Hành trình trở thành bác sĩ không đơn giản, có cả sự mất mát, tủi buồn nhưng cũng là niềm tự hào, vinh dự. Những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt, sứ mệnh mà có cả sự đánh đổi và hy sinh với một mục tiêu lớn nhất là chữa bệnh, giành lại sự sống cho mọi người.


Chiếc áo blouse trắng và hành trình tìm hạnh phúc trong hy sinh thầm lặng- Ảnh 1.

"Quân: Sau này lớn con sẽ làm bác sĩ mẹ nhé?

Mẹ: Sao lại làm bác sĩ? Không phải ước mơ của con là làm doanh nhân hay sao?

Quân: Nhưng thấy mẹ hay đau ốm thế này, con lại muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ…".

Đã 15 năm trôi qua, câu chuyện tâm sự ngắn ngủi giữa hai mẹ con vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi. Cuộc hội thoại ngắn ngủi, tưởng chừng là bâng quơ nhưng nó đã thay đổi suy nghĩ, cuộc đời của một đứa trẻ ngây thơ.

Mới ngày nào cậu bé Dương Hồng Quân nhỏ thó, ươm cho mình những khát vọng và hoài bão trở thành một doanh nhân nổi tiếng nhưng "định mệnh" lại đưa cậu rẽ sang một con đường hoàn toàn khác với mơ ước đã từng ấp ủ. 

Đến trong mơ cậu cũng chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó mình sẽ thành thầy thuốc, người sẽ mặc áo blouse trắng, đặt chân tới nhiều miền của tổ quốc với hy vọng góp một chút sức nhỏ để chữa bệnh cứu người.

Hành trình trở thành bác sĩ không đơn giản, có cả sự mất mát, tủi buồn nhưng cũng là niềm tự hào, vinh dự. Với tôi, việc lựa chọn con đường chữa bệnh cứu người có lẽ vẫn là quyết định đúng đắn nhất mà tôi đã làm.

Ngược lại quá khứ, câu chuyện trở thành bác sĩ của tôi bắt nguồn từ chính căn bệnh của mẹ mình. Ngày tôi còn học cấp 2 tại một ngôi trường làng nghèo của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thì hay tin mẹ mắc u đại tràng. 

Cả gia đình lao vào tìm cách chữa trị cho bà, trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài tôi cảm nhận được cả thể xác lẫn tinh thần của bà đều đau đớn dù mẹ chưa bao giờ kêu than một lời. Chứng kiến cái tâm, cái tài của vị bác sĩ phẫu thuật đã cứu sống người mẹ yêu dấu khỏi căn bệnh ung thư quái ác, từ đây, một sự thay đổi mãnh liệt đã thành hình trong tôi. 

Mong ước được trở thành bác sĩ cứu người cứ thế được nuôi dưỡng dần theo năm tháng, theo tình thương của người mẹ, sự ấm áp của người cha. Suy nghĩ mình sẽ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ, cho chính những người thân yêu hay bất kỳ ai không may mắc bệnh hiểm nghèo đã in sâu trong tâm trí của cậu bé ấy. Để rồi nó trở thành động lực và sứ mệnh xuyên suốt của chàng học sinh nghèo trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, bước vào giảng đường Đại học Y Hà Nội đầy truyền thống vẻ vang và màu sắc.

Tôi luôn hiểu sâu sắc rằng, tình yêu gia đình, tổ quốc luôn là sự thiêng liêng, cao quý nhất, là thứ tình yêu nuôi dưỡng những ý tưởng cao đẹp và đúng đắn nhất. Tôi không sinh ra để định sẵn trở thành một bác sĩ, nhưng từ khi trở thành một bác sĩ - tôi đã dấn thân vào con đường tận hiến và đặt bản thân mình vào những sự hy sinh, những đóng góp thầm lặng. 

Đôi khi sự hy sinh đó đã giúp bệnh nhân của tôi chiến thắng tử thần hay đơn giản chỉ là bản thân mình cảm nhận được sự bình an, yên vui.

Hôm nay, mang trong mình màu áo blouse trắng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – một trong những bệnh viện ngoại khoa hàng đầu cả nước không chỉ giúp cho chàng trai năm ấy hiện thực hóa được ước mơ của mình mà còn không ngừng vươn lên, lan tỏa những giá trị tích cực, được hun đúc từ thuở còn chăn trâu, cắt cỏ.


Chiếc áo blouse trắng và hành trình tìm hạnh phúc trong hy sinh thầm lặng- Ảnh 2.

Sinh viên luôn là quãng thời gian rực rỡ nhất của thanh xuân mỗi người. Ở đó, mỗi sáng thức dậy tôi được rảo bước trên con đường đầy hoa sữa dẫn vào giảng đường đại học, nơi tích lũy cho tôi rất nhiều kiến thức và những câu chuyện lịch sử về ngành y, về những câu chuyện truyền cảm hứng của các thế hệ thầy cô, bác sĩ nổi tiếng của Việt Nam.

Một trong những "chứng nhân" lịch sử không thể bỏ qua mà sinh viên nào của trường y cũng biết, đó chính là cây lộc vừng già. Nơi này đã lưu biết bao khoảnh khắc, kỉ niệm đẹp nhất của các cô, cậu sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường, những lời thề Hippocrates được đọc vang trước khi chính thức trở thành bác sĩ…

Có ai đó đã từng nói vui rằng: "Sinh viên y quả là siêu nhân". Ngẫm lại câu nói đó có sự hài hước nhưng cũng đúng với tính chất ngành học của chúng tôi. Một ngày của sinh viên y bắt đầu từ sáng sớm đi học thực tập lâm sàng tại viện, trưa tranh thủ và vội miếng cơm để vào học lý thuyết buổi chiều. Tan học chỉ vừa kịp "chạy qua hàng nước" lại nhanh chân chuẩn bị cho buổi trực tại bệnh viện lúc tối. 

Nếu may mắn có quãng nghỉ khi vắng bệnh nhân thì sẽ lại lôi giáo trình ra để học, còn không sẽ tất bật đến sáng hôm sau để rồi tiếp tục một vòng lặp đều đặn hằng ngày như vậy. Mỗi tối nếu không đi trực thì chúng tôi sẽ cùng nhau lên giảng đường hay thư viện, vùi đầu vào những trang sách, những đề tài nghiên cứu khoa học… thời gian quả thực chưa bao giờ là đủ với chúng tôi.

Ấy thế, nhưng sinh viên y lại không phải những "con mọt sách", thụ động và khép kín như mọi người nghĩ. Chúng tôi vẫn truyền tai nhau khẩu hiệu: "Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm". Các hoạt động ngoại khóa, các chuyến tình nguyện, các hoạt động đóng góp cộng đồng đã trở thành một phần không thể thiếu cho các cô, cậu sinh viên y như chúng tôi.

Quãng đời sinh viên là vậy nhưng thực chất khi đã tốt nghiệp, đi làm thì công việc, áp lực còn nhiều hơn gấp bội lần. Đã có lúc tôi ước "giá như một ngày có nhiều hơn 24h!", suy nghĩ tưởng chừng viển vông nhưng lại rất thiết thực với những y, bác sĩ trẻ mới ra trường như tôi. 

Với một lịch trình làm việc dày đặc, có những đêm trực thức trắng, có những ngày bận xử lý công việc tới quên cả uống nước và hiếm khi dùng bữa đúng giờ. Trong khi bác sĩ luôn nhắc nhở bệnh nhân phải sinh hoạt điều độ để đảm bảo sức khỏe thì chính bản thân chúng tôi lại tự cho mình cái quyền "quên" việc đó.

Bắt đầu ra khỏi nhà khi mặt trời còn chưa lên và trở về khi màn đêm buông xuống. Có những chuỗi ngày đối mặt với nhiều ca bệnh cấp cứu nặng, các ca mổ dài, đi học nâng cao chuyên môn,... tôi trở về nhà với cơ thể mệt rã rời, đi không nổi và chỉ mong có một giấc ngủ trọn vẹn. Có lẽ giấc ngủ với chúng tôi còn quý hơn "vàng", chỉ một chút thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi cũng giúp các y, bác sĩ có thêm năng lượng để bắt đầu một ngày mới, một guồng quay mới.


Chiếc áo blouse trắng và hành trình tìm hạnh phúc trong hy sinh thầm lặng- Ảnh 3.

Bệnh viện Việt Đức là một trong những bệnh viện tuyến đầu của cả nước về điều trị ngoại khoa, vì vậy, hằng ngày chúng tôi tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nặng từ mọi miền đất nước đổ về. Bên cạnh đó các bác sĩ cũng thường xuyên hỗ trợ cấp cứu, tham vấn chuyên môn cho các bệnh viện khác. 

Dù khối lượng công việc đồ sộ nhưng là một bác sĩ của Việt Đức, với tôi đó là may mắn, niềm tự hào và động lực to lớn để làm việc, cống hiến hết mình. "Luôn làm việc với trái tim nóng và cái đầu lạnh", đây không chỉ là lời dạy mà đó cũng là tư tưởng hành động xuyên suốt trong quá trình làm nghề của tôi.

Có lẽ, thâm niên làm nghề của tôi chưa dài nhưng gần 10 năm cũng không phải quãng thời gian ngắn. Trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi và đồng nghiệp đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện, mảnh đời, số phận khác nhau. Có khi là vui, xúc động nhưng cũng có lúc là bất lực…

Một trái tim từng thổn thức, đứng sững người với đôi mắt long lanh vội giấu đi cảm xúc thật đau đớn và xót xa của chàng bác sĩ mới ra trường năm ấy khi chứng kiến người mẹ già mất đi đứa con duy nhất của mình. Hình ảnh bà mẹ già quỳ khóc và hét to, kêu gào tên đứa con vừa rời bỏ mình sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để lại ấn tượng không thể quên với cho tôi.

Là bác sĩ, niềm bất hạnh nhất chính là khi không thể giữ được mạng sống cho bệnh nhân của mình. Đã có những nỗi đau được đồng hành, có những cảm thông với lời động viên, giải thích ân cần giúp chàng trai đó từng bước vượt qua được những ám ảnh tâm lý. 

Những trải nghiệm đầu tiên đã hun đúc cho tôi một bản lĩnh kiên cường, một sự ân cần vừa đủ và hơn hết, một sự tận tâm, sẵn sàng bất chấp để có thể giữ lại hy vọng cho người bệnh.

Chiếc áo blouse trắng và hành trình tìm hạnh phúc trong hy sinh thầm lặng- Ảnh 4.

Một trong những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề của tôi đó là hành trình cứu lại bàn tay cho một cháu bé vùng cao cách đây 4 năm trước. Ẩn sau trùng trùng điệp điệp những núi đá và cảnh sắc mây trời đẹp tựa tiên cảnh của cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, nơi địa đầu tổ quốc là những bản làng lọt thỏm trong các thung lũng mây mù. Nơi mà trẻ nhỏ đã phải tự lập từ rất sớm. Ở cái tuổi đáng lẽ được ăn, chơi và đi học như các bạn cùng trang lứa thì trẻ em ở nơi đây đã bắt đầu phải làm việc để giúp đỡ gia đình, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Không may, trong một lần cắt rau, cậu bé 6 tuổi Sùng Seo Lý đã cắt rời hoàn toàn 4 ngón của bàn tay phải. Một tai nạn có nguy cơ tàn phế rất cao nếu không thể nối lại được các ngón tay cho cháu bé.

Đó là một buổi trực của đêm mưa đông cuối tháng 11/2019. Những đợt mưa phùn bồi thêm khiến cho mùa đông của Hà Nội tê tái hơn bao giờ hết. Hình ảnh nghèo khó của vùng cao hiện ra sau lớp quần áo lấm lem, xộc xệch của cậu bé. Ánh mắt ngây dại, có lẽ em vẫn chưa hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Không chỉ vậy, gia cảnh khó khăn cháu bé cũng làm chúng tôi thêm phần xót xa và thương cảm.

Có thể nói đây là một trong những ca bệnh đầy thách thức về mặt chuyên môn đối với tôi cũng như ê-kíp trực. Chúng tôi hiểu rằng, một tương lai phía trước sẽ đầy trắc trở nếu cậu bé vĩnh viễn mất đi 4 ngón của bàn tay thuận. Nhưng muốn nối lại thì ca phẫu thuật sẽ rất phức tạp và khó khăn. 

Việc bắt buộc phải sử dụng kính vi phẫu để nối lại các mạch máu rất nhỏ với kích cỡ chỉ 0,5mm và sẽ thực hiện nối lại cả 4 ngón tay rất nhỏ này thực sự là thử thách lớn. Sẽ là cuộc chạy đua với thời gian, phép thử cho sự quyết tâm cũng như sức khỏe của ê-kíp phẫu thuật viên chúng tôi. Với mạch máu siêu nhỏ như vậy chúng tôi sẽ phải căng mắt liên tục, tập trung toàn bộ tâm trí để quan sát trường mổ, thao tác chuẩn xác tới 0,1 mm. 

Chỉ một sự xao nhãng rất nhỏ cũng dễ khiến chúng tôi gặp sai lầm trong phẫu thuật khi mà hình ảnh thực tế đã được phóng đại dưới kính hiển vi tới hơn 10 lần. Nếu có ai thắc mắc về cảm xúc và suy nghĩ của các bác sĩ ra sao khi thực hiện ca phẫu thuật căng não thế này hãy hỏi các vận động viên điền kinh khi chạy marathon liên tục với tốc độ nước rút.

Một thoáng mất tập trung hay một phút nghỉ có nghĩa là cơ hội cứu lại các ngón tay cho cháu bé càng giảm đi. Sự tập trung cao độ đến mức chúng tôi cũng quên cả thời gian lẫn không gian và quên luôn cả những nhu cầu của bản thân. 

Người ta hay trêu chúng tôi "bác sĩ tạo hình ngồi giỏi thế!'', thực ra chúng tôi cũng là người bình thường và sức khỏe có hạn, không thể không biết mệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường đặt ra mục tiêu và vượt qua giới hạn của chính mình vì hơn ai hết tôi hiểu rằng, bàn tay cháu bé là hy vọng của cả gia đình. Bàn tay hôm nay là tương lai của cả gia đình mai sau, tất cả đang trông chờ sự nỗ lực của chúng tôi.

Chúng tôi vẫn thường tự động viên nhau, những lúc sức khỏe lẫn tâm trí mệt nhoài bản thân không được gục ngã vì mình đang nắm giữ sự sống, cơ hội của rất nhiều bệnh nhân. Sau cuộc mổ xuyên đêm đông, với 15 giờ phẫu thuật liên tục, chúng tôi đã chiến thắng số phận nghiệt ngã của cậu bé H'Mông rắn giỏi này.

Sau cuộc mổ căng thẳng và kéo dài, chúng tôi mệt mỏi và thiếu ngủ trầm trọng, cũng như cơn đói cùng khát nước thi nhau kéo đến. Nhưng nhìn những ngón tay nhỏ nhắn ấm áp của cháu bé được trả về đúng nơi của nó mà tinh thần của chúng tôi được vực dậy, ánh mắt nhìn nhau ánh lên tia nắng ấm giữa cái lạnh cắt da, thịt của miền Bắc. Cặp mắt long lanh như vỡ òa trong sự sung sướng và thành quả sau những cố gắng vượt mọi giới hạn của bản thân. Và thế là điều kỳ diệu đã đến với mái nhà nhỏ trên vùng cao còn đầy khó khăn đó, tiếng cười lại vang lên trên đôi môi, niềm vui, hạnh phúc lại được đong đầy.

Một năm sau cuộc phẫu thuật, bàn tay của cậu bé đã phục hồi trở lại, em có thể học tập, phụ giúp công việc cùng bố mẹ. Nở một nụ cười trên môi, cậu bé nhút nhát, rụt rè dùng chính bàn tay đó tặng chúng tôi chiếc bánh tam giác mạch, đặc sản quê nhà của em. Những câu nói vụng về, không diễn tả được hết bằng lời, nhưng ánh mắt của cậu bé đã nói cho chúng tôi biết tình cảm, sự trân trọng và hạnh phúc của gia đình vì điều diệu kỳ này. Tôi có hẹn với Hà Giang - nơi gia đình cháu bé mong ngóng tôi tới thăm họ như lời cảm ơn mộc mạc và giản dị đúng với chất của người miền núi.


Chiếc áo blouse trắng và hành trình tìm hạnh phúc trong hy sinh thầm lặng- Ảnh 5.

Có lẽ, nhắc về COVID-19 thì không chỉ tôi mà rất nhiều người dân Việt Nam, trên thế giới đều không thể quên. Khoảng thời gian vô cùng đáng sợ và mất mát. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2021. 

Chúng tôi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trên một chuyến bay với rất nhiều hy vọng là trách nhiệm khó khăn và cao cả: "Chống dịch COVID-19". Giữa tâm bão bùng nổ dịch bệnh COVID-19, đồng bào miền Nam đang phải đối mặt với những mất mát và khó khăn cực lớn, Corona virus đã càn quét và mang lại nỗi đau cho rất nhiều gia đình thời điểm đó.

Từng góc phố, từng con đường đều có những đứa con mất mẹ, mất cha, gia đình ly tán nhau, không còn trọn vẹn… Ở nơi đó là một gánh nặng y tế chưa từng có, sự quá tải và thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế trong việc chăm sóc, phân loại và điều trị người bệnh COVID-19, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia có trình độ cao trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng.

Bỏ lại gia đình, đồng nghiệp và một Hà Nội yêu dấu, chúng tôi bất chấp thử thách và khó khăn cùng nguy cơ phơi nhiễm mắc bệnh khi trực tiếp tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng. Chúng tôi lên đường vào Bệnh viện dã chiến số 13 (Huyện Bình Chánh, TP. HCM) với tinh thần như thế hệ cha anh khi xưa: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dạy tương lai''. Khác với thời chiến, chúng tôi là những chiến sĩ thời bình, loại "giặc" chúng tôi phải đối mặt là vô hình nên sự khó khăn lại càng thêm khó hơn.

300 chiến sỹ áo trắng của Bệnh viện Việt Đức chúng tôi đã lao vào giữa tâm dịch cùng hàng ngàn các đồng nghiệp ở các bệnh viện khác trên cả nước, giành giật từng phút sống quý giá, từng mạng sống của người bệnh. Khoác trên người bộ quần áo bảo hộ kín toàn bộ từ đầu đến chân với chất liệu nilon và làm việc mỗi ngày từ 12 tiếng dưới thời tiết nắng nóng gay gắt của thành phố mang tên Bác. 

Vốn dĩ khoác bộ đồ bảo hộ để chữa bệnh đã rất vất vả, cường độ làm việc cao khiến chúng tôi kiệt sức sau những ca cấp cứu, xử lý diễn biến nặng liên tục trong một ca trực. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã gục xuống vì say nắng, ngột thở vì thiếu oxy,… Đúng là thật khó có trải nghiệm nào đặc biệt hơn thế.

Dưới ánh nắng mặt trời thường xuyên đẩy nhiệt độ gần ngưỡng 40 độ, cơ thể được bọc kín với đồ bảo hộ, mũ, kính chắn giọt bắn và lớp khẩu trang N95... Những buổi sáng nóng như lửa đốt, thời tiết khắc nghiệt, chỉ đến chiều mà vắt kiệt sức khỏe của chúng tôi. Cơ thể mất nước, những giọt mồ hôi đã chảy thành dòng, thấm qua cả lớp băng siêu thấm được dán cẩn thận trên đầu. Nhiều khi chúng tôi đã đến rất gần với sự nản chí và bị khuất phục về mặt ý chí. Nhưng không, chúng tôi đã luôn sát cánh, cùng động viên và quyết tâm cao nhất.

Kết thúc ca trực, cởi bộ đồ bảo hộ trên người xuống chúng tôi như mới vừa được giải phóng khỏi những gian nan, bí bách. Khi lúc đó, chúng tôi vẫn còn sức để trêu nhau rằng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Nhưng cũng có những ngày sau buổi trực căng thẳng với các ca cấp cứu liên tục, tôi đã không thể đứng vững để tự cởi bộ đồ bảo hộ của mình.

Những mái tóc đẹp đã được cạo trọc sạch sẽ vì biết rằng thời tiết nắng như đổ lửa nơi đây sẽ càng làm chúng tôi thêm khó. Chúng tôi cười với nhau rằng: "Chừng nào còn COVID, chừng đó tóc chưa được mọc dài''. Đó cũng là thời điểm mà dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và không ai có thể trả lời câu hỏi: "Liệu khi nào thì hết dịch?". Trong tay chúng tôi là sức mạnh tri thức là mạng sống của rất nhiều người bệnh nặng, là hy vọng của biết bao thân nhân người bệnh gửi gắm nơi đây.

Một buổi trực sáng thứ 7 trung tuần tháng 9 có lẽ là buổi làm việc đáng nhớ nhất của tôi khi ở khu điều trị COVID-19. Chỉ vừa mới làm quen với môi trường làm việc nơi đây, khi gần hết ca trực thì trước mặt tôi là một bệnh nhân đột ngột ngừng tim. Bằng phản xạ nghề nghiệp, ngay lập tức tôi lao vụt đến và nhảy lên giường ép tim liên tục, cùng với đó là hô hào sự trợ giúp của đồng nghiệp. Chỉ sau 5 giây tất cả kíp trực chúng tôi đã chạy thật nhanh vào vị trí, mỗi người một công việc nhanh chóng cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt ống thở cho bệnh nhân. Sau 5 phút nỗ lực cấp cứu, chúng tôi thở phào khi bệnh nhân đã có dấu hiệu sống trở lại.

Khi mà mọi người còn đang định nghỉ ngơi và thảo luận về ca bệnh thì anh thanh niên nằm giường bên cạnh, trước đó vẫn gọi điện tâm sự và dặn dò gia đình trong niềm hy vọng lại đột ngột trở nặng. Chúng tôi ngay lập tức khởi động quy trình cấp cứu. 5 phút rồi 10 phút và 30 phút và chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ, bất chấp những nhịp ép tim ngày càng nặng nhọc và tiếng thở của chúng tôi ngày càng vội vã và tỏ rõ sự xuống sức… Thế nhưng người bệnh đã không thể thắng được sự nghiệt ngã.

COVID-19 là thế, nó có thể rất nhanh hạ gục một người trưởng thành khỏe mạnh. Đó là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến sự tàn ác khủng khiếp của giặc COVID-19. Chúng tôi đã nỗ lực bất chấp mọi thứ để kéo sự sống lại cho anh thanh niên nhưng… không thể. Tôi hiểu rằng, chúng ta cần phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa vì cuộc chiến chống dịch không đơn giản và nó cần sự mạnh mẽ, kiên cường hơn nữa.

Từ những kinh nghiệm thực tế thu được, những chiến sĩ áo trắng của chúng tôi ngày càng mạnh mẽ, vững vàng để giữ lại ngày càng nhiều người bệnh khỏi tay tử thần. Và cứ thế chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức. Sự phục hồi của những người bệnh nặng là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất với chúng tôi. 

Hoàng hôn dần buông xuống, nhìn bệnh nhân của mình mạnh khỏe bước qua cánh cổng bệnh viện khiến chúng tôi nhẹ lòng hơn. Chúng tôi hiểu rằng – một tương lai tươi sáng, một gia đình, những người thân đang chờ đón họ. Còn chúng tôi lại tiếp tục công việc đầy thử thách với niềm tin và sự lạc quan nhiều hơn trong suốt những ngày tháng sau đó.

Sau này nghĩ lại, chúng tôi vẫn hỏi nhau rằng: "Điều gì khiến chúng ta vượt qua được giai đoạn khó khăn và nặng nề đến vậy?" Thì câu trả lời, đó là nghĩa "đồng bào", là trách nhiệm của những y bác sĩ lấy người bệnh là trung tâm. Chúng tôi luôn đặt trách nhiệm cao quý đó lên trên hết, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, để giữ lại những gia đình toàn vẹn.

Sau cơn mưa trời lại sáng, cơn bão COVID-19 đi qua trả lại trạng thái bình thường mới mặc dù có rất nhiều vết sẹo còn in hằn và có những nỗi đau không thể nào quên. Bỏ qua những mất mát, đau thương, những chiến sĩ áo trắng chúng tôi lại trở lại với nhịp sống hàng ngày, học tập và làm việc không ngừng nghỉ trong môi trường bệnh viện phẫu thuật ngoại khoa hàng đầu Việt Nam. 

Hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người bệnh cùng người nhà đến từ khắp mọi miền đất nước, với mỗi người là một câu chuyện một số phận rất khác nhau. Những điều đó đã rèn cho tôi bản lĩnh, sự kiên cường, luôn mang trong mình một trái tim nóng và một cái đầu lạnh.


Chiếc áo blouse trắng và hành trình tìm hạnh phúc trong hy sinh thầm lặng- Ảnh 6.

Trở lại với nhịp sống và làm việc sau khi chiến thắng dịch COVID-19, chúng tôi không "ngủ quên". Tiếp tục hăng say vừa làm, vừa nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. 

Có thời gian, chúng tôi lại tạo cho mình thêm những chuyến đi, đặt chân tới nhiều vùng đất mới của tổ quốc với mong muốn nhiều bệnh nhân có thể được cứu chữa hơn.

Có lẽ bản thân trải qua một tuổi thơ gian khó nên khi lớn tôi lại yêu thích các chuyến dã ngoại và trải nghiệm về văn hóa lịch sử. Dòng máu chảy sau trong chiếc áo blouse đó chính là dòng máu thanh niên được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Dòng máu nhiệt huyết với trái tim thương cảm, thấu hiểu những khó khăn và của đồng bào vùng cao, những vùng còn nhiều khó khăn đã thôi thúc đôi chân tôi bước đi không mỏi. 

Mang những kiến thức chuyên môn, sức vóc thanh niên đến các nơi cần chúng tôi nhưng không có điều kiện đi xa về thành phố. Những chuyến khám bệnh và trao quà thiện nguyện đã trở thành những hành trình đáng nhớ không biết mệt mỏi.

Có những ngày nghỉ sau nhiều giờ làm việc căng thẳng, thay vì dành thời gian cho bản thân tôi lại thích sử dụng nó để mang thêm những giá trị tốt hơn cho cộng đồng, cho hai tiếng "đồng bào'' thân thương. 

Tôi thấy mình là người hạnh phúc dù rất ít thời gian nghỉ ngơi thực sự. Hạnh phúc với tôi là sau những chuyến đi và đôi khi là giúp phát hiện bệnh sớm cho một bác thương binh, có khi là tư vấn lối sống sinh hoạt tốt hơn cho các cụ già vùng cao. 

Hạnh phúc đôi khi chỉ là trong lúc khám bệnh bắt gặp nụ cười tuổi thơ của các em nhỏ bất chấp cuộc sống còn nhiều gian nan vất vả. Hạnh phúc có khi chỉ là cái nắm tay động viên các cụ bà, cùng tâm sự về các câu chuyện thời chiến cùng các bác cựu chiến binh. Chất thanh niên là thế, xông pha, nhiệt huyết và không ngại khó khăn. 

Tin rằng, hành trình mang tâm trí và sự tử tế đến với các đồng bào vùng khó khăn của tôi và chúng ta mới chỉ bắt đầu. Sẽ còn rất rất nhiều những hành trình đầy ý nghĩa nhân văn với ý nghĩa thiết thực như thế.

Bệnh nhân vẫn nói: "Bác sĩ Việt Đức giỏi lắm, chẳng có gì là không làm được". Chính vì vậy mà cứ những ca khó khăn nhất, tưởng chừng như không còn hy vọng thì sẽ được chuyển đến Bệnh viện chúng tôi để mong có một tín hiệu nhỏ nhoi. Có những bệnh nhân đến với chúng tôi với những hoang mang và lo lắng tột độ khi rất nhiều nơi khác đã… "trả về" vì không tìm được phương pháp điều trị. 

Bằng những say mê tìm tòi và nghiên cứu của mình, với mục tiêu cao nhất là hạn chế tối đa tổn thương và giữ lại mạng sống cho bệnh nhân, chúng tôi quyết dốc hết sức lực của mình, dù chỉ là một tia hi vọng cũng phải giành giật.

Niềm hạnh phúc nhất đối với các y bác sĩ nói chung có lẽ chính là chữa được bệnh, cứu được người thoát khỏi tử thần. Những cái nắm tay nhau thật chặt, nụ cười rạng rỡ, ánh mắt đầy sự trân quý của bệnh nhân và bác sĩ dành cho nhau mới ấm áp, hạnh phúc làm sao.

Đã có bệnh nhân không tiếc lời dành cho tôi những biệt danh như: "Phật sống, thần tượng hay ông Bụt trong lòng tôi…''. Có lẽ khi đứng trước ranh giới sinh tử và vượt qua nó thì tâm hồn con người ta lại được chữa lành. 

Tôi hiểu được sự vui sướng và cảm xúc của người bệnh - người trở về từ cõi tối theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Không cần là ông Bụt, không phải là thần tượng, càng không hướng đến một vĩ nhân, tôi chỉ mong muốn có thể theo đuổi và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội, đó đã mới là lý tưởng sống, sự thành công và niềm tự hào đáng quý.

Tuy nhiên, cuộc đời không chỉ có màu hồng và mỗi ngành nghề đều có những góc khuất riêng. Với đặc thù làm việc trên đối tượng là con người, là sức khỏe, vẻ đẹp và sinh mạng người bệnh, chúng tôi hằng ngày phải đối mặt với những áp lực vô cùng lớn. Sự phức tạp của xã hội đôi khi được mang cả vào trong viện, những thái độ không hợp tác, chống đối, luôn đòi hỏi quyền ưu tiên, các loại quyền được làm phiền "thiên hạ". 

Bạo hành y tế trên cả thể xác lẫn ngôn ngữ đã trở thành nỗi ám ảnh với nhân viên y tế. Họ sẵn sàng xúc phạm và xâm phạm "từ mẫu'' của mình - những người đang ngày đêm vất vả cứu chữa cho thân nhân, bản thân của họ.

Là người từng trải qua những góc khuất đau buồn đó, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng, mình làm nghề trước hết vì lý tưởng cao đẹp đã được vun đắp theo năm tháng, làm nghề vì chữ "tâm". Tôi luôn đối xử với người bệnh của mình bằng tất cả trách nhiệm của mình.

"Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm", câu nói nổi tiếng của nhà sáng lập tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong đã khắc họa rất nhiều thực tế của cuộc sống. Với vai trò là một bác sĩ có trình độ chuyên môn, hơn ai hết tôi hiểu rằng, những bác sĩ trưởng thành trong thời bình - là thanh niên thế hệ mới không chỉ cần nỗ lực hoàn thành tốt công việc chuyên môn tại bệnh viện mà còn là lực lượng xung kích đi đầu trong các phong trào. Mang sức trẻ, kiến thức chuyên môn của mình đến phục vụ và hỗ trợ phần nào công sức cho bà con đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn.

Hành trình vạn dặm mới chỉ được cất những bước chân đầu tiên, phía trước là cả con đường dài mà tôi sẽ đi. Nỗ lực và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp. Những khó khăn chỉ là thử thách, những hy sinh thầm lặng cũng chìm sâu vào cốt cách của người bác sĩ - thứ đã là lẽ sống lâu bền mà không cần phải khoác lên mình bộ huy chương để trở nên vĩ đại.

Ý kiến của bạn