Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

18-08-2020 15:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng chống AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của đại dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, để đạt được mục tiêu trên cần mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính chô phòng, chống HIV/AIDS.

Như vậy, các chỉ tiêu cần phải đạt được, đó là: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt dưới mức 1000 trường hợp/năm vào năm 2030; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân vào năm 2030; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào  năm 2030.

Về dự phòng, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030; tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế và các loại thuốc, bài thuốc đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt ít nhất 50% vào năm 2030; tỷ lệ người MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ lệ thanh niên 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2030; tỷ lệ người dân 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

Về xét nghiệm, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hàng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Về điều trị, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV đạt 90% năm 2025 và đạt 95% năm 2030; tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt ít nhất 95% qua các năm; tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao đạt 92% vào năm 2025 và đạt 95% vào năm 2030; tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C đạt 50% trở lên vào năm 2025 và 75% trở lên vào năm 2030…


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn