Tina Lê vừa trải qua hai cuộc đại phẫu lớn: cắt lợi,chỉnh hô và hạ xương gò má. Sau lần phẫu thuật lần thứ 14 này, chị đã có những chia sẻ “rùng rợn” nhưng cũng rất thật về quá trình 10 năm với 14 lần phẫu thuật thẩm mỹ của bản thân.
Tôi từng bị phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) hỏng vài lần rồi. Đêm nằm ngủ, nước dịch còn chảy ra ướt đẫm mặt…
Chào Tina, nghe nói, Tina vừa trải qua một cuộc đại phẫu lớn?
Đúng vậy, tôi vừa mới phẫu thuật cắt lợi chỉnh hô và hạ xương gò má được gần một tháng. Mấy ngày trước còn đau đớn nhiều lắm, nhưng bây giờ cũng ổn ổn rồi.
Đây là lần phẫu thuật thứ bao nhiêu của Tina?
Lần thứ 14, trong vòng mười năm. Tôi đã từng phẫu thuật bấm mí, mở góc mắt, nâng mũi 3 lần, làm cằm 4 lần, làm lại môi trên, gọt hàm, làm ngực. Hôm vừa rồi đi cắt lợi, chỉnh hô và hạ xương gò má là lần thứ 14. Tổng chi phí tôi đã bỏ ra cho các cuộc phẫu thuật là khoảng hơn 500 triệu đồng.
Tina có thể kể cụ thể quy trình của các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ từng trải qua cho mọi người biết được không?
Các ca phẫu thuật của tôi chia làm hai loại: một là chỉ gây tê, hai là phải gây mê.
Những ca tiểu phẫu chỉ cần gây tê như: bấm mí, làm mũi, làm cằm, làm môi thì khá đơn giản. Đầu tiên, khi lên bàn phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây tê, sau đó tiến hành các thủ thuật trong vòng 30 đến 45 phút. Xong xuôi tất cả thì họ sẽ đóng vết thương lại và chườm lạnh cho mình. Quá trình hậu phẫu chỉ cần uống kháng sinh và kiêng ăn những món dễ gây sưng, phù nề như rau muống, các món tanh trong vòng 1 tháng là ổn.
Còn các ca đại phẫu phải gây mê (làm ngực, hạ gò má, cắt lợi chỉnh hô, gọt hàm) thì đau đớn và vất vả lắm. Trước khi làm phẫu thuật, tôi phải đến khám tổng quát 3 ngày: tim , gan, phổi, chup x-quang, điện tâm đồ, thử máu, độ đông máu, phản ứng thuốc gây mê,… Tất cả đạt tiêu chuẩn bác sĩ mới đồng ý cho lên bàn mổ.
Đến ngày phẫu thuật, tôi phải nhịn ăn từ sáng sớm đến khi lên bàn mổ, một giọt nước cũng không được uống. Lúc ấy, cảm giác rất mệt mỏi, người cứ lả đi. Sau 4 tiếng nhịn ăn, sẽ có y tá đến truyền nước để không bị lả.
Khi lên tới bàn mổ, bác sĩ gây mê bằng cách truyền thuốc, hoặc ụp thẳng thuốc gây mê lên mặt, chỉ sau 2 giây là chìm vào giấc ngủ. Lúc họ thực hiện phẫu thuật, tôi không hề hay biết gì, nhưng khi tỉnh dậy thì quả thật kinh khủng.
Lúc ấy tuy đã tỉnh lại nhưng người vẫn còn đầy thuốc gây mê, mệt mỏi lắm. Cả ngày chẳng ăn uống gì nhưng tôi vẫn nôn suốt. Miệng đau, bụng vừa đói vừa khát nhưng không được ăn, uống. Người mệt mỏi muốn nghỉ ngơi nhưng lại nôn liên tục cho đến sáng.
Sau những ca đại phẫu, tôi phải tiêm kháng sinh liên tục 2-3 ngày. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cảm giác khủng khiếp vô cùng. Bạn tưởng tượng giống như đang tiêm nước sôi trực tiếp vào mạch máu vậy, vừa nóng, vừa bỏng, vừa rát.
Thời gian phục hồi cho các ca tiểu phẫu là 7-15 ngày; các ca gây mê làm ngực là 7 ngày; ca gọt hàm , hạ gò má, chỉnh hô tầm 6-7 tuần. Những ca gọt hàm, hạ gò má, cắt lợi chỉnh hô là đại phẫu lớn, cực kỳ nguy hiểm và đau đớn.
Nghe Tina kể và tưởng tượng thôi tôi đã thấy rùng mình. Vậy mà Tina tiến hành hết phẫu thuật này đến phẫu thuật khác, trong đó có nhiều ca nguy hiểm. Chẳng lẽ Tina không thấy sợ, không thấy rợn người?
Tôi sợ chứ, rất sợ là đằng khác. Bạn có biết đợt PTTM vừa rồi, tôi đau đớn và sợ hãi đến độ khi có bạn bè hỏi, tôi toàn bảo: “Có cho 2 tỷ giờ cũng không dám làm gì nữa”. Cắt lợi, chỉnh hô xong tôi phải nẹp 4 nẹp sắt ở 4 vị trí răng trong miệng, hết 45 ngày mới tháo được ra. Miệng đầy chỉ khâu, nói, cười, ăn, uống đều đau đớn vô cùng. Ban đầu, máu ở mũi cứ chảy ra liên tục do ảnh hưởng của việc hạ gò má. Mỗi ngày tôi phải uống 8 viên giảm đau và chỉ có ngủ để cố quên đi sự đau đớn ấy.
Khuôn mặt sưng, miệng đầy chỉ và phải nẹp 4 nẹp sắt khiến Tina Lê không ăn uống được, nói cười cũng bị đau.
Tôi không bao giờ quên cảm giác lạnh sống lưng khi nghe tiếng đục hàm như tiếng đẽo đá lúc đi ngang một bàn mổ khác trong khi chờ đến lượt mình gọt hàm mấy năm trước. Ngay cả trong những ca gây tê, tôi cũng có cảm giác và biết hết bác sĩ đang cắt gọt, hay chèn vật liệu vào trong các bộ phận cơ thể.
Thú thực là cũng chẳng thích thú gì. Nhưng nghĩ đến việc mình sẽ có cái mắt, cái mũi, khuôn miệng hoàn hảo hơn chỉ sau mấy chục phút, nghĩ đến hình ảnh xinh đẹp hơn của bản thân là tôi vượt qua mọi đau đớn.
Đấy là nếu thành công, còn thất bại thì sao, chẳng lẽ Tina không hề nghĩ tới?
Có chứ. Đó là điều tôi sợ nhất. Trước khi lên bàn mổ, bác sĩ sẽ đưa giấy cho mình ký, trong đó nói rõ phẫu thuật chỉ có 99% thành công, còn lại 1% rủi ro do kỹ thuật. Họ cũng đề nghị ghi lại số điện thoại người thân đề phòng khi cần thiết. Mỗi lần lên bàn mổ, tôi đều lo lắng, sợ mình bị rơi vào 1% rủi ro.
Tôi cũng từng PTTM hỏng vài lần rồi. 10 năm trước, công nghệ đâu có được tân tiến như bây giờ. Tôi nhớ nhất lần làm cằm đầu tiên. Lúc đó tôi chưa gọt hàm. Độn cằm vào mặt trông như lưỡi cày vì hàm tôi bị vuông. Suốt 2 tuần trời mặt tôi vẫn sưng, phù nề nặng. Tôi phải uống kháng sinh ròng rã 2 tháng trời. Đêm nằm ngủ, dịch còn chảy ra ướt mặt. Tôi quyết định rút mảnh cằm độn ra vì không chịu nổi cảnh đau đớn ấy. Sau đó 6 năm, gọt hàm xong tôi mới dám làm cằm lại.
Ngay đến chính tôi cũng chưa quen nhìn mình trong gương…
10 năm trước, Tina có định phẫu thuật nhiều và phẫu thuật hết mọi đường nét trên gương mặt như vậy không?
Không. Lúc ban đầu, tôi PTTM chỉ vì không hài lòng với khuôn hàm vuông và bạnh. Tôi chỉ để được một kiểu tóc, trang điểm một kiểu, trang sức cũng không đeo được nhiều loại, chụp ảnh phải lựa góc. Nếu có gương mặt đẹp, thì có thể làm được nhiều style hơn.
Ban đầu tôi không nghĩ mình sẽ sửa hết. Nhưng dần dần, khi tham gia vào nghề make up và tìm hiểu kỹ hơn về giải phẫu cơ thể, gương mặt, biết được mình thừa gì, thiếu gì, tôi muốn sửa để hoàn thiện bản thân hơn.
Phẫu thuật thẩm mỹ nhiều như vậy, nét nào cũng chỉnh sửa, Tina có thấy không còn là chính mình nữa không?
Thú thực là nhìn mình trong gương, tôi cũng còn thấy không quen nữa là. Nhưng bạn bè, người thân gặp bên ngoài đều khen đẹp hơn, trẻ hơn, nên cũng thấy vui trong lòng.
Nghe nói PTTM xong sẽ luôn để lại dấu vết trên cơ thể và phải make up thật đậm để che đi...
Điều này hoàn toàn không đúng. Công nghệ bây giờ tân tiến lắm. Mắt thường không thể phát hiện ra đâu. Sau khi PTTM, có những loại kem chống sẹo, chỉ cần bôi sau 3 tháng là mờ sạch. Tôi cũng đã làm vậy nên tôi biết.
Người đã qua PTTM và người nguyên bản cũng phải có nét khác nhau chứ?
Như tôi đã nói ở trên, công nghệ bây giờ tân tiến. Nếu làm ở nơi uy tín, tốt, hoàn toàn không có điểm nào khác biệt, ngoài việc người qua PTTM có thể đạt đến vẻ hoàn hảo, không có khuyết điểm, còn người thường thì không được như vậy.
Nhưng nhan sắc PTTM sẽ bị xuống cấp theo thời gian. Đến cả những đại minh tinh thời xưa như Thẩm Thúy Hằng bây giờ gương mặt cũng biến dạng vì PTTM…
Đã đi PTTM thì phải biết chấp nhận, và biết dung hòa để bảo quản, duy trì nhan sắc lâu hơn. Ở độ tuổi nào đẹp theo độ tuổi ấy chứ không quá chạy theo việc giữ gìn tuổi xuân mà phẫu thuật, tiêm nhiều hóa chất.
Bởi vậy, tôi nói không với filler hay chất làm đầy vì theo thời gian nó sẽ làm da cứng như miếng nhựa và bị rỗ đầy mặt. Tôi luôn chọn cách cắt gọt, tuy đau đớn và tốn kém nhưng bền lâu hơn.
Nhưng cắt gọt và làm đại phẫu rất nguy hiểm. Chắc Tina cũng biết vụ việc đau lòng ở trung tâm thẩm mỹ Cát Tường…
Tôi biết chứ, tôi cũng quan tâm theo dõi tin tức của vụ việc đó và cũng cảm thấy xót xa.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi quyết định PTTM, phải đến các bệnh viện hàng đầu, không được tiếc tiền. Ở đó bác sĩ sẽ có các cuộc thăm khám, xét nghiệm tổng thể để quyết định bạn có đủ điều kiện sức khoẻ để làm hay không? Nếu không họ không cầm tiền của bạn đâu. Họ sẵn sàng không nhận trường hợp của bạn nếu bạn không đủ tiêu chuẩn.
Nhờ vậy tôi cũng vững vàng, yên tâm hơn khi bước vào các cuộc PTTM. Tôi cảm thấy mình may mắn trong các cuộc PTTM, có sức khỏe để vượt qua được và hồi phục như bây giờ.
Nếu không buồn tới mất ăn mất ngủ vì ngoại hình thì đừng PTTM, bởi vì đau đớn lắm
Gương mặt mộc của Tina Lê thời điểm hiện tại.
Người thân của Tina có thái độ như thế nào về chuyện chị đi PTTM?
Họ hiểu con người và lý tưởng của tôi. Chồng tôi ban đầu cũng không ủng hộ nhưng sau này tôi dần dần thuyết phục. Anh ấy và người thân trong gia đình luôn ở cạnh chăm sóc, chỉ cần tôi khỏe mạnh về thể chất và vui vẻ về tinh thần. Nói chung, tôi là người quá may mắn, quá hạnh phúc.
Hình như sau Vân Tokyo, càng ngày càng có nhiều bạn công khai chuyện PTTM? Nhiều người cho rằng đây là động thái gây nổi, cố tình kiếm sự chú ý để bán hàng, kinh doanh? Tina nhận xét thế nào về chuyện này? Mục đích của Tina khi chia sẻ câu chuyện PTTM của bản thân là gì?
Thực ra, tôi đã công khai chuyện PTTM từ lâu rồi, và cũng lên báo phỏng vấn từ rất lâu. Tôi thấy không cần phải giấu diếm. Tôi là người bình thường, đâu phải nghệ sĩ nổi tiếng. Chuyện công khai không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Còn việc thu hút dư luận, cũng chẳng để làm gì, công việc là do sự chăm chỉ, cố gắng, còn phụ thuộc một phần vào cái duyên trời ban, chứ không phải do chuyện PTTM mà thành công được.
Tôi chia sẻ chuyện PTTM của mình, bởi vì tôi thấy bây giờ thông tin quá khan hiếm, nhiều người muốn tìm hiểu về chuyện PTTM mà không biết tìm thông tin chính xác ở đâu. Tôi muốn mọi người hiểu rõ hơn về PTTM qua câu chuyện của bản thân tôi: sự quyết tâm, sự đau đớn, những hy sinh mà tôi đã trải qua để có được ngoại hình đẹp, có được sự tự tin cho bản thân.
Tôi cũng mong mọi người hiểu và thông cảm cho mong muốn được đẹp hơn của mình. Ai cũng muốn đẹp hoàn thiện hơn, nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm và quyết tâm để làm được điều đó.
Tina có lời khuyên nào dành cho những người muốn PTTM hay không?
Dù tôi đã trải qua nhiều cuộc PTTM, nhưng tôi thật lòng khuyên mọi người, nếu cảm thấy mất ăn, mất ngủ, quá thiếu tự tin vào ngoại hình và cảm thấy chuyện xấu, đẹp ảnh hưởng tới cuộc sống thì mới PTTM. Còn không thì không nên, bởi vì rất đau đớn. Tôi đã trải qua những trận đau ấy, chúng kinh khủng tới mức tôi phải sợ hãi và không muốn ai phải chịu đựng giống mình.
Cảm ơn Tina vì những chia sẻ rất chân thành và thẳng thắn này. Chúc Tina sớm hồi phục và hài lòng, tự tin vào sắc đẹp của bản thân.