"Chiến lược vừa áp sát vừa đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông"

GS.TS.Luật sư Nguyễn Bá Diến

GS.TS.Luật sư Nguyễn Bá Diến

Chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế

22-08-2019 14:11 | Phòng mạch online

SKĐS - GS.TS.LS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo , Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế cho rằng, trước mưu đồ độc chiếm Biển Đông và chiến lược vừa áp sát vừa đe dọa các nước khác của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần phối hợp nhiều lực lượng, trên nhiều mặt trận từ chính trị, ngoại giao, pháp lý, đến ở ngoài thực địa, quyết “một tấc không đi, một li không rời”.

Trước những diễn biến gần đây trên biển Đông như tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc lần thứ 2 quay trở lại ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế GS.TS.Luật sư Nguyễn Bá Diến, người có hàng chục năm nghiên cứu về Biển Đông đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Sức khỏe&Đời sống về những âm mưu và hành động phi pháp của Trung Quốc cũng như cách thức mà  Việt Nam nên tiến hành  nhằm ngăn chặn và làm phá sản mọi mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế GS.TS.Luật sư Nguyễn Bá Diến

Phóng viên: Chỉ trong một  thời gian ngắn Trung Quốc 2 lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hộ tống tàu này là nhiều tàu hải cảnh và tàu hải quân của Trung Quốc. Điều đáng nói là những tàu này xuất hiện ở khu vực bãi cạn, bãi ngầm, xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đây là hành động Trung Quốc muốn âm mưu chiếm đóng trái phép một số thực thể ngầm trên thềm lục địa của Việt Nam. Nếu đúng như vậy, hành động này có giá trị pháp lý hay không?  Hành động Trung Quốc tập trận trên Biển Đông có mục đích gì thưa ông?

GS.TS.LS Nguyễn Bá Diến : Việc Trung Quốc đưa tàu HD08 và  một  loạt tàu chấp pháp khác tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam  ở khu vực  bãi Tư Chính lần thứ 2, cùng đi theo là một số tàu khác, có cả tàu hải quân hỗ trợ vòng ngoài ,  với số lượng đông hơn,   thể hiện bước leo thang mới hết sức nghiêm trọng của Trung Quốc  nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Lần này, Trung Quốc tiếp tục sử dụng cả tàu Hải cảnh hiện đại nhất thế giới (có tàu  trọng tải 12000 tấn) cùng 1 đội tàu hải quân tiếp sức vòng ngoài với cả một đội tàu dân quân biển (hải quân trá hình) hùng hậu. Điều này cho thấy đây là một bước leo thang mới, là  hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam hết sức nghiêm trọng thể hiện chiến lược vừa áp sát vừa đe dọa của Trung Quốc nhằm mục đích “gặm nhấm”  biển đảo nước khác, tiến tới chiếm trọn và thống trị  Biển Đông.  (Cần phải lật tẩy mưu đồ của Trung Quốc trong cái lập luận rằng :”  khu vực Tư Chính nằm trong phạm vi đường lưỡi bò  và nằm trên thềm lục địa của Trường Sa, mà Trường Sa là của Trung Quốc” (?!). Lập luận ngang ngược và phi lý này đã bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ tại phán quyết tuyên ngày 12/7/2016 tại La Hay) . Với hành vi này, thêm một lần nữa, Trung Quốc đã tự mình  phơi bày “bộ mặt” thật của họ trước nhân dân Việt Nam và công luận quốc tế.

Nói về tính pháp lý,  việc  Trung Quốc  đưa tàu nghiên cứu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động phi pháp theo Công ước Luật biển  năm 1982.  Khu vức Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và  thềm lục địa 200 hải lý  của  Việt Nam chiểu theo công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, không liên quan gì đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc. Cớ sao Trung Quốc lại ngang nhiên xâm phạm, tái diễn hết lần này đến lần khác ?!.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc

Phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016, cũng đã bác bỏ yêu sách phi lý đường lưỡi bò của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ các thực thể ở ngoài khơi Biển Đông, bao gồm một số thực thể ở Trường Sa chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý; không một  thực thể nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS). Mặc dù, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất từ thế kỷ XVII đến nay, với đầy đủ các hệ thống lập luận và chứng cứ khoa học; nhưng chúng ta cũng không đòi hỏi vượt quá quy định của UNCLOS .

Từ lâu, Việt Nam cũng đã thực hiện quyền chủ quyền đối với khu vực  bãi Tư Chính. Ngay từ năm 1971, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cho tiến hành phân lô đấu thầu thăm dò khai thác. Năm từ năm 1988 cho đến nay, Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng đã phân lô và mời các nhà thầu nước ngoài đến thăm dò, khai thác dầu khí tại đây.

Như vậy, lập luận đường 9 đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa  trọng tài  quốc tế bác bỏ, kể cả lập luận Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa  của quần đảo Trường Sa  cũng bị coi là phi pháp, vô giá trị. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử chứng minh quần đảo  Hoàng Sa và Trường Sa  là của Việt Nam. Chúng tôi đã từng nói thẳng  với các luật gia  của Trung Quốc rằng  chúng tôi sẵn sàng  đối thoại một cách thẳng thắn  về luật pháp  với các luật gia của Trung Quốc  để chứng minh Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.

Trung Quốc không có bất cứ căn cứ pháp lý hoặc bằng chứng  nào để khẳng định cho những lập luận về đường lưỡi bò của mình, cũng như yêu sách phi lý đối với hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa  của  Việt Nam. Trung Quốc đã và đang cố tình đổi trằng thay đen, cắt xén, bịa đặt và ngụy tạo chứng cứ  mà thôi. Đây là lý do tại sao bấy lâu nay Trung  Quốc luôn  từ chối đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra trước các cơ quan tài phán quốc tế, cũng như các tổ chức quốc tế,  dẫu rằng Trung Quốc là thành viên thường trực của HĐBA, Trung Quốc có 1/15 thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế của LHQ (CJ),  và  1/21 thẩm phán tại  Tòa án Luật Biển quốc tế.

Mặc dù hiện nay Trung Quốc  không sử dụng vũ lực nhưng tàu khảo sát của họ có sự hỗ trợ của các lực lượng cảnh sát biển, dân quân biển (đều là lực lượng hải quân trá hình) và  hải quân chính quy. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở Biển Đông;  đây không chỉ  là hành động đe dọa mà còn để chuẩn bị cho những tác nghiệp,  kịch bản sẵn sàng gây hấn ( sẵn sàng sử dụng vũ lực).

Phóng viên: Nhìn về bài học Trung Quốc từng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines , chúng ta cần làm gì để ngăn chặn các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông? Cách thức Việt Nam có thể tiến hành thế nào để vừa có lợi cho hòa bình, an ninh khu vực, vừa không bị lôi kéo vào những ý đồ nào khác?

GS.TS.LS Nguyễn Bá Diến : Có thể kịch bản giống Scarborough sẽ xảy ra,  nếu chúng ta không có một chiến lược với những kịch bản được trù định một cách chi tiết và  tổng thể, trên tất cả các lĩnh vực: cả trên thực địa, ngoại giao,  kinh tế, quốc phòng an ninh, pháp lý,…. thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Thậm chí  Trung Quốc có thể liều lĩnh siêu đảo hóa ở khu vực này như đã từng làm ở Trường Sa của Việt Nam trong thời gian qua.  Việt Nam đừng để xảy ra như với Philippines  ở bãi Scarborough năm 2012  vào tay Trung Quốc để rồi  sau đó mới đi kiện.  Chúng ta hết sức cảnh giác.

Chúng ta cần nhận diện rõ ràng, Trung Quốc sẽ  không dừng lại, họ đã bộc lộ tham vọng rõ ràng. Bãi Tư Chính  là khu vực địa chiến lược trọng yếu, không chỉ là rốn dầu của khu vực mà còn  là khu vực chiến lược  về quốc phòng và an ninh. Không loại trừ khả năng  Trung Quốc liều lĩnh  xây đảo nhân tạo giống họ đã từng làm, thậm chí là đưa giàn khoan tới.  Với chiến lược  vừa quấy rối, vừa ngăn cản Việt Nam khai thác hợp pháp dầu mỏ khí đốt  trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, mặt khác đe dọa các nước hợp tác với Việt Nam khai thác tài nguyên ở đây.  Mục tiêu của Trung Quốc  là ngăn cản,  sâu sa hơn là hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp.

Để bảo vệ chủ quyền của mình, chúng ta phải tiến hành bằng nhiều cách thức từ chính trị, ngoại giao, pháp lý, phối hợp với các lực lượng trên biển, kể cả ngư dân, quyết  “một tấc không đi, một li không rời”, sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, chúng ta không để bị lôi kéo kích động vào việc sử dụng vũ lực.  Chúng ta luôn kiên trì, cương quyết  và tỉnh táo để không bị mắc mưu, mắc bẫy Trung Quốc, nhưng cũng sẵn sang chuẩn bị cho mọi kịch bản và tình huống, kể cả tình huống xấu nhất. Ngoài ra, về ngoại giao, chúng ta có thể gửi công hàm tới  LHQ, tới các quốc gia  để kêu gọi sự ủng hộ. Cần phối hợp với ngay với  những quốc gia đang bị Trung Quốc đe dọa.

Chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế GS.TS.Luật sư Nguyễn Bá Diến

Phóng viên: Thưa ông, vào cuối tháng này Tổng thống Philippines và Chủ tịch Trung Quốc sẽ  gặp nhau để bàn về vấn đề khai thác chung giữa hai nước trên Biển, chúng ta có thể hiểu vấn đề này thế nào? Với một nước lớn như Trung Quốc việc bỏ qua luật pháp quốc tế gây ra hệ lụy gì?

GS.TS.LS Nguyễn Bá Diến : Trung Quốc đã và đang thực hiện nhiều chiến lược hòng độc chiếm biển Đông như chiến lược gặm nhấm vùng biển, gác tranh chấp để cùng khai thác. Về lý thuyết khai thác chung,  thông thường,  chỉ được các bên  tiến hành ở các vùng biển tranh chấp theo Công ước luật biển. Như bài học của Philippines, nếu họ  chấp nhận  cùng khai thác, nhất là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa,  vô hình chung biến vùng đặc quyền kinh tế của mình trở thành vùng tranh chấp. Đây là bẫy khai thác chung. Ý đồ chính trị của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính hiện nay chính là  biến vùng  không tranh chấp thành vùng  tranh chấp, hòng hợp pháp hóa yêu sách đường lưỡi bò.

Hành vi gặm nhấm lãnh thổ, vùng biển của Việt Nam cũng như các nước ở Biển Đông không xứng đáng với một nước lớn như Trung Quốc. Trung Quốc là ủy viên thường trực HĐBA, nhưng đã “giẫm đạp” lên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, Công ước luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tê mà chính Trung Quốc đã từng cam kết. Trung Quốc muốn viết luật riêng cho mình, đây là sự nguy hiểm trong quan hệ  quốc tế. Và nếu vậy, thì Trung Quốc đã tự đánh mất mình,  đồng thời chà  đạp những giá trị văn minh mà nhân loại qua bao nhiêu thế hệ đã xây dựng nên, đó là : hòa bình, an ninh, tôn trọng chủ quyền  và độc lập của các quốc gia , hợp tác cùng phát triển,… dựa trên nền tảng của sự thượng tôn pháp luật-pháp luật quốc tế!

Phóng viên: Qua những diễn biến gần đây trên Biển Đông, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ quốc tế như Mỹ, Australia, Nhật Bản, theo ông dư luận quốc tế có vai trò gì  và nếu  tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế , Việt Nam sẽ có những lợi điểm gì trong việc yêu cầu Trung Quốc  tôn trọng chủ quyền của Việt Nam?

GS.TS.LS Nguyễn Bá Diến : Biển Đông , vừa là kho tài nguyên vô cùng phong phú , vừa là   tuyến đường hàng hải quốc tế  huyết mạnh , quan trọng số 1 của thế giới, nên những gì diễn ra Biển Đông,  đều ảnh hưởng rất lớn đến an ninh an toàn hàng hải chung và  tất yếu  sẽ  ảnh hưởng đến các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực.  Chính vì thế,  lần đầu tiên  sau nhiều năm, ASEAN mới đây ra một Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, quan ngại về những hành vi chèn ép, bắt nạt các nước trên Biển Đông. Theo tôi tuyên bố chung thể hiện sự trưởng thành về mặt chính trị của ASEAN, nhiều quốc gia ASEAN qua đó đã nhận ra Biển Đông có vai trò quan trọng thế nào,  và cũng đã tỉnh ngộ trước âm mưu và hành động ngang ngược của Trung Quốc,… Đây là một chỉ dấu tích cực của ASEAN và   chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng ngôi nhà chung ASEAN,  tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, tiếp tục đưa vấn đề Biển Đông cũng như đảm bảo an toàn an ninh trên Biển Đông ra các diễn đàn quốc tế để buộc Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam và có những hành xử đúng đắn trên biển, tuân thủ pháp luật quốc tế .

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.


Hải Yến
Ý kiến của bạn