm sàng lọc toàn bộ công nhân, người lao động trước khi quay trở lại sản xuất và xét nghiệm thêm 2 đợt cách nhau 3 ngày khi không có người dương tính mới được đi vào sản xuất.

Sau 2 đợt xét nghiệm nêu trên, sẽ tiến hành xét nghiệm sàng lọc từ 10-20% người lao động/tuần. Chúng tôi cũng có những hướng dẫn chọn mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân, người lao động trong công ty để chọn được những người có nguy cơ cao mắc SARS-Cov-2 như người hay phải ra ngoài cộng động, tiếp xúc với nhiều người…

Đối với các công ty hơn 14 ngày không có ca mắc COVID-19: Triển khai xét nghiệm sàng lọc toàn bộ người lao động công ty trước khi khởi động lại sản xuất, ngoài ra phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu theo quy định của UBND tỉnh Bắc Ninh mới được hoạt động.

Thực hiện xét nghiệm sàng lọc 10- 20% người lao động/tuần theo hướng dẫn chọn mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân, người lao động trong công ty.

Các kết quả xét nghiệm cần được báo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tổng hợp và theo dõi.

Bắc Ninh hiện có 3 phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2

PV: Qua kiểm tra thực tế, ông có nhận xét và khuyến cáo gì cho công tác xét nghiệm của tỉnh Bắc Ninh?

TS Phạm Hồng Thắng: Qua kiểm tra và quan sát thực tế, cá nhân tôi đánh giá cao công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 của tỉnh Bắc Ninh.

Trước tiên, đia phương có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, công an, quân đội và các đoàn thể đã phối hợp với nhân viên y tế trong công tác lấy mẫu xét nghiệm và phòng chống dịch.

Tôi cũng đánh giá cao vai trò của nhân viên y tế trong lấy mẫu và công tác xét nghiệm. Đặc biệt, các đơn vị xét nghiệm khẳng định như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh, nhân viên y tế  đã rất vất vả chia 3 ca làm việc liên tục 24/24 giờ để có thể thực hiện xét nghiệm và trả kết quả kịp thời trong 24 giờ.

Thêm nữa, trong công tác lấy mẫu đã có sự tham gia hỗ trợ của giáo viên, tình nguyện viên, họ  tình nguyện nhập liệu, cung cấp máy tính xách tay để vào số liệu tại thực địa giúp cho y tế có số liệu chính xác và nhanh.

PV: Thưa ông, người dân có vai trò như nào trong công tác xét nghiệm và sự hợp tác của người dân ra sao để hoàn thành chiến lược xét nghiệm đề ra?

TS Phạm Hồng Thắng: Có ý kiến phản ánh đến chúng tôi rằng, người già và trẻ em đã được cách ly có cần phải xét nghiệm không? Tôi lưu ý, virus SARS-CoV-2 rất nguy hiểm.

Như trên đã nói, khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng nhưng vẫn có thể làm lây bệnh sang người khác. Nếu không thực hiện xét nghiệm, chúng ta không biết ai đang mang mầm bệnh và sẽ làm bùng lên các ổ dịch trong cộng đồng. Đặc biệt Bắc Ninh là tỉnh đang có dịch như hiện nay.

Chúng tôi đề nghị, người dân cần hợp tác với ngành y tế đi lấy mẫu đúng yêu cầu của nhân viên y tế nhằm đạt được 100% số người cần lấy mẫu.

Có như vậy, mới sàng lọc và phát hiện sớm người đang mang mầm bệnh đi điều trị kịp thời. Từ đó, cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại cuộc sống hoạt động bình thường. Chúng tôi, rất mong bà con đồng lòng và thực hiện.

Trong thời gian này, người dân tiếp tục thực hiện tốt việc cách ly, giãn cách xã hội theo đúng yêu cầu của của y tế. Tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế  “Khẩu trang- Khử khuẩn- khoảng cách- Không tụ tập đông người và khai báo Y tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông


Anh Văn - Anh Tuấn (từ Bắc Ninh)
Ý kiến của bạn