Video Tư Khánh Cổ Tự, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 đang gìn giữ bảo vật gần nghìn năm tuổi:
Ngôi chùa cổ lưu giữ bảo vật gần nghìn năm tuổi.
Tư Khánh Cổ Tự hay Chùa Tư Khánh (nằm tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện chưa xác định được chính xác năm thành lập nhưng dựa theo các nghiên cứu cho thấy ngôi chùa này được xây dựng ít nhất cũng từ thời Lê Trung Hưng.
Trong chùa hiện vẫn còn 1 tấm bia soạn khắc vào đời vua Lê Thần Tông (1653 – 1662) có ghi rõ tên ông Nguyễn Phúc Ninh và bà Trần Thị Ngọc Luân được dân làng thờ hậu vì đã đóng góp tiền, ruộng và hưng công sửa chữa ngôi chùa này.
Trải qua mấy trăm năm, chùa Tư Khánh đã được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là vào đầu thế kỷ 21. Dáng dấp ngôi chùa ngày nay từ cổng tam quan đến hậu đường nhìn chung đều mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ 18 – 19. Mặt bằng xây dựng theo kiểu "nội Công, ngoại Quốc", tổng cộng có tới gần 60 gian lớn nhỏ, cổng nhìn về đất Phật ở hướng Tây - Nam.
Chùa chính có kết cấu hình chữ Đinh gồm: Tiền đường 3 gian 2 chái, hậu cung có mái chồng diêm. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chùa còn giữ được 5 pho tượng được tạo tác công phu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX và nhiều đồ thờ tự cổ.
Từ ngàn xưa, quả chuông chùa luôn mang một ý nghĩa hết sức to lớn trong Phật Giáo và là "pháp khí" không thể thiếu tại các ngôi chùa. Tiếng chuông chùa vang xa giữa thinh không, thâm trầm giữa náo nhiệt, ngân nga giữa bể dâu thức tỉnh những khách trọ trần gian còn mải theo đuổi danh lợi, gọi thế nhân đang mê đắm nơi bể khổ trở về cõi an nhiên.
Hiện nay, Tư Khánh Cổ Tự vẫn lưu giữ 1 bảo vật gần ngàm năm tuổi, chính là quả chuông được đúc từ năm 1315 và một đại hồng chung hơn 200 tuổi, đúc thời Gia Long thứ 16.
Chuông cổ được đúc hoàn toàn bằng đồng từ hơn 7 thế kỷ trước là cổ vật lâu đời nhất tại chùa, được treo ở trước nhà Mẫu. Những nghệ nhân Việt xưa đã chế tạo bảo vật này với hình dáng cân đối cùng hoa văn và họa tiết chạm trổ tinh xảo.
Thân chuông cổ được trang trí bằng nhiều họa tiết rặng mây, hoa sen, lá sen... chính là đặc trưng của văn hóa nghệ thuật phương Đông. Bốn đường trang trí hoa văn chia thân chuông thành bốn phần bằng nhau, bên trong mỗi phần được khắc bằng những Hán tự.
Chùa Vẽ (chùa Tư Khánh) hiện vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật quý. Bên cạnh quả chuông đúc năm Đại Khánh thứ 2 (1315) đời vua Trần Minh Tông, còn có một đại hồng chung treo ở gác chuông, nặng tới 750kg và ghi niên đại Gia Long 16 (năm 1817).
Những vết tích của thời gian phủ kín bảo vật trăm năm tuổi.
Ngoài tấm bia ghi niên hiệu Thịnh Đức (1653 – 1658) nêu rõ công đức của vợ chồng ông Nguyễn Phúc Ninh, trong chùa còn bày 53 pho tượng đã được tô lại và nhiều đồ thờ tự cổ. Phần trang trí chủ yếu bao gồm ba bộ cửa võng, nhang án, hoành phi, câu đối… tất cả đều có các họa tiết được chế tác công phu, tinh xảo.
Đến thế kỷ 20, Tư Khánh Cổ Tự là ngôi chùa duy nhất của Thủ đô Hà Nội được phong tặng danh hiệu cao quý "Toàn gia kháng chiến" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
"Chuông chùa cảnh tĩnh người trần thế - Đem đến an vui cho mọi nhà" - Nghe tiếng chuông chùa trong trẻo, ngân vang khiến con người ta đạt được sự bình yên trong tâm hồn và rũ sạch những phiền muộn trong suy nghĩ.
Vào ngày 16/12/1993, chùa Tư Khánh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định 2015/QĐ-BT xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia và khoanh vùng bảo vệ.
Xem thêm video được quan tâm:
Hàng ngàn người vượt mưa gió, bất chấp giá lạnh đi lễ chùa Hương.