Dường như với họ, không có khái niệm ngày nghỉ hay lễ, Tết bởi thường xuyên đằng đẵng xa nhà, ăn ngủ trong đơn vị... chỉ cần cứu sống được bệnh nhân, ngày đó sẽ là Tết.
Muôn vàn khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió
Huyện đảo Bạch Long Vỹ nằm cách đất liền Hải Phòng khoảng 140km với diện tích tự nhiên gần 3,5km2.
Với đặc thù là ngư trường, thường xuyên có hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân về đây khai thác thủy sản nên việc chăm sóc sức khỏe, cấp cứu người gặp nạn trên biển được đặc biệt chú trọng.
Năm 2016, trên cơ sở kết hợp toàn diện giữa Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo và Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vỹ, UBND TP Hải Phòng đã quyết định sáp nhập, thành lập Trung tâm Y tế (TTYT) quân dân Y Bạch Long Vỹ. Theo đó, trung tâm vừa thực hiện công tác y tế dự phòng, vừa đảm đương công tác cấp cứu, điều trị và đảm bảo quy mô tổ chức hoạt động thời bình và có dự phòng thời chiến (tác chiến phòng thủ đảo khi có chiến tranh xảy ra).
Sau khi thành lập, năm 2017, chủ trương xây dựng TTYT Quân dân Y Bạch Long Vỹ với quy mô 50 giường bệnh cũng tạm dừng, khiến việc bố trí các khoa, phòng chức năng gặp khó khăn, trang thiết bị thiếu, cán bộ y tế và bác sĩ tăng cường không có nhà công vụ để ở, phải ở luôn trong phòng bệnh và ăn ở cùng với bệnh nhân. Chưa kể, khí hậu ngoài biển khắc nghiệt, độ mặn cao nên hầu hết các trang thiết bị vi điện tử, dụng cụ y tế khác rất nhanh bị hỏng, gây khó khăn trong công tác chẩn đoán và cấp cứu người bệnh.
Nhắc tới công tác khám chữa bệnh trên đảo, BS. Phạm Văn Hải – Giám đốc TTYT Quân dân Y Bạch Long Vỹ cho hay: "Kể từ sau khi thành lập TTYT Quân dân Y đến nay, đơn vị có tất cả 17 nhân lực gồm 5 bác sĩ và 12 cán bộ, nhân viên y tế khác. Do xa đất liền, lại thiếu nhân lực nên trung tâm phải làm mọi việc từ phòng chống dịch, mổ cấp cứu, khám bệnh. Mỗi bác sĩ của trung tâm vừa phải khám, vừa phải mổ, vừa lo điều trị từ ngoại tới sản, nhi, tới gây mê, hồi sức, thậm chí cả siêu âm cũng làm hết... Trong khó khăn, thiếu thốn như thế, giữ được tính mạng cho người bệnh là cả sự cố gắng vô cùng".
Theo lời BS. Hải, mỗi lần có dịp về đất liền, các bác sĩ của trung tâm lại vào BV Việt Tiệp, Phụ sản Hải Phòng học thêm ngoại, sản, hồi sức cấp cứu để có thêm kỹ năng, kinh nghiệm, chuyên môn trong cấp cứu ngoài đảo. Kể từ đó, các ca mổ đã được thực hiện ngay tại đảo, hạn chế phải di chuyển bệnh nhân vào đất liền. Cái khó nhất là trung tâm chỉ tuyển được nhân lực trình độ trung cấp với cao đẳng, rồi tiếp đến cho đi đào tạo lên bác sĩ và học chuyên khoa. Đến nay, TTYT Quân dân Y đã đảm bảo thực hiện mổ an toàn các ca trung phẫu như viêm ruột thừa cấp, chửa ngoài tử cung vỡ, thủng dạ dày, vết thương thấu tạng, đa vết thương do tai nạn... Nhờ ứng dụng các phương pháp như hội chẩn từ xa, đưa đón người bệnh bằng máy bay, ngân hàng máu sống trên đảo... đã cứu được rất nhiều ca bệnh trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".
BS. Lê Ngọc Trọng - người đã gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên đảo kể: "Đợt tháng 8/2021, Trung tâm Y tế của đảo có tiếp nhận 1 ca bệnh V. D.A, SN 1973 và được các bác sĩ chẩn đoán tai biến mạch máu não thể xuất huyết do tăng huyết áp kịch phát. Việc cấp cứu tối cấp đối với bệnh nhân này nhanh chóng được triển khai (hạ huyết áp, giãn cơ, an thần, thở oxy, đặt thông tiểu...). Sau 5 phút, khi huyết áp bệnh nhân hạ xuống dần và duy trì ở mức 180/90mmHg, trung tâm hội chẩn với BV Việt Tiệp về ca bệnh này. Êkíp đã thống nhất chẩn đoán, xác định bệnh nhân có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời trong thời gian sớm nhất (trước 6 giờ). Ngay sau đó, lãnh đạo TTYT đã báo cáo cấp trên xin hỗ trợ cấp cứu bằng trực thăng về đất liền, bởi ca bệnh này không thể vận chuyển chậm bằng tàu được. Nhờ áp dụng các biện pháp kịp thời, bệnh nhân được chuyển tuyến để mổ cấp cứu và điều trị tích cực. Sau đó bệnh nhân khỏi hoàn toàn, không có di chứng và đi làm bình thường sau 1 tháng".
Nhớ lại hành trình 17 năm ra đảo công tác, BS. Phạm Văn Hải trầm tư: "Hồi ra đảo Bạch Long Vỹ công tác, tôi mới 25 tuổi. Đây cũng là nơi đầu tiên tôi chọn để làm việc ngay khi ra trường. Thời điểm đó, ngoài đảo còn khó khăn lắm, cả Trung tâm Y tế chỉ có mấy người. Ban ngày thì có khoảng 3-4 người làm, tối hoặc ngày Chủ nhật chỉ có 2 người. Những ai có gia đình trên đảo thì hết giờ hoặc ngày nghỉ họ ở nhà nhưng khi có ca cấp cứu thì bệnh viện sẽ gọi tất cả lên.
Những ngày mới ra đảo, kể ra ai cũng sốc vì điện không có, tivi, máy tính cũng không. Cả bệnh viện duy nhất có 2 cái điện thoại bàn để kết nối về với đất liền (1 cái phục vụ công việc, còn 1 cái phục vụ cán bộ, nhân viên y tế xa nhà gọi về cho gia đình đỡ nhớ). Vì thế, đơn vị chỉ khám, điều trị các bệnh thông thường và thực hiện tiểu phẫu. Còn lại, ca nào phải mổ hay cấp cứu nặng, bệnh viện đều phải chuyển về đất liền hết.
Việc chuyển bệnh nhân về đất liền cấp cứu những năm 2007-2014 cũng vất vả. Loại tàu sử dụng cho việc vận chuyển bệnh nhân thường chạy trên biển từ 6-8 tiếng, mỗi tháng 2-3 chuyến. Nếu không gặp tàu mà có ca cần cấp cứu, chuyển về đất liền thì lúc đó đành phải đi tàu cá, chạy 16-20 tiếng lênh đênh trên biển, gặp toàn sóng to. Người thường đi biển còn say mướt, huống gì người phải làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân trên tàu. Nhìn cảnh nhân viên y tế vừa cầm chai truyền dịch cho người bệnh, vừa cầm túi bóng hay xô chậu để nôn vì say tàu mà ám ảnh, rất thương. Kể từ khi thực hiện mổ cấp cứu tại đảo, số ca chuyển về đất liền gần như không còn.
Dành cả thanh xuân cho biển đảo
Cũng như BS. Phạm Văn Hải, khi vừa tốt nghiệp ngành Y, BS. Trịnh Văn Vương, 41 tuổi, quê Quảng Ninh đã chọn Bạch Long Vỹ làm nơi cống hiến và công tác. Nhớ lại năm 2005 bắt đầu ra đảo về BV Bạch Long Vỹ nhận nhiệm vụ với nhiều thử thách và gian nan, BS. Trịnh Văn Vương trải lòng: Thấm thoắt đã hơn 20 năm mình dành trọn thanh xuân cho việc chăm sóc sức khỏe và cứu người bệnh trên đảo tiền tiêu này. Với mình, những năm tháng đó mãi không bao giờ quên. Cũng nhờ nơi này, mình đã có một cuộc sống tươi đẹp, ý nghĩa và một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Gia đình bên vợ của BS. Trịnh Văn Vương có 3 thế hệ cùng sinh sống trên đảo và là một trong 7 hộ đầu tiên ra đây lập nghiệp ngay khi huyện đảo được thành lập. Chứng kiến quá trình đổi thay của đảo, ông Hoàng Văn Hùng, bố vợ BS. Trịnh Văn Vương kể: Những ngày đầu đặt chân lên đảo buồn lắm bởi hoang sơ, thiếu thốn đủ bề. Nhà chưa xây nên cả gia đình từ vợ chồng, con cái đều phải ở nhờ nhà bộ đội. Mỗi khi mưa xuống, dột mái không sao ngủ được. Chưa kể, rau xanh, nước ngọt lúc nào cũng thiếu, đến mức trở thành nỗi ám ảnh của mọi người dân trên đảo. Nhiều lần, nghĩ tới việc quay về đất liền nhưng được mọi người động viên, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm có thêm thu nhập nên cuộc sống cũng dần ổn định. Cuộc sống trên đảo giàu nhất là tình người. Chúng tôi chia sẻ nhau, lo lắng cho nhau từng bát cơm, hạt muối, chằng giúp nhau cửa nẻo mỗi khi bão gió về. Vì ân tình đó, chúng tôi cứ bám trụ lại đảo, không còn muốn quay về đất liền nữa".
Trăn trở về công tác chăm sóc sức khỏe nơi biển đảo, BS. Phạm Văn Hải – người đã dành cả thanh xuân cho y tế Bạch Long Vỹ tâm tư: "Chúng tôi mong muốn có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ y tế (quân y và dân y) để chiêu mộ nhân lực có trình độ cao ra đảo yên tâm công tác, gắn bó lâu dài. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế trưng dụng tàu chuyên dụng, vận chuyển bằng máy bay trực thăng khi có bệnh nhân cấp cứu, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị về bờ nhanh nhất, an toàn nhất...".
Chia tay các bác sĩ trên đảo Bạch Long Vỹ trong buổi chiều lộng gió. Ngay lúc này, tivi phát thông báo về đợt gió mùa Đông Bắc mạnh đang ùa về, biển sẽ động mạnh, hoạt động đi lại giữa đất liền và đảo hạn chế nhiều. Hình ảnh những chiến binh áo trắng mong manh đang chăm lo sức khỏe cho người dân nơi biển đảo xa xôi cứ vương vấn chúng tôi mãi...