Chia sẻ quyền được sống: phước lành

16-02-2018 07:57 | Y học 360
google news

SKĐS - Trung bình 1 người bình thường sau khi qua đời có thể cứu sống được ít nhất là 7 người và cao nhất là 13 người.

Phát nguyện hiến mô tạng sau khi chết, bất kể ai đều cũng sẽ trở thành vị bồ tát sống. Đó là phước lành rất lớn! Đây không chỉ là một nghĩa cử rất cao thượng mà còn là cách thức trải nghiệm lòng từ bi một cách thiết thực trong đời sống thực tiễn như Đức Phật đã dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường các đức Phật”.

Lần đầu tiên vào ngày 26/11/2015, dưới sự kêu gọi của chùa Giác Ngộ cùng Quỹ Đạo Phật Ngày nay, 215 Phật tử đã rất hoan hỉ phát tâm trở thành những người hiến mô tạng. Sau đó, thêm 50 người liên lạc trực tiếp với ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngày 26/11/2016, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi cao quý đó, cộng đồng Phật tử đã phát tâm 499 người, sau đó, con số này tăng lên 583. Vừa qua, ngày 25/11/2017, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), Quỹ Đạo Phật Ngày nay vận động thành công 527 người nộp đơn đăng ký cho nghĩa cử cao thượng này. Tôi tin rằng, sau khi hiểu thấu đáo giá trị về phương diện đạo đức, nhân đạo, nhân văn của hành động này, những con số nhỏ nhoi nói trên sẽ được nâng lên nhiều lần.

Chia sẻ quyền được sống: phước lành

Những vị bồ tát sống

Trên thế giới vào năm 1954, ca ghép tạng thành công đầu tiên diễn ra tại Mỹ. Lúc đó, Ronald Lee Herrick đã đồng ý tặng một quả thận của mình để ghép cho người anh em song sinh của mình. Đó là bước ngoặt đầu tiên trong lịch sử y học hiện đại.  Đồng thời, nghĩa cử cao thượng chia sẻ quyền được sống đã giúp cho người bệnh tái sinh một lần nữa ngay trong kiếp sống hiện thực này, chứ không cần phải chờ sau khi chết. Bác sĩ thực hiện thành công ca phẫu thuật đó, Joseph Edward Murray, vào năm 1990, đã được trao giải Nobel về Y học vì những nỗ lực cải thiện thêm về phương pháp phẫu thuật ghép tạng, cung cấp nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực này.

Người trẻ tuổi nhất phát tâm hoặc được người khác phát tâm giùm trong việc hiến mô tạng là một bé gái vừa tròn 100 ngày tuổi. Cuối năm 2015, khi biết rất rõ đứa con mình vừa sinh ra không thể tiếp tục sống được nữa, cha mẹ của cô bé này đã vận động luật sư đấu tranh về phương diện pháp lý và cuối cùng đã chiến thắng. Đó là ca hiến mô tạng nhỏ tuổi nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Còn người lớn tuổi nhất nguyện ý hiến mô tạng là một phụ nữ ở Scotland. Lúc đó bà đã 107 tuổi, và đã thành công hiến mô tạng vào năm 2016.

Ca ghép mô tạng được xem là mang tính nhân đạo cao nhất theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực này là một người đàn ông 85 tuổi ở Vương quốc Anh, vào năm 2014 đã tình nguyện hiến tặng mô tạng của mình cho một người mà mối quan hệ xã hội giữa hai người hoàn toàn xa lạ, không cùng tôn giáo, bất chấp những tranh biện rất gay gắt về việc hiến mô tạng từ một người đạo này sang một người đạo khác. Lúc ấy, đâu đó trên thế giới vẫn còn có những tranh luận về phương diện tôn giáo, việc này có đáng nên thực hiện hay không.

7 tòa tháp lành

Tính đến cuối năm 2017, Bộ Y tế đón nhận được gần 13.000 người đăng ký hiến mô tạng. Đó là con số quá khiêm tốn so với tổng dân số 93 triệu dân của Việt Nam và vài chục ngàn bệnh nhân đang chờ cơ hội để được sống bằng phương pháp ghép tạng. Theo thống kê của thế giới, cho đến tháng 10/2017, toàn cầu có khoảng 500.000 người chờ ghép tạng và nhu cầu đó ngày càng gia tăng.

Trung bình, một người khỏe mạnh, nội tạng tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm có thể cứu sống được trung bình 7 người, thậm chí cao nhất là 13 người. Chúng ta có thể thấy, chỉ bằng một hành động thiện tâm, mỗi một năm, số bệnh nhân được tái sinh nhiều đến mức độ nào. Điều quan trọng nhất là ảnh hưởng giữa sức khỏe của mô tạng và người nhận ghép tạng. Ví dụ như, người được ghép tạng 70 tuổi và thận hay gan từ người hiến tặng 20 tuổi với sức khỏe tốt, thì sau khi phẫu thuật ghép tạng hoàn tất, người nhận sẽ có một lá gan hay quả thận khỏe mạnh và trẻ hơn so với trước đó. Còn cá tính hoàn toàn thuộc về phong cách sống, lối sống và thói quen của người nhận chứ không chịu sự chi phối từ các mô tạng được ghép.

Chia sẻ quyền được sống: phước lành

Cách đây 26 thế kỷ, Đức Phật Thích Ca đã đề cập đến 3 loại hình hiến tặng: hiến tặng tài vật (bao gồm động sản, bất động sản hợp pháp) cho những người kém may mắn và bất hạnh để giảm bớt đi nỗi khổ và niềm đau; hiến tặng niềm vui không sợ hãi để mang lại sự bình an cho con người; hiến tặng chân lý và những giá trị đạo đức cao quý cho con người sống có giá trị và hữu ích hơn. Trong vấn đề hiến tặng tài sản, nếu bạn chia ra làm hai loại là tài sản ngoài cơ thể và tài sản cơ thể được gọi là nội tạng. Cho nên có thể hình dung, 26 thế kỷ trước, trong khi nền y học của thế giới vẫn còn rất lạc hậu, chủ yếu dựa vào thuốc cây cỏ, hiến tặng mô tạng đã được đề cập như một triết lý sống nhân đạo và sâu sắc trong việc khích lệ người ta “bố thí” một cách trọn vẹn nhất. Điều may mắn, trong 5 thập niên gần đây, y học đã có những bước tiến dài để giúp ý nghĩa của hai chữ “bố thí” được hiện thực hóa.

Hơn thế nữa, nhân – quả là chuyện hoàn toàn có thật. Con người sau khi chết, các hành động đã được gieo trồng trước đó không hề mất đi và được tồn tại dưới hình thức là năng lượng, các hạt giống đi theo với sự tái sinh của con người ở kiếp sau để từ đó tạo ra phẩm chất, thiên tính, lối sống, cá tính khác biệt giữa người với người. Cho nên người hiến mô tạng trao quyền được sống cho từ 7 đến 13 người là một nhân phúc lành rất lớn về sức khỏe, tuổi thọ và quyền được sống. Vì theo nhân quả, người đó sẽ được tái sinh trong một gia đình mà về gen di truyền chắc chắn sẽ tạo cho người đó cơ thể rất khỏe mạnh, sống thọ và hạnh phúc để hưởng được những phước báu mà người đó đã tạo dựng được sau mấy chục năm tồn tại.


Thượng tọa Thích Nhật Từ
Ý kiến của bạn