Chia sẻ thông tin, phối hợp phòng cúm A/H7N9

18-04-2013 07:14 | Tin nóng y tế
google news

Trước nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H7N9, Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc họp bàn phối hợp giám sát, phòng chống dịch cúm A/H7N9 với Sở Y tế 7 tỉnh biên giới phía Bắc gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên.

Trước nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H7N9, Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc họp bàn phối hợp giám sát, phòng chống dịch cúm A/H7N9 với Sở Y tế 7 tỉnh biên giới phía Bắc gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Đây được cho là một trong nhiều biện pháp ngành y tế Hà Nội đang triển khai nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn. Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về nội dung phối hợp với các tỉnh bạn trong phòng chống dịch.
Chia sẻ thông tin, phối hợp phòng cúm A/H7N9 1
 TS. Nguyễn Khắc Hiền.
PV: Thưa ông, đánh giá của Bộ Y tế cho thấy Hà Nội là địa phương triển khai nhanh, tích cực trong phòng chống dịch cúm A/H7N9, bằng chứng là tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo y tế của 7 tỉnh biên giới phía Bắc, mục đích của cuộc họp này là gì?

TS. Nguyễn Khắc Hiền: Như chúng ta đều biết, hiện nay việc đi lại, giao thương giữa các tỉnh thành rất thuận tiện. Hà Nội với Lạng Sơn khoảng cách chỉ hơn 150km, đi đường bộ chỉ hơn 3 giờ. Nếu tính đường chim bay chỉ khoảng 1 giờ. Trong khi hiện tại, cúm A/H7N9 nguy hiểm ở chỗ chưa phát hiện được nguồn lây và đường lây truyền, do đó, chủ động phối hợp với 7 tỉnh có đường biên giới phía Bắc trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp trong phòng chống dịch là yêu cầu quan trọng được Thành ủy, UBND thành phố đặt ra cho ngành y tế Thủ đô. Việc chia sẻ thông tin giữa Trung tâm YTDP của 7 tỉnh với Trung tâm YTDP Hà Nội là để chủ động áp dụng những biện pháp phòng, chống nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát trên địa bàn thành phố giúp cho công tác tham mưu, chỉ đạo phòng dịch, khoanh vùng dập dịch được thuận lợi và tôi xin nhấn mạnh là kịp thời, nhanh chóng, không để bị bất ngờ.

PV: Sau cuộc họp với 7 tỉnh biên giới phía Bắc, yêu cầu của Hà Nội trong chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong phòng dịch được các tỉnh đáp ứng ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Khắc Hiền: Tại hội nghị, điều lãnh đạo y tế các tỉnh đặt ra là để ngăn chặn dịch cần phải kiểm soát tốt gia cầm. Đề xuất của chúng tôi là các tỉnh cần thông báo kịp thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và bệnh nhân chuyển viện lên tuyến Trung ương; điều tra, xử lý dịch đã triển khai; tình hình cúm gia cầm trên địa bàn; chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu cho Ủy ban nhân dân về cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch. Chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học... Điều đáng mừng là sau hội nghị liên Bộ giữa ngành y tế và NN-PTNT, lãnh đạo y tế các địa phương đều thống nhất cao sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội. Để cụ thể hóa những thỏa thuận hợp tác với 7 địa phương, trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ đi thăm, trao đổi kinh nghiệm về công tác giám sát dịch với một số tỉnh biên giới phía Bắc. Cùng với đó, các ngành có liên quan như công thương, nông nghiệp của 7 địa phương sẽ chia sẻ thông tin với Hà Nội về dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm; đào tạo, tập huấn phòng chống bệnh lây từ động vật sang người; xử lý ổ dịch trên người và động vật; phối hợp trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cung cấp thông tin về tình hình giết mổ, buôn bán và vận chuyển gia súc, gia cầm. Hiện nay, theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó 25% là gia cầm. Thành phố chỉ tự túc được 60%, còn lại 40% được nhập từ các tỉnh. Đáng lưu ý, tình trạng gia cầm nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, rất khó kiểm soát. Vì vậy cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát gia cầm nhập lậu.

PV: Phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành trong phòng chống dịch là điều quan trọng nhưng quan trọng hơn, Hà Nội cũng cần “kích hoạt” hệ thống phòng chống dịch của mình, ông có thể nói gì về phòng chống dịch của Thủ đô?

TS. Nguyễn Khắc Hiền: Sau khi có công điện của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã có công điện gửi các sở, ban, ngành có liên quan để củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm các cấp. Về phía ngành y tế, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch số 832/KH-SYT phòng chống dịch cúm A/H7N9. Mục tiêu là chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay từ ca bệnh đầu tiên không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất các ca tử vong nếu có dịch. Để phòng chống dịch cúm A/H7N9, ngành y tế Hà Nội đã thành lập 5 đội phòng chống dịch cơ động, chuẩn bị cơ số hóa chất, tập huấn cho cán bộ, nhân viên cơ sở y tế; truyền thông và huy động sự phối hợp liên ngành, lên phương án hoạt động, ứng phó với các tình huống; các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9... Hà Nội là đầu mối giao lưu của khách trong nước và quốc tế, hằng ngày có khoảng 15.000 khách quốc tế nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, trong đó có khoảng 2.000 khách đến từ Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế chủ động giám sát khách nhập cảnh tại sân bay, kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện mắc cúm để cách ly, chuyển tuyến điều trị theo quy định. Trung tâm YTDP là đầu mối thông tin, thường xuyên cập nhật tình hình dịch. Tăng cường giám sát dịch tại bệnh viện theo phân cấp, chủ động triển khai phòng chống dịch trong cộng đồng…

PV: Xin cảm ơn ông!

Anh Tuệ (thực hiện)


Ý kiến của bạn