Hà Nội

Chiếc Gat 69, tấm phù điêu trên mảnh máy bay và những câu chuyện cảm động về Bác Hồ

19-05-2023 08:00 | Xã hội

SKĐS - Những hiện vật được trưng bày tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã trở thành cầu nối, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Lâm Đình Hùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, Khu Di tích gắn với gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài các kỷ vật đang được lưu giữ một cách nguyên vẹn tại quê nội và quê ngoại của Bác thì hai nhà trưng bày hiện vật bổ sung tại Khu Di tích với nhiều hiện vật, tài liệu quý cũng đang góp phần làm phong phú thêm về cuộc đời và sự nghiệp vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Những hiện vật gắn với nhiều câu chuyện cảm động về Bác - Ảnh 1.

Các em nhỏ ở tỉnh Hà Giang lắng nghe những câu chuyện cảm động về Bác Hồ.

Tại Khu Di tích, hai nhà trưng bày bổ sung hiện có hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu được sắp xếp theo 2 chủ đề chính: "Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, quê hương đối với Người".

Đây là những hiện vật, tư liệu quý được sưu tầm qua các thời kỳ và được các đoàn khách trong, ngoài nước, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, trao tặng đã góp phần làm phong phú thêm các tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người sống tại quê hương và hai lần Người về thăm quê.

Những hiện vật gắn với nhiều câu chuyện cảm động về Bác - Ảnh 2.

Chiếc xe ô tô Gát 69 - chở Bác Hồ về thăm quê hương năm 1961.

Ông Hùng giới thiệu, đó là chiếc xe ô tô Gat 69 - chở Bác Hồ về thăm quê hương năm 1961. Chiếc xe mang biển số BAA - 400 do Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An quản lý.

Trong lần về thăm quê hương ngày 8/12/1961, khi chiếc máy bay mang số hiệu 58482 chở Bác Hồ hạ cánh xuống sân bay Nghi Lộc, Bác bước xuống bắt tay, ôm hôn mọi người. Một điều làm cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An bất ngờ là Bác không lên xe do Tỉnh ủy Nghệ An chuẩn bị mà lại bước lên chiếc xe Gat 69 mang biển số BAA - 400 do ông Nguyễn Đình Ngọc lái (ông Ngọc được giao nhiệm vụ lái xe phục vụ và bảo vệ vòng ngoài).

Biết các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lực lượng bảo vệ lo lắng cho sự an toàn của mình, Bác nhẹ nhàng nói: "Không ai bảo vệ Bác tốt nhất bằng Nhân dân". Sau đó, Bác bảo ông Ngọc "Chú bỏ luôn tấm vải bạt bọc xe cho nó thoáng được không?". Ông Ngọc thầm hiểu ý Bác là muốn nhìn rõ đồng bào hơn.

Xe chạy thẳng về trung tâm thị xã Vinh, trên xe Bác vẫy tay chào nhân dân đứng hai bên đường đón Bác, mọi người vẫy cờ tung hoa hô khẩu hiểu "Hồ Chủ tịch Muôn năm".

Chiếc xe này sau đó chuyển sang cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, rồi sang Sở Tài chính và đến năm 1979 thì chuyển cho Trường Trung học Tài chính quản lý và sử dụng. Năm 1997, nhân kỷ niệm 40 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, Ban Giám hiệu Trường Trung học Tài chính đã quyết định bàn giao chiếc xe này cho Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên để bảo quản và phát huy giá trị quý báu của nó, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Bác Hồ vĩ đại của du khách trong và ngoài nước.

Những hiện vật gắn với nhiều câu chuyện cảm động về Bác - Ảnh 3.

Bức phù điêu chân dung Bác Hồ

Ngoài chiếc xe ô tô Gat 69, bức phù điêu chân dung Bác Hồ được dập nổi trên mảnh máy bay cũng rất đặc biệt. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để tỏ lòng thương tiếc Người, tháng 9/1969,  ông Nguyễn Công Phi cùng anh chị em công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh đã lấy mảnh máy bay bị quân và dân thành phố Vinh bắn rơi để dập nổi hình chân dung Bác.

Trong một đêm thì công việc hoàn thành để kịp tổ chức làm lễ tang từ ngày 4 đến ngày 10/9/1969 tại hội trường nhà máy. Sau khi lễ tang được tổ chức xong, Ban Giám đốc Nhà máy đã chuyển bức chân dung này ra tặng Tổng Công đoàn Việt Nam cùng với một số hiện vật khác. 

Sau đó tháng 12/1969, Tổng Công đoàn Việt Nam đã chuyển giao bức chân dung cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cất giữ, bảo quản. Năm 1983, Bảo tàng Cánh mạng Việt Nam bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Nghệ Tĩnh.

Ngày 10/9 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã chuyển giao cho Khu di tích Kim Liên trưng bày và phát huy giá trị. Trên tấm đuy-ra máy bay dài 0,99m rộng 0,78m, chân dung Bác được dập nổi trong vòng tròn rộng 0,68m. Phía dưới chân dung có khẩu hiệu: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", bên trái có dòng chữ nhỏ "Nhà máy cơ khí Vinh Nghệ An lưu niệm", bên phải có dòng chữ "Nguyễn Công Phi công nhân thợ rèn".

Những hiện vật gắn với nhiều câu chuyện cảm động về Bác - Ảnh 4.

Áo lụa Bác Hồ tặng lão du kích Mạc Văn Tuân ở xã Chiêu Lưu, huyện Tương Dương.

Những hiện vật gắn với nhiều câu chuyện cảm động về Bác - Ảnh 5.

Bộ quần áo kaki Bác Hồ tặng anh hùng bổ túc văn hóa Nguyễn Trung Thiếp.

Ngoài ra tại hai nhà trưng bày còn có những hiện vật quý khác như: Áo lụa Bác Hồ tặng lão du kích Vi Văn Đùng ở xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu; Áo lụa Bác Hồ tặng lão du kích Mạc Văn Tuân ở xã Chiêu Lưu, huyện Tương Dương; Bộ quần áo kaki Bác Hồ tặng anh hùng bổ túc văn hóa Nguyễn Trung Thiếp; Bộ quần áo Bác Hồ tặng cụ Hà Văn Quận  - một người theo đạo Thiên chúa ở Nghệ An; Bộ Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động do Nhà nước tặng quân và dân Nghệ An đã lập thành tích trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…

Ông Hùng nói: "Những hiện vật được trưng bày tại đây đã trở thành cầu nối, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử đặc biệt liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất. Nơi đây, lưu giữ những kỷ vật về Người cũng là lưu giữ một miền nhớ, miền thương để khi về với Kim Liên, mỗi người con đất Việt thấy gắn bó, yêu thương hơn với mảnh đất này và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp mà Người để lại cho chúng ta hôm nay".

Nhà trưng bày bổ sung tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc Kim Liên được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1970. Sau đó được chỉnh lý nhiều lần. Đến năm 2019, hai nhà trưng bày được Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ tu sửa và chỉnh lý lại đảm bảo điều kiện để bảo vệ các tài liệu, hiện vật trưng bày cũng như đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với khách tham quan.

Những tài liệu, hiện vật đang trưng bày ở đây chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác và trân trọng hơn những giá trị nhân văn cao đẹp mà Người truyền lại.

Hàng vạn du khách về Khu di tích Kim Liên trước sinh nhật BácHàng vạn du khách về Khu di tích Kim Liên trước sinh nhật Bác

SKĐS - Để đón tiếp khách tham quan và đảm bảo an toàn tuyệt đối về di tích, hiện vật, Khu di tích Kim Liên đã chủ động lên kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể và phối hợp với các lực lượng từ đầu năm.

V. Đồng
Ý kiến của bạn