Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella toàn quốc: Góp phần lớn khống chế hoàn toàn dịch sởi

03-08-2015 13:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 7/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổng kết “Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng”.

Ngày 7/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổng kết “Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng”. Trước thềm hội nghị, phóng viên báo SK&ĐS (PV) có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về những kết quả của chiến dịch trong thời gian qua.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

PV: Thưa ông, sau gần 1 năm triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella miễn phí cho trẻ từ 1-14 tuổi, xin ông cho biết những đánh giá về kết quả đạt được của chiến dịch trên toàn quốc?

Ông Trần Đắc Phu: Theo báo cáo, trên toàn quốc đã có khoảng 20 triệu trẻ từ 1-14 tuổi đã được tiêm vắc-xin sởi - Rubella. 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi - Rubella trên 95%. Trên quy mô xã, phường có 11.150 xã/11.173 xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%. Đến nay còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt 95%, các tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét phấn đấu cả nước đạt 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95% trong tháng 8/2015.

Chiến dịch đã góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2015 chỉ ghi nhận 80 trường hợp mắc sởi rải rác trên 37 tỉnh, thành phố. Hiện nay trên phạm vi toàn quốc không ghi nhận các ổ dịch sởi.

PV: Thời gian vừa qua vẫn còn một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc-xin sởi - Rubella của chiến dịch tiêm chủng mở rộng (TCMR), Bộ Y tế đã có những đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Ông Trần Đắc Phu: Trong quá trình tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng không ghi nhận sự cố nghiêm trọng dẫn đến tử vong trong toàn bộ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi - Rubella. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng ghi nhận 15.866 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường được báo cáo (sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu...) nhưng chỉ chiếm 0,08%, thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.

Số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng được ghi nhận là 8 trường hợp và đã được Hội đồng chuyên môn điều tra, đánh giá nguyên nhân. Trong đó có 3 trường hợp liên quan đến phản ứng của vắc-xin gồm 1 trường hợp sốt cao co giật, 2 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin. Cả 3 trường hợp trên đều được xử trí kịp thời và hồi phục.

Một số địa phương ghi nhận hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền ở nhóm trẻ học sinh tại Lào Cai, Thanh Hóa,... Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay lập tức thành lập Hội đồng khoa học để giải quyết kịp thời, giải thích và tổ chức điều trị tâm lý cho các cháu. Ngoài ra, trong đợt triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella, chất lượng vắc-xin tại các điểm tiêm chủng được bảo đảm. Kết quả kiểm tra của các đoàn giám sát cho thấy, tại các bàn tiêm chủng vắc-xin được bảo quản lạnh đúng quy định.

PV: Một số phụ huynh  cho rằng, vắc-xin trong chương trình TCMR là vắc-xin sản xuất trong nước và được tiêm miễn phí, vì vậy, chất lượng sẽ không tốt bằng vắc- xin dịch vụ. Ngành y tế có thể khẳng định điều gì để người dân yên tâm đưa trẻ đi tiêm vắc-xin trong chương trình TCMR thưa ông?

Ông Trần Đắc Phu: Các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng vắc-xin sởi - Rubella trong chương trình TCMR. Vắc-xin TCMR và vắc-xin dịch vụ đều có cả vắc-xin sản xuất trong nước và vắc-xin nhập khẩu. Tất cả các loại vắc-xin đều phải qua kiểm định, đạt tiêu chuẩn của WHO mới được đưa vào sử dụng. Hiện nay, vắc-xin Việt Nam đã được thế giới công nhận và đánh giá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Với những bậc phụ huynh cho rằng vắc-xin sởi - Rubella trong chương trình TCMR là vắc-xin miễn phí, không phải trả tiền thì sẽ không thể tốt bằng vắc-xin dịch vụ là hoàn toàn sai lầm và đã dẫn tới hiện tượng chờ đợi vắc-xin dịch vụ, bỏ lỡ mất thời điểm tiêm phòng cho trẻ và thực tế thời gian qua đã có trẻ mắc sởi, ho gà do không đi tiêm chủng và tiêm không đúng lịch. Mỗi năm, cả nước có 1,5 triệu trẻ tiêm theo hình thức TCMR và chỉ có một số trẻ rất ít tiêm theo hình thức dịch vụ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn (Hà Nội và TP. HCM). Để việc tiêm chủng có hiệu quả, các bậc phụ huynh phải chủ động đưa con em mình đi tiêm đúng lịch, đủ số mũi tiêm.

Sở dĩ, vắc-xin sởi - Rubella được miễn phí bởi đây là Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện giai đoạn 2012 - 2015 để tiến tới loại trừ bệnh sởi theo mục tiêu của WHO vào năm 2017 và khống chế bệnh Rubella. Còn vắc-xin dịch vụ thì không nằm trong chương trình mục tiêu Quốc gia nên người sử dụng phải bỏ tiền ra mua.

PV: Để giảm bớt những nguy cơ phản ứng sau tiêm cho trẻ, ông có lời khuyến cáo nào cho các bậc phụ huynh?

Ông Trần Đắc Phu: Để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp.

Đặc biệt, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Loan (thực hiện)

 

 

 


Ý kiến của bạn