Đau ngực là một triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tại khoa tim mạch của các bệnh viện thì lí do vào viện chiếm tới 90% là đau ngực. Tuy nhiên, có phải tất cả đau ngực đều do bệnh tim hay không thì chúng ta cần xem xét kĩ lưỡng. Đặc biệt là những người trẻ tuổi. Bởi thế, bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng đau ngực.
Bệnh tim là một nguyên nhân gây đau ngực phổ biến. |
Nguyên nhân gây đau ngực
Các loại đau ngực có nguồn gốc từ thành ngực: bệnh lí da, tuyến vú, thần kinh liên sườn, cơ, xương ức, sườn, khớp, sụn sườn, cột sống ngực...
Các loại đau ngực có nguồn gốc từ cơ quan hô hấp: bệnh lí màng phổi, khoang màng phổi, phế quản, phổi.
Các nguyên nhân gây đau ngực có nguồn gốc tiêu hóa: bệnh lí thực quản, dạ dày - hành tá tràng.
Đau ngực có liên quan đến yếu tố thần kinh, nội tiết.
Các nguyên nhân gây đau ngực có nguồn gốc tim mạch: bệnh tăng áp lực động mạch phổi, phình tách động mạch chủ, màng tim.
Trong các nguyên nhân trên thì đau thắt ngực do mạch vành bao gồm suy mạch vành mạn hoặc cấp do vữa xơ động mạch vành (ĐMV) thường hiếm gặp ở người trẻ tuổi, trong khi đau ngực do cầu cơ ĐMV có thể hay gặp hơn.
Cầu cơ ĐMV là gì?
Cầu cơ là một bất thường bẩm sinh. Hệ thống ĐMV gồm có ĐMV phải và ĐMV trái, ĐMV trái chia ra động mạch mũ và động mạch liên thất trước chạy trên bề mặt của quả tim. Từ các nhánh động mạch này sẽ cho các nhánh nhỏ chạy vào tưới máu cho cơ tim. Nếu có một hoặc vài nhánh ĐMV chạy bắt chéo bó cơ tim sẽ sinh ra hiện tượng khi cơ tim co thì đoạn động mạch này sẽ bị "chẹt" giữa các bó cơ và gây hẹp lòng ĐMV ít hoặc nhiều.
Nếu cầu cơ gây hẹp ĐMV nhiều trong thời kỳ tâm thu thì có thể gây ra các triệu chứng đau thắt ngực tương tự như ĐMV bị hẹp do mảng vữa xơ động mạch, thậm chí có trường hợp gây nhồi máu cơ tim. Đối với những trường hợp này thì chụp ĐMV là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán.
Điều trị bệnh cầu cơ cũng là một vấn đề nan giải
Bình thường nếu bệnh nhân đau ngực ít, không ảnh hưởng đến thể trạng nhiều thì chỉ cần điều trị nội khoa là đủ. Nhưng để giải quyết tận gốc nguyên nhân thì phải can thiệp bằng phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. Bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch máu khác trên cơ thể bạn và tạo một đường vòng qua vị trí có cầu cơ giúp cho việc lưu thông máu nuôi cơ tim sẽ không bị ảnh hưởng bởi cầu cơ đó.
Dấu hiệu nhận biết đau ngực do cầu cơ
Bệnh mạch vành luôn luôn nguy hiểm và đe dọa tính mạng người bệnh. Bởi vậy chúng ta cần hết sức chú ý để tránh sai sót đáng tiếc. Đặc biệt là ở những người trẻ khi có dấu hiệu đau ngực với các tính chất sau thì cần phải cẩn trọng bệnh cầu cơ mạch vành: Đau ngực ở vùng sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng; hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong cánh tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4-5. Cơn đau như thắt lại, nghẹt, rát, bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá. Một số bệnh nhân có khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh làm quả tim đập mạnh hơn, nhu cầu ôxy nhiều hơn, cơ tim co bóp mạnh hơn làm cho cầu cơ thắt nghẹt ĐMV gây nên thiếu máu cơ tim. Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, bất động hoàn toàn, nới lỏng quần áo để bệnh nhân dễ thở. Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nếu không gọi được thì cần cho bệnh nhân ngậm dưới lưỡi viên nitriglycerin rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bệnh cầu cơ mạch vành là bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên cũng như các bệnh mạch vành khác, khi phát hiện ra bệnh thì cần phải bỏ hoàn toàn thuốc lá, kiêng rượu bia và các chất kích thích. Đặc biệt là chế độ ăn cần hạn chế mỡ để tránh bị xơ vữa động mạch làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Như vậy, đau ngực ở người trẻ tuổi có nhiều nhóm nguyên nhân, có nguyên nhân người bệnh tự phát hiện được, có nguyên nhân chỉ phát hiện được ở các trung tâm y tế có trang thiết bị hiện đại. Để chẩn đoán sớm phòng biến chứng thì việc khám sức khoẻ định kỳ là cần thiết.
ThS.BS. Lưu Hùng An(Trưởng khoa Tim mạch - Bệnh viện 19/8)