Sáng 15/12/2020, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam (CTCLQG) tổ chức chương trình Hội thảo “Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X”. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ngài Christopher Klein, Giám đốc USAID Việt Nam bà Ann Marie Yastishock, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung và các đại diện đến từ CTCLQG, Bệnh viện Phổi Trung ương, USAID, Chương trình chống lao các tỉnh thành và các tổ chức quốc tế…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong những năm vừa qua, mặc dù tình hình dịch tễ lao vẫn còn rất cao nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. CTCLQG là 1/9 nước đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do lao vào năm 2015. Công tác chống lao ở Việt Nam đã duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao, trên 92% cho người mới mắc lần đầu, 75% cho người mắc lao đa kháng nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng đơn thuần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 56%. Ngay cả với lao siêu kháng thuốc đã có phác đồ, có thuốc mới và dần bao phủ mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo
Nhận định tình hình, Thứ trưởng y tế cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức. Dịch tễ bệnh lao đang giảm, nhưng chậm (trung bình mỗi năm khoảng 4%). Vì vậy, CTCLQG cần áp dụng tối ưu những công cụ sẵn có trong chẩn đoán và điều trị lao kết hợp với bao phủ y tế toàn dân và các chính sách bảo trợ xã hội, đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc-xin mới, các tiếp cận can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao và huy động sự tham gia của các đối tác trong và ngoài nước vào công tác phòng chống lao.
PGS TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, cũng giống như dịch bệnh COVID-19 hiện nay, lao cũng là bệnh truyền nhiễm, việc phát hiện sớm bệnh là rất quan trọng. "Chúng ta cần phát hiện thật nhanh, thật sớm nguồn lây. Nếu hết nguồn lây bệnh lao sẽ chấm dứt, đây là niềm mơ ước của cả Việt Nam và thế giới", PGS Nhung nhấn mạnh.
PGS TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc BV Phổi Trung ương
Chiến lược 2X - công cụ mới giúp thanh toán bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030
Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu. Đây cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong cam kết chính trị của mình nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, thông qua thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, theo ước tính mỗi năm có khoảng 170.000 người mắc lao tại Việt Nam và chỉ có hơn 100.000 người được phát hiện và điều trị trong Chương trình Chống Lao Quốc gia. Vẫn còn khoảng 50.000 người mắc bệnh lao không được chẩn đoán trong cộng đồng và khoảng 20.000 trường hợp đã được chẩn đoán bệnh nhưng không được báo cáo trong hệ thống lao quốc gia.
Chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Dự án USAID SHIFT hợp tác với CTCLQG đã triển khai thí điểm Chiến lược 2X một cách toàn diện tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng cho 18 huyện thuộc 7 tỉnh (Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang). Theo USAID, sau 10 tháng triển khai 2X tại 19 cơ sở y tế ở 18 huyện và 18 chiến dịch cộng đồng tại 7 tỉnh cho thấy tỷ lệ phát hiện lao cả trong cơ sở y tế lẫn ngoài cộng đồng cao hơn nhiều so với khi chưa có 2X. Cụ thể, tại cơ sở y tế tỷ lệ phát hiện lao là 944/100.000 người chụp X-quang, xét nghiệm GeneXpert 4596 người phát hiện 874 ca mắc lao có bằng chứng vi khuẩn học; trong cộng đồng tỷ lệ phát hiện bệnh lao trung bình ở 7 tỉnh đạt 1517/100.000 người được chụp X-quang và xét nghiệm GeneXpert 7806 người phát hiện được 802 ca lao có bằng chứng vi khuẩn học. Theo đánh giá, Chiến lược “2X” (Xquang -Xpert) trong công tác phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.
Hội thảo “Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X”.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, chiến lược 2X sẽ đem lại lợi ích vô cùng lớn đối với người bệnh và cộng đồng. "Nếu phát hiện sớm, người bệnh được chữa khỏi bệnh nhanh hơn, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội vì giảm thời gian nằm viện, giảm thời gian nghỉ việc, đặc biệt giảm nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng, từ đó sẽ giảm nhanh số người mắc lao mới. Phát hiện sớm bệnh lao giúp cho chính bản thân mình, vừa phòng tránh bệnh cho người thân của mình", PGS Nhung nói.
Với những hiệu quả bước đầu, Chiến lược 2X sẽ tiếp tục được nhân rộng ra 25 tỉnh thành trong tháng 12/2020 tại các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa) cũng như các Trung tâm y tế huyện hoặc các Bệnh viện Đa khoa huyện.
Tại hội thảo các đại biểu còn chia sẻ những thành quả và bài học rút ra trong quá trình triển khai Chiến lược 2X tại các tỉnh, bao gồm những thành tựu chính của CTCLQG; Những kết quả của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật hướng tới chương trình phòng chống HIV/AIDS và lao bền vững” (USAID SHIFT) thông qua Chiến lược 2X được triển khai tại 7 tỉnh dự án; Kinh nghiệm triển khai từ chương trình chống lao các tỉnh; và Chiến lược chống lao toàn diện sử dụng phương pháp 2X từ các tổ chức quốc tế.