Chiến lược của WHO phòng ngừa đại dịch cúm trong thập kỷ tới

20-03-2019 07:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra chiến lược bảo vệ người dân trên toàn cầu chống lại mối đe dọa của bệnh cúm trong thập kỷ tới. Đồng thời cảnh báo rằng đại dịch cúm tiếp theo xảy ra là điều “không thể tránh khỏi”.

Dịch cúm phần lớn xảy ra theo mùa, ảnh hưởng đến khoảng nửa tỷ người và gây tử vong với hàng trăm ngàn người hàng năm. Theo WHO, đây là một trong những thách thức lớn nhất với sức khỏe cộng đồng.

Mối đe dọa của đại dịch cúm luôn luôn hiện hữu. Chiến lược mới của WHO từ năm 2019 đến năm 2030 là nhằm mục đích ngăn ngừa cúm theo mùa, kiểm soát sự lây lan của virut từ động vật sang người và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO cho biết.

Tiêm vắc-xin phòng cúm.

Tiêm vắc-xin phòng cúm.

Thế giới đã phải trải qua những đại dịch tàn khốc trong lịch sử bao gồm bệnh cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên toàn cầu. Bên cạnh đó, ba đại dịch lớn vào năm 1957, năm 1968 và năm 2009 - đại dịch cúm lớn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 18.500 người ở 214 quốc gia.

Cơ quan Y tế của Tổ chức Liên hợp quốc cho biết: “Một đại dịch cúm sắp tới là điều không thể tránh khỏi đặc biệt trong thời đại kết nối này, câu hỏi đặt ra không phải là liệu chúng ta sẽ phải đón nhận một đại dịch cúm khác nào tiếp theo không mà là đại dịch cúm tiếp theo sẽ xảy ra khi nào?”. Công bố chiến lược mới đối phó với đại dịch cúm toàn cầu, người đứng đầu tổ chức WHO nhấn mạnh sự cần thiết của việc chúng ta luôn phải cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết :“Chi phí cho một đợt đại dịch cúm sẽ vượt xa chi phí phòng ngừa”. Việc chuẩn bị phòng ngừa đại dịch cúm ước tính sẽ tốn ít hơn 1 đô-la Mỹ/người/năm, WHO cho biết để ứng phó với đại dịch cúm trong điều trị, phục hồi, chi phí sẽ tốn gấp 100 lần.

Chiến lược mới này kêu gọi các quốc gia tăng cường các chương trình y tế phổ quát và tăng cường các chương trình tiêm chủng, phòng ngừa nhằm giám sát dịch bệnh, ứng phó, phòng ngừa, kiểm soát và chuẩn bị.

WHO đưa ra lời khuyến cáo rằng, vắc-xin cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự phát triển và lây lan của bệnh, đặc biệt đối với các nhân viên y tế - những người thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh và những người có nguy cơ biến chứng cúm. Việc tiêm vắc-xin hiện đang ngăn ngừa 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm có thể tránh thêm 1,5 triệu ca tử vong nếu phạm vi tiêm chủng toàn cầu được cải thiện. Đồng thời, WHO cũng kêu gọi nghiên cứu và phát triển các loại vắc-xin, phương pháp điều trị virut hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn. Do các chủng đột biến của virut không ngừng biến đổi, các công thức vắc-xin phải được cập nhật thường xuyên hơn để đối phó với các biến thể mới của virut.

Dịch cúm phần lớn xảy ra theo mùa.

Dịch cúm phần lớn xảy ra theo mùa.

Ông Martin Friede, điều phối viên vắc-xin của WHO kêu gọi sử dụng phổ biến vắc-xin theo mùa, giúp bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương đồng thời giúp các nước triển khai nhanh chóng các biện pháp phòng ngừa trong trường hợp xảy ra đại dịch. “Một thế giới khỏe mạnh là khi mọi người đều được tiêm phòng đầy đủ” - ông Martin Friede nhấn mạnh.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO,  những tiến bộ trong nhiều năm gần đây đã giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết cho đợt dịch cúm lớn tiếp theo. WHO đồng thời cũng sẽ mở rộng các quan hệ đối tác để tăng cường các nghiên cứu, đổi mới và cải tiến các loại vắc-xin cùng các phương tiện khác để sẵn sàng ứng phó đại dịch cúm. Họ khẳng định chiến lược cho giai đoạn mới này không chỉ chuẩn bị cho việc phòng ngừa với đại dịch cúm mà còn tăng khả năng phát hiện các bệnh truyền nhiễm khác bao gồm cả Ebola.


Minh Huệ
Ý kiến của bạn