Chiến đấu với “tin đồn”

19-01-2015 02:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tin đồn vốn là một hiện tượng trong cuộc sống với những chi tiết đúng sai không hề được kiểm chứng. Sự xuất hiện và tồn tại của tin đồn bắt nguồn từ sự tò mò

Tin đồn vốn là một hiện tượng trong cuộc sống với những chi tiết đúng sai không hề được kiểm chứng. Sự xuất hiện và tồn tại của tin đồn bắt nguồn từ sự tò mò, suy đoán trước một sự việc người ta quan tâm hoặc cũng có thể với mục đích ác ý để bịa đặt, xuyên tạc một sự thật. “Tác giả” của tin đồn là “nghe nói” và dường như không có ai phải chịu trách nhiệm về thông tin nhưng được lan truyền nhanh vì tính tò mò, thêm thắt, lan truyền trong cộng đồng nên gây tác hại không nhỏ. Ở khu phố, cơ quan, quanh quán xá cũng không ít tin đồn “nghe nói anh này chị nọ…” hoặc “nghe nói sắp tới…” là những tin truyền miệng, song trong thời đại bùng nổ thông tin với mạng xã hội đang phát triển hiện nay, tin đồn càng nguy hại với những thông tin sai lệch, tạo ra dư luận tiêu cực có thể ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước.

Chống tin đồn trên mạng xã hội khó có thể hô hào không nghe, không tuyên truyền hoặc có thể dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn được bởi có khi tin đồn bắt đầu từ trang mạng tận nước ngoài với một cái tên rất nặc danh. Chống tin đồn hiệu quả nhất phải bằng cuộc chiến đấu hạ gục nội dung tin đồn bằng những thông tin chính thống, chính xác từ cơ quan liên quan, có trách nhiệm.

Dư luận rất đồng tình và hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị của Văn phòng Chính phủ trước hiện tượng này: “Điện thoại bật ra là có, lên Facebook là đọc được thông tin, hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Vì thế phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin”.

Ý kiến của Thủ tướng đã nhìn thẳng vào thực tế, hiểu được nhu cầu thông tin của người dân và đưa ra “thuốc chữa” là “thông tin chính thống”! Đây là biện pháp duy nhất đúng bởi “thông tin chính thống” có người, cơ quan chịu trách nhiệm, có đủ tính kiểm chứng chắc chắn sẽ đánh bạt những tin đồn vu vơ, thiếu trách nhiệm và ác ý.

Thực tế đã chứng minh khi gần đây, bệnh tình, sức khỏe của Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh được dân quan tâm nhưng chưa có thông tin chính thống thì tin đồn mọc như nấm trên mạng xã hội. Thậm chí nguyên nhân bệnh tật còn bị xuyên tạc bịa đặt đầy ác ý là bị đầu độc. Thế nhưng sau khi Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ TW lên tiếng, những hoài nghi, những xì xào đồn thổi đã hoàn toàn chấm dứt.

Phải công nhận “thông tin chính thống” nhiều khi chạy sau tin đồn vì những lý do gọi là “nhạy cảm” khiến Thủ tướng phải nhắc nhở “phải đưa thông tin chính xác, kịp thời” để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Chậm cũng dễ gây tai hại như nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Mai Liêm Trực đã nói thẳng: “Cách thức tốt nhất để dẹp bỏ những tin đồn thất thiệt là không nên né tránh những gì mà chúng ta thường cho là “nhạy cảm”. Càng không nên né tránh các loại thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống. Nếu là tôi thì sẽ “chơi bài ngửa, không có úp mở gì”. Bởi theo ông: “Nếu cứ im lặng thì tin đồn sẽ làm xã hội phân tâm”.

Mảnh đất của tin đồn là sự tù mù để thông tin sai lệch như múa gậy vườn hoang. Thông tin chính thống như ánh sáng ban ngày soi tỏ sự thật và ánh sáng ấy cần phải chiếu ngay vào những “sương khói” khi mới bắt đầu nhen nhóm. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là chỉ đạo đầy thấu tình đạt lý, là vũ khí hiệu quả nhất trước những tin đồn lạc lõng, vu vơ bởi sự thật chỉ có một!

Lê Quý Hiền

 

 


Ý kiến của bạn