Hai Phiếm sang nhà Nghĩ tôi, vẻ mặt đầy phấn khởi:
- Mới bắt đầu vào hè đa có tin vui...
- Tin gì vậy?
- Năm nay được mùa đường tới mức có tới 50.000 tấn đường ứ đọng trong kho, nên giá đường đa hạ từ 22.000 đồng xuống 18.000 đồng/kg. Thôi thì cứ mua đường về pha nước, khỏi phải mua nước ngọt đóng chai cho tốn kém. Ơ hay, sao nghe tôi nói bác lại xịu mặt thế kia? - Hai Phiếm ngơ ngác.
- Thấy bác cười tôi cũng vui nhưng bác cười về việc này là có nhiều người khóc đấy!
- Hả? Mình là người tiêu dùng, hàng hóa thứ nào hạ giá là mừng...
- Nhưng đối với bà con trồng mía và các nhà máy đường thì lại là tin buồn... Thấy cảnh mía đến vụ thu hoạch chặt phơi đống trên các ruộng mía và cảnh xe chở mía khô héo xếp hàng nằm chờ trước cổng nhà máy đường mà lòng mình cũng héo luôn!
- Không lẽ như ông Nam Cao nói “Hạnh phúc là cái chăn quá hẹp, người này kín thì người kia bị hở”. Nhưng sao không đo “chăn” nhỉ?!
- Nông dân không đo được nhưng cơ quan nhập khẩu lại đo bằng cách cho nhập 50.000 tấn đường vào!
- Giời ạ, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, sao lại cho nhập khẩu bừa như thế?
- Nhưng ngoài nông dân trồng mía và nhà máy đường ra còn có... những đơn vị nhập khẩu đường. Hạn chế nhập thì họ hết việc. Hết việc thì đói!
- Sao không giải tán bớt những đơn vị nhập khẩu này đi cho cái “chăn hạnh phúc” không thừa không thiếu?
- Vấn đề là ai “đo chăn” khi mà kế hoạch - sản xuất - lưu thông - tiêu dùng trong xã hội cứ mỗi chỗ một phách, ai chỉ biết người nấy để rồi thiếu cũng khổ mà thừa cũng khổ!