Chiến đấu cơ KAAN gây chú ý tại châu Á và Trung Đông

27-05-2025 09:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 25/5, Tổng giám đốc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TUSAS) Mehmet Demiroglu, cho biết 4 quốc gia: Kazakhstan, Saudi Arabia, Malaysia và Indonesia, đã bày tỏ sự quan tâm đến chương trình tiêm kích thế hệ mới KAAN do Ankara phát triển.

Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình Máy bay Chiến đấu Quốc gia (MMU), được Thổ Nhĩ Kỳ khởi động sau khi bị loại khỏi chương trình F-35 của Mỹ vào năm 2019, do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: X)

Sự quan tâm từ Saudi Arabia và Indonesia

Saudi Arabia và Indonesia là hai quốc gia đã có động thái quan tâm rõ nét từ trước. Đầu năm 2025, Riyadh được cho là đang cân nhắc mua tới 100 chiếc KAAN. Sự quan tâm này chính thức được cụ thể hóa qua chuyến thăm của Tư lệnh Không quân Hoàng gia Saudi, Hoàng tử Turki bin Bandar Al Saud, tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại đây, hai bên đã bàn bạc về khả năng hợp tác công nghiệp, chuyển giao công nghệ và xây dựng dây chuyền lắp ráp KAAN tại Saudi Arabia.

Saudi Arabia từng nhiều lần gặp trở ngại trong việc mua tiêm kích F-35 từ Mỹ. KAAN được xem là một phương án thay thế nhằm tăng cường sức mạnh không quân và phát triển ngành công nghiệp hàng không trong nước, phù hợp với các mục tiêu của tầm nhìn "Saudi Vision 2030".

Về phía Indonesia, mối quan tâm đối với KAAN được củng cố vào tháng 4, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Prabowo Subianto và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara.

Dù Indonesia vẫn đang là đối tác trong chương trình KF-21 cùng Hàn Quốc, KAAN được đánh giá là nền tảng bổ sung đáng kể nhờ cấu hình hai động cơ và khả năng mang tới 10 tấn vũ khí, vượt trội hơn F-35 về tải trọng. Jakarta cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác quốc phòng với Ankara và tích hợp KAAN vào kế hoạch hiện đại hóa không quân.

Kazakhstan và Malaysia bước vào đàm phán

Theo ông Demiroglu, Kazakhstan và Malaysia cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán tích cực sau giai đoạn quan sát ban đầu.

Kazakhstan, quốc gia có mối quan hệ lịch sử và chiến lược gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ, xem KAAN như một phương tiện để thay thế phi đội máy bay thời Liên Xô, đồng thời tăng cường năng lực phòng không giữa bối cảnh an ninh khu vực có nhiều biến động.

Malaysia cũng đang tìm hiểu KAAN như một lựa chọn bổ sung cho đội bay hiện tại gồm máy bay Nga và phương Tây. Với nguồn ngân sách hạn chế, nước này đánh giá cao sự linh hoạt của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chia sẻ công nghệ và hỗ trợ sản xuất trong nước, một điều khó đạt được từ các nhà cung cấp truyền thống như Mỹ hoặc Nga.

Ở cả bốn quốc gia, KAAN thu hút nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, chi phí thấp hơn so với các dòng máy bay như F-35 (ước tính 80–110 triệu USD/chiếc), và khả năng hợp tác công nghiệp sâu rộng.

Indonesia đang tìm kiếm giải pháp thay thế trong bối cảnh dự án KF-21 gặp trở ngại về tài chính và bảo mật dữ liệu. Kazakhstan cần hiện đại hóa đội bay đã lỗi thời. Malaysia muốn có thêm phương án tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo năng lực chiến đấu. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út hướng tới mục tiêu giảm phụ thuộc vào vũ khí Mỹ.

Tiến độ phát triển của KAAN

Tính đến tháng 5, chương trình KAAN đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Nguyên mẫu đầu tiên đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/2024 và tiếp tục bay thử lần thứ hai vào cuối năm 2024.

TUSAS hiện đang sản xuất nguyên mẫu thứ hai và thứ ba để phục vụ các thử nghiệm hiệu suất, bao gồm tính năng tàng hình, độ ổn định khí động học và khả năng bay siêu thanh không cần đốt tăng lực, tiêu chuẩn của máy bay thế hệ thứ năm.

KAAN cũng được kiểm nghiệm các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến như radar AESA, cảm biến hồng ngoại (IRST) và hệ thống tác chiến điện tử, giúp phi công có cái nhìn toàn cảnh về khu vực giao tranh và linh hoạt giữa các nhiệm vụ không đối không và tấn công mặt đất chính xác.

Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt KAAN vào năm 2028, nhằm thay thế dần các tiêm kích F-16 và F-4E Phantom trong biên chế không quân nước này.

Giai đoạn đầu sẽ sử dụng động cơ General Electric F110, trước khi chuyển sang động cơ do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển vào năm 2032. TUSAS kỳ vọng sẽ bàn giao 20–30 chiếc đầu tiên vào năm 2030, với mục tiêu đạt ít nhất 100 chiếc KAAN cho không quân vào giữa thập kỷ tới.

Về xuất khẩu, Ankara đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất với Pakistan vào tháng 1, Azerbaijan cũng đã tham gia chương trình từ năm 2023. Những bước đi này không chỉ giúp hạ giá thành mà còn mở rộng thị trường, đặc biệt với các nước không tiếp cận được vũ khí Mỹ hoặc Nga.

KAAN dài 20m, sải cánh 13m, tương đương F-22 Raptor của Mỹ. Với hai động cơ F110, nó có thể đạt tốc độ hơn Mach 1.8 và mang tối đa 20.000 pound vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không như Bozdogan và Gokdogan, cũng như bom dẫn đường chính xác. Các phiên bản tương lai dự kiến sẽ tích hợp khả năng điều khiển máy bay không người lái trong các nhiệm vụ phối hợp.

Về khả năng tàng hình, KAAN sử dụng thiết kế góc cạnh và vật liệu hấp thụ sóng radar, nhưng ban đầu sức chứa vũ khí trong thân có thể giới hạn khoảng 1.000 pound, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ tàng hình khi mang theo vũ khí ngoài thân.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phát triển động cơ TF35000 với lực đẩy 35.000 pound. Nếu hoàn thiện, động cơ này sẽ đưa KAAN vào nhóm những tiêm kích có hiệu suất mạnh nhất thế giới.

Vì sao Israel không muốn Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu F-35?Vì sao Israel không muốn Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu F-35?

SKĐS - Theo tờ Middle East Eye, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bí mật vận động Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngăn chặn mọi thương vụ bán F-35 cho Ankara.


Xuân Minh
(Theo Bulgarian Military)
Ý kiến của bạn