Ngày 26/4/2013, tại Quảng Ninh diễn ra Hội nghị Y học ASEAN (MASEAN). Tới dự có PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS. Jose Asa Sabili, Chủ tịch MASEAN, GS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cùng đại biểu của 10 hội y học ASEAN. Tại hội nghị, các đại biểu giới thiệu về hệ thống y tế của nước mình, trong đó vấn đề y đức và y nghiệp là trọng tâm thảo luận.
Các nhà lãnh đạo Masean tại hội nghị. |
TS. Haji Mohammad, Bộ Y tế Brunei: Bộ Y tế Brunei chú trọng mục tiêu cung cấp cho dân chúng tiêu chuẩn chăm sóc y tế cao nhất. Tất cả công dân đều được hưởng sự chăm sóc y tế miễn phí. Một hệ thống y tế trên không trung chăm sóc cho những người ở các vùng xa xôi và những vùng biển. Khi dân chúng cần những kỹ thuật y khoa cao cấp không có sẵn trong nước, chính quyền Brunei sẽ trả phí để gửi bệnh nhân đến những quốc gia hải ngoại. Như vậy, vấn đề y đưc sẽ được đánh giá qua thái độ, tình cảm, trình độ chuyên môn của bác sĩ.
TS. Jose Asa Sabili, Chủ tịch MASEAN: Chủ đề của hội nghị chuyên đề về y đức và phẩm chất chuyên môn trong MASEAN giúp chúng ta nhận biết được các thực tế khác nhau và các phạm vi quan tâm trong khu vực MASEAN liên quan đến hành vi đạo đức và thực tế chuyên môn của các bác sĩ. Tại Philippines, khoảng 40% bệnh nhân không có khả năng mua thuốc. Đối với bác sĩ tại các tỉnh nghèo, vấn đề y đức đặt ra ở khía cạnh sẽ phải thực hiện trách nhiệm nhiều hơn so với những gì được yêu cầu từ bệnh nhân. Nhiều trường hợp, bệnh nhân không có khả năng chi trả các chi phí liên quan đến quá trình chẩn bệnh và điều trị. Trong trường hợp này, bác sĩ có sẵn lòng tự bỏ tiền của mình hoặc xin tài trợ để điều trị cho bệnh nhân nghèo hay không? Đối với bác sĩ tại thành phố, việc hành nghề y bị thương mại hóa. Vấn đề y đức được đặt ra khi các bác sĩ có sẵn lòng từ bỏ những cám dỗ về vật chất trong quá trình hành nghề như phí tư vấn cho bệnh nhân, phí hoa hồng từ các hãng dược, thiết bị y tế. (Tại Philippines, bác sĩ đều được chiết khấu từ những xét nghiệm, thuốc men cho bệnh nhân).
Bộ Y tế đã ký một Nghị quyết liên tịch với Tổng hội Y học Việt Nam (THYHVN) trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng bên để THYHVN phối hợp với Bộ Y tế trong việc giáo dục y đức và y nghiệp cho các hội viên đang hành nghề trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên |
TS. Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam: Nếu như thời bao cấp người thầy thuốc chỉ có 2 động lực chính là cứu chữa người bệnh và động lực khoa học thì trong bối cảnh kinh tế thị trường còn nổi lên động lực làm giàu. Hiện nay, công nghệ cao được ứng dụng và phát triển nhanh. Đầu tư vào công nghệ cao mang lại hiệu quả chữa bệnh cao nhưng đồng thời cũng mang lại lợi nhuận nhanh hơn và cao hơn so với những giải pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khi công nghệ cao phát triển nhanh có mặt lợi là hiệu quả chẩn đoán và khám chữa bệnh tăng lên rõ rệt. Nhưng cũng có mặt trái cần phải tránh, đó là việc lạm dụng để thu hồi vốn nhanh, thậm chí còn dùng công nghệ cao để “lừa bịp” người bệnh và làm cho người bệnh tốn rất nhiều tiền khi sử dụng các dịch vụ y tế. Trong trường hợp này, chính các chỉ định y tế không phù hợp và lạm dụng của người thầy thuốc gây thiệt hại cho dân. Một xu thế phổ biến nữa là sự gần gũi trong quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh ngày một xa cách. Người thầy thuốc ỷ lại vào công nghệ mà coi nhẹ các biện pháp kinh nghiệm lâm sàng kinh điển (nhìn, sờ, gõ, nghe), chưa nói tới sự lạm dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị hiện nay để chạy theo mục đích lợi nhuận. Nói tóm lại, nếu không nhận dạng được đầy đủ những đặc điểm của y tế trong cơ chế thị trường thì ta không thể phát huy mặt mạnh cùng với việc khắc phục các mặt trái của nó, nhiều khi phải trái lẫn lộn và có lúc sẽ vận dụng việc áp dụng cơ chế thị trường để ngụy biện cho các việc làm trái với đạo đức y tế.
Bài và ảnh: Yến Châu