Báo The Australian của Australia vừa đăng bài của giáo sư Alan Dupont, chuyên ngành an ninh quốc tế của Đại học New South Wales phân tích những hành động trên biển gần đây của Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc đang gia tăng chủ nghĩa đơn phương sử dụng sức mạnh cơ bắp tại khu vực.
Giáo sư Alan Dupont nhận định việc Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng ở châu Á thông qua việc áp đặt sức mạnh ghê gớm về quân sự và kinh tế là hết sức rõ ràng và được thể hiện rõ nhất tại Tây Thái Bình Dương nơi Trung Quốc đặt cược chiến lược hải dương của mình nhằm thống trị các vùng biển và tối đa hoá các yêu sách về lãnh thổ và tài nguyên.
Theo giáo sư Dupont, việc di chuyển giàn khoan Hải Dương - 981, với sự hộ tống, bảo vệ của đội tàu bán vũ trang và tàu chiến, tới vị trí ngoài khơi bờ biển Việt Nam đầu tháng 5 là một quyết định chiến lược được tính toán kỹ và được cấp cao nhất của Chính phủ Trung quốc thông qua. Ông đánh giá quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm cho tình hình leo thang căng thẳng hết sức nghiêm trọng và là ví dụ mới nhất của chủ nghĩa đơn phương sử dụng cơ bắp đang gia tăng.
Giáo sư Alan Dupont, chuyên ngành an ninh quốc tế của Đại học New South Wales
Giáo sư Alan Dupont cho rằng kể từ năm 2010, khu vực chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về mặt số lượng và tính chất nguy hiểm của những cuộc đối đầu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông liên quan tới đội tàu cá lớn nhất thế giới của Trung Quốc và đội tàu kiểm ngư, hải giám trong đó nhiều tàu được vũ trang của họ. Với chiến thuật “đánh cá, bảo vệ, tranh chấp và chiếm đóng”, các tàu cá của Trung Quốc dường như được bật đèn xanh đánh bắt tại các vùng biển tranh chấp. Nếu các nước có yêu sách phản đối về mặt ngoại giao hoặc thách thức đội tàu cá này trên thực địa, những tàu bán vũ trang của Trung Quốc nhanh chóng được điều đến để “bảo vệ” ngư dân của mình, sau đó chiếm những đảo, đá này và rồi đóng quân tại đây luôn.
Việc thôn tính dần những đảo, bãi đá tranh chấp đã bị Việt Nam và nhiều nước châu Á phản đối. Philippines đã từng đối đầu căng thẳng với Trung Quốc tại một số đảo tranh chấp ở Trường Sa và tại Scarborough. Vừa rồi, Indonesia cũng đã phản ứng cứng rắn khi đội tàu đánh cá Trung Quốc liên tục xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế tại khu vực đảo Natuna cách Trung Quốc tới 2000km.
Tại biển Hoa Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí người anh em Triều Tiên cũng đụng độ với đội tàu đánh cá và bán vũ trang của Trung Quốc, từ mức thấp là quấy nhiễu đến những vụ việc nghiêm trọng như đâm va, làm chìm tàu, nổ súng và những cuộc lao vào vật lộn giữa ngư dân Trung Quốc và lực lượng chấp pháp trên biển của các nước.
Giáo sư Alan Dupont dự đoán dường như Bắc Kinh tin rằng Hoa Kỳ đang bị phân tán và bận rộn với những thách thức về đối nội và đối ngoại, việc tận dụng gây sức ép và tranh thủ đối với các nước láng giềng nhỏ và yếu hơn khiến Trung Quốc có thể giành được nguồn tài nguyên, lãnh thổ và sự thống trị khu vực. Nếu đúng như vậy thì đây là một tính toán nguy hiểm không có lợi cho bất cứ quốc gia nào và không có lợi ngay cả với Trung Quốc, làm gia tăng lo ngại đối với ý định lâu dài của Trung Quốc ở châu Á, khuyến khích phản ứng qua lại, quân sự hoá các mầm mống tranh chấp và làm xấu đi cạnh tranh đang tồn tại giữa các quốc gia.
Kết thúc bài viết, giáo sư Alan Dupont nhấn mạnh thông điệp: Bắc Kinh đang phải đối đầu với sự cô lập của khu vực khi các quốc gia liên kết lại do bắt đầu nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa hơn là điều tốt lành. Điều đó cũng đã tạo cơ hội cho Mỹ tiếp thêm sinh lực cho các đồng minh Đông Bắc Á và thực hiện hiệu quả hơn chính sách tái cân bằng tại khu vực. Trung Quốc hãy hành xử có trách nhiệm và ngay lập tức có những bước đi làm giảm các xung đột trên biển, trong đó có việc sớm kết thúc bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Cách tiếp cận như vậy mới có thể gia tăng lòng tin giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng và làm giảm tình hình căng thẳng ở khu vực.