Hà Nội

“Chiến đấu” với đại dịch COVID-19: Học tập từ Việt Nam và Thái Lan

06-10-2020 08:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trang tin Glute của Ấn Độ ngày 5/10 đăng bài viết: “Chiến đấu với đại dịch COVID-19: Học tập từ Việt Nam và Thái Lan” nhận định về cách đối phó với đại dịch vô cùng hiệu quả của hai nước Đông Nam Á là Việt Nam và Thái Lan. Báo Sức khoẻ & Đời sống xin lược dịch và đăng tải bài viết này.

Covid19

Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang càn quét khủng khiếp tại Bắc Mỹ, Châu Âu, New Zealand, Đức, Iceland, Hàn Quốc lại có cách đối phó với đại dịch này một cách ngoại lệ. Các nhà cầm quyền Ấn Độ có thể lập luận rằng những quốc gia như Hàn Quốc có thể đối phó với đại dịch theo cách như vậy là bởi vì họ không những vượt trội về kinh tế mà còn có quy mô dân số thấp. Tuy nhiên, những quốc gia kém phát triển hơn như Việt Nam và Thái Lan đã kiểm soát được đại dịch một cách xuất sắc, mang lại bài học quan trọng cho Ấn Độ.

Thái Lan, với quy mô dân số là 69 triệu người, đã báo cáo 3.500 trường hợp mắc COVID-19 và 59 trường hợp tử vong. Việt Nam, với dân số 100 triệu người, còn làm tốt hơn thế. Quốc gia Đông Nam Á này, mặc dù có vị trí địa lý và kinh tế gần với Trung Quốc, từng là tâm điểm lớn của đợt bùng phát virus SARS – CoV- 2, nhưng có thể giới hạn tổng số ca bệnh ở mức nghìn ca và 35 trường hợp tử vong. Điều gì đã dẫn đến một thành công đáng kể như vậy?

Việt Nam và Thái Lan đã làm được 5 điều đáng chú ý. Họ đã thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, báo cáo ca bệnh, truy tìm liên hệ của những người mắc virus, phân cấp mạng lưới các phòng thí nghiệm và đầu tư vào nguồn nhân lực. Trong suốt 2 thập kỷ qua, mỗi năm, Việt Nam đã tăng thêm 9% chi tiêu cho y tế cộng đồng. Điều này đã giúp cho đất nước xây dựng được một cơ sở hạ tầng y tế cộng đồng vững chãi, có thể giúp người dân hiệu quả chỉ trong 1 giờ xảy ra đại dịch.

Trong khi đó, Ấn Độ lại chứng kiến một sự mở rộng nhanh chóng của các cơ sở hạ tầng y tế tư nhân, không hề có khả năng đối phó hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong tình hình xảy ra đại dịch. Không những thế, Ấn Độ đã nỗ lực vô cùng yếu ớt để tăng cường các cơ sở y tế công cộng. Cụ thể, chính phủ trung ương chỉ chi thêm 15 nghìn crore cho y tế cộng đồng trong thời gian xảy ra đại dịch và chỉ có ½ số ngân sách đó được chi ra ngay lập tức.

Ngay từ năm 2009, Việt Nam đã thiết lập một cơ sở dữ liệu trung tâm để báo cáo các ca bệnh theo thời gian thực. Cơ sở dữ liệu này đã tuyển dụng một lượng lớn các bác sĩ, nhà dịch tế học cấp thực địa và chuyên viên công nghệ thông tin.

Thái Lan cũng có cơ sở hạ tầng y tế công cộng phát triển như ở Việt Nam. Quốc gia này đã tiến hành khám sàng lọc cho tất cả hành khách tại sân bay ngay từ ngày 3/1/2020. Tuy nhiên, Ấn Độ lại tiến hàng khám sàng lọc tại sân bay tại thời điểm khá muộn sau đó, khiến Ấn Độ bị nguy cơ cao các ca bệnh du nhập từ các nước bên ngoài. Thái Lan còn cung cấp bảo hiểm y tế cho mọi lao động nhập cư, trong khi Ấn Độ cho phép hàng nghìn lao động nhập cư xếp hàng dài trở về quê hương của họ.

Cả Việt Nam và Thái Lan, đều được biết đến là những quốc gia có lượng khách du lịch lớn, song đều có thể đảm bảo 95% người dân và khách du lịch đeo khẩu trang.

Đó là cách đối phó dịch đơn giản nhưng vô cùng kịp thời, mang lại hiệu quả lớn lao mà Việt Nam và Thái Lan đã áp dụng để đối phó với đại dịch COVID -19.


Hà Anh
Ý kiến của bạn