Hà Nội

Chiếc 'phao' của người bệnh lao nghèo

20-11-2022 08:26 | Y tế

SKĐS - Theo thống kê cho biết, ước tính có khoảng 70% bệnh nhân lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), việc theo điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, BHYT sẽ đảm bảo cho người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị

Tự nguyện mua thẻ BHYT hộ gia đình để yên tâm chữa bệnh lâu dài

Ông Lê Mo Toai, người dân tộc Chăm, 72 tuổi, sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn (buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã điều trị lao được 5 tháng. Do được điều trị lao theo đúng phác đồ nên ông cho biết, dạo này sức khỏe của ông đã khá hơn rất nhiều, đỡ ho và ăn uống được.

 "Xã Đất Bằng là xã vùng cao khó khăn của tỉnh Gia Lai, bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng sắn, kinh tế rất eo hẹp nên để điều trị bệnh kéo dài như bệnh lao nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn, không có tiền để chữa trị. Vì các hộ dân được cấp thẻ BHYT nên việc điều trị đã đỡ được gánh nặng kinh tế rất nhiều cho bà con", y sĩ Rơ Châm Lộc nhấn mạnh.

Chiếc "phao" của người bệnh lao nghèo - Ảnh 1.

Y sĩ Rơ Châm Lộc giải thích cho ông La O Dắc về quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Chẳng thế mà khi chúng tôi hỏi ông Lê Mô Toa về việc đi bệnh viện có tốn tiền không, ông nở nụ cười: "Không tốn đồng tiền nào hết". 

Còn ông La O Dắc lại lấy từ túi áo cái ví cũ, trong đó có thẻ BHYT để lẫn với căn cước công dân, thẻ cựu chiến binh mà ông luôn giữ bên mình. Giơ thẻ BHYT lên, ông La O Dắc bảo, cuộc sống của ông đang phụ thuộc vào tấm thẻ này. 

Mặc dù có biểu hiện ho đã lâu, thậm chí ho ra máu nhưng anh Kpă Chức (dân tộc Gia Rai) ở thôn Tân Túc, xã IaMlah (huyện Krông Pa), là địa bàn vừa được đưa ra khỏi vùng khó khăn, do đó anh không được nhà nước cấp miễn phí thẻ BHYT, anh không dám đi khám bệnh vì sợ tốn tiền.

 Khi được vận động tham gia khám bệnh miễn phí theo chương trình sàng lọc, tầm soát bệnh lao ngoài cộng đồng của SCDI, anh Kpă Chức đi ngay. Và thật không ngờ, anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh lao.

Khi biết tin mắc bệnh, anh Kpă Chức rất lo lắng vì kinh tế còn eo hẹp. Nhưng khi được cán bộ y tế giải thích mua thẻ BHYT thì anh không phải thanh toán chi phí nào, do đó anh tự nguyện mua thẻ BHYT hộ gia đình để yên tâm chữa bệnh lâu dài. "Tôi uống thuốc nay đỡ rồi, đi còn mệt, nếu ngồi im như vậy thì không sao, có thể làm được việc nhẹ vì chưa khỏe hẳn, tôi vẫn còn ho nhưng không ho ra máu nữa…", anh Kpă Chức chia sẻ.

Cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT thể hiện sự nhân văn của chính sách an sinh xã hội

Trong quá trình trao đổi, ông Rơ Châm Lộc, cán bộ chuyên trách lao xã Đất Bằng, thường xuyên nhắc đến câu: "Cho tiền thì ăn cũng hết, ý nghĩa nhất là bà con có được thẻ BHYT để điều trị bệnh mỗi khi đau ốm. Những trường hợp bị lao là điển hình cho thấy giá trị của thẻ BHYT với người nghèo. Uống thuốc điều trị lao rất mệt nên tôi cũng thường kê thêm thuốc bổ cho người bệnh!".

Chia sẻ về gánh nặng chi phí trong điều trị lao, BS Kpả Híp - Trưởng trạm y tế xã Ia Mlah - cho biết, phần lớn người dân xã Ia Mla sống dựa vào nông nghiệp, trong đó diện tích chủ yếu trồng sắn lấy tinh bột. Đất đai không phì nhiêu nên thu nhập từ sắn rất thấp, để có thêm thu nhập, người dân trong xã phải về các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương làm thuê.

"Trong khi đó, việc điều trị lao rất tốn kém cả về thời gian và kinh tế, rất nhiều người đã mắc lại vì không có điều kiện chữa theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên, với việc BHYT thanh toán thuốc điều trị lao cho bệnh nhân đã giúp người bệnh duy trì phác đồ điều trị mà không phải chi trả bất kỳ phí dịch vụ nào" - BS Kpả Híp cho biết.

Chiếc "phao" của người bệnh lao nghèo - Ảnh 2.

Nhờ tham gia BHYT anh Kpă Chức đã yên tâm mỗi khi ốm bệnh.

Theo BHXH Việt Nam, việc Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân lao sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho cả 2 phía. Lợi ích đầu tiên có thể kể đến là cơ chế kiểm soát khi mua sắm, thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ BHYT sẽ chặt chẽ hơn. Nếu như các thuốc từ nguồn viện trợ trước đây do các cơ sở khám, chữa bệnh tự sử dụng, quyết toán và báo cáo, không có cơ quan quản lý, giờ đây sẽ có một cơ quan để giám sát. Nguồn kinh phí để thanh toán cũng kịp thời và ổn định hơn. Bên cạnh đó, cơ sở khám bệnh sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng các thuốc từ nguồn Quỹ BHYT.

"Việc cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT thể hiện sự nhân văn của chính sách an sinh xã hội, điều này sẽ nâng cao giá trị của tấm thẻ BHYT. Từ nay trở đi, người bệnh có thể sử dụng thẻ BHYT để vừa đi khám bệnh khác, vừa sử dụng thuốc điều trị lao, các quyền lợi vẫn được bảo đảm như trước đây" - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Phát động chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khănPhát động chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn

SKĐS - Chương trình "Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn" hướng tới những đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm đối tượng không được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT; người chưa có thẻ BHYT thuộc diện mới thoát nghèo; người thuộc hộ cận nghèo, người có mức sống trung bình chưa tham gia BHXH, BHYT...

Hoàng Nguyên
Ý kiến của bạn