“Chia sẻ quá tải, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao”

30-04-2015 15:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mô hình hợp tác công tư ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được xem là chưa từng có ở Việt Nam và... thế giới, khi bệnh viện có tên chung nhưng thực chất hai khu vực công - tư khác nhau ở trong cùng khuôn viên, cùng 1 giám đốc điều hành.

Mô hình hợp tác công tư ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được xem là chưa từng có ở Việt Nam và... thế giới, khi bệnh viện có tên chung nhưng thực chất hai khu vực công - tư khác nhau ở trong cùng khuôn viên, cùng 1 giám đốc điều hành. Điều này khiến cho nhiều người quan ngại về sự nhập nhằng trong điều hành và các xung đột về lợi ích có thể xảy ra. Về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

PV: Mô hình xã hội hóa trong y tế, hợp tác công - tư ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là mô hình rất mới, nó được xem là chưa từng có ở Việt Nam và cả ở trên thế giới. Xin ông cho biết thêm về mô hình này…

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ: Mô hình hợp tác công tư (PPP) đã được nghiên cứu từ rất lâu và được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là lĩnh vực cầu đường, giao thông… Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ và đặc biệt là dịch vụ y tế thì vẫn chưa ứng dụng rộng rãi hình thức này.

Mô hình PPP tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được áp dụng tại giai đoạn 2 (Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - quy mô 700 giường bệnh được đầu tư theo phương thức xã hội hóa). Đây là mô hình được phối hợp giữa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, công ty Cotec Land và công ty Cotec Group theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao BOT (Build - Operate - Transfer). Theo đó, các công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng và vận hành công trình trong một thời gian nhất định (trong trường hợp này là 50 năm), sau đó chuyển giao toàn bộ cho nhà nước.

Việc xây dựng theo mô hình PPP sẽ mang lại những ưu điểm như sau:

Chia sẻ tình trạng quá tải bệnh viện, cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn dịch vụ cao.

Chủ động nguồn kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng KCB; đồng thời tăng thu nhập, giúp phát huy hết tiềm năng của đội ngũ nhân viên y tế.

Được sự hỗ trợ tối đa về nguồn nhân lực có chuyên môn cao.

Dễ dàng tiếp cận và xã hội hóa trang thiết bị y tế với mức đầu tư mà giai đoạn 1 chưa thể đáp ứng được.

Thuận lợi hỗ trợ nhau trong việc sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại mà mỗi giai đoạn có lợi thế.

Dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn thương mại từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

- Với mô hình này, nhiều người băn khoăn về các xung đột lợi ích: do chung một cơ sở khám chữa bệnh nên làm thế nào để bệnh nhân đến bệnh viện công hay bệnh viện tư? Liệu các thầy thuốc ở khu vực công có được khám chữa bệnh ở bệnh viện tư? Liệu ông là giám đốc của cả hai khu vực công - tư thì có dễ bị nhập nhằng trong điều hành?

- Việc áp dụng một mô hình mới cho một lĩnh vực được toàn xã hội quan tâm và đặc biệt là hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước hướng dẫn việc xây dựng, áp dụng mô hình này đã làm ngay chính những người trực tiếp thực hiện mô hình như chúng tôi băn khoăn về nhiều mặt.

Tuy nhiên, với việc xây dựng “Hợp đồng dự án” bao gồm các nguyên tắc hợp tác và nội dung hợp tác chặt chẽ giữa hai khối nhà, trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa các bên tham gia. Điều này sẽ hạn chế tối đa các xung đột có thể phát sinh trong quá trình thực hiện mô hình PPP.

Làm thế nào để biết bệnh nhân đến bệnh viện công hay bệnh viện tư?

Trước tiên, chúng tôi xin khẳng định Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với hai giai đoạn là một thể thống nhất về mặt chuyên môn điều trị: giai đoạn 1 (khối A) hoạt động khám chữa bệnh công, giai đoại 2 (khối B) hoạt động khám bệnh chữa bệnh dịch vụ phục vụ khi bệnh nhân có nhu cầu. Điều đó dẫn đến việc bệnh nhân lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh tại khối A hay khối B là rất rõ ràng. Cụ thể như sau:

Bệnh viện công khai các quy trình khám chữa bệnh, giá từng loại dịch vụ, chi phí điều trị cụ thể, và đội ngũ nhân viên y tế sẽ tư vấn giúp bệnh nhân có thể chủ động lựa chọn các dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với điều kiện bản thân.

Trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại khối A nhưng cần được chuyển sang khối B (do bệnh nhân có yêu cầu đặc biệt hoặc cần áp dụng phác đồ điều trị/kỹ thuật mà khối A không thể đáp ứng), bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị giải thích lý do, tư vấn (giá, phương thức điều trị…) trước khi quyết định sử dụng dịch vụ.

Liệu các thầy thuốc ở khu vực công có được khám chữa bệnh ở bệnh viện tư?

Nội dung hợp tác trong lĩnh vực điều chuyển, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực ghi nhận việc khối A cử người lao động có chuyên môn phù hợp sang làm công tác quản lý điều hành hoặc công tác chuyên môn tại khối B theo 2 hình thức: làm việc toàn thời gian và bán thời gian.

Theo đó, người lao động được cử sang làm việc tại khối B sẽ là những người có chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đó, và được Giám đốc bệnh viện ký quyết định chuyển công tác sang khối B (dù theo hình thức nào).

Do đó, người lao động hoàn toàn có quyền hợp pháp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật tại khối B theo đúng phạm vi ghi nhận trên quyết định thuyên chuyển.

Có dễ bị nhập nhằng trong điều hành bệnh viện công hay bệnh viện tư?

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là một thể thống nhất về mặt chuyên môn điều trị, với một giám đốc bệnh viện duy nhất và các phó giám đốc phụ trách về mặt chuyên môn cho khối A và khối B. Hai khối chỉ có một điểm khác biệt là về cơ chế tài chính. Về phía công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, họ chỉ bỏ vốn đầu tư và không tham gia vào vấn đề chuyên môn điều trị.

Dưới sự quản lý của giám đốc bệnh viện duy nhất, cùng 1 hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn y tế quốc tế JCI và minh bạch trong các lĩnh vực phối hợp giữa 2 khối, chúng tôi tin rằng sẽ không xảy ra tình trạng nhập nhằng trong việc điều hành 2 tòa nhà.

-Những băn khoăn trên dẫn đến lo lắng: sau một thời gian, công tư lẫn lộn và hậu quả là bệnh viện công dễ biến thành bệnh viện tư. Liệu điều này có thể xảy ra không thưa ông?

- Như đã nói trên, điều này sẽ không xảy ra khi bệnh viện luôn công khai minh bạch các hoạt động khám chữa bệnh, văn bản hóa sự hợp tác quản lý giữa 2 khối (đặc biệt là lĩnh vực tài chính). Trong thời gian sắp tới, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các hoạt động cụ thể trong mô hình phối hợp công tư thì không lý do gì để có thể xảy ra hiện tượng công tư lẫn lộn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

- Ông là người có khát vọng biến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thành một bệnh viện mạnh tầm cỡ khu vực với cơ sở vật chất khang trang hiện đại (sắp trở thành hiện thực) và đội ngũ bác sĩ giỏi thông qua việc cử họ tu nghiệp, nhận chuyển giao các kỹ thuật ở nước ngoài. Điều đó có đúng không thưa ông? Và nếu đúng thì khi nào nó sẽ trở thành hiện thực?

- Việc đưa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trở thành một bệnh viện mạnh tầm cỡ khu vực là điều mà ban giám đốc cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện đều mong muốn trở thành hiện thực.

Bên cạnh việc sắp đưa vào sử dụng 2 tòa nhà khang trang hiện đại, trong thời gian sắp tới ban giám đốc sẽ triển khai các hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn chất lượng: TCVN ISO:9001 và TCVN ISO:14001; bệnh viện sẽ xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn y tế quốc tế JCI trên cả 2 tòa nhà (dự kiến thực hiện trong khoảng 5 năm); nâng cao chất lượng chuyên môn và thái độ phục vụ; đa dạng hóa các dịch vụ khám chữa bệnh…

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ đây là một mục tiêu phấn đấu dài hạn với tầm nhìn 5 năm, 10 năm hoặc có thể xa hơn nữa. Để thực hiện được điều này ngoài những nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ y bác sĩ bệnh viện, còn cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ quan chủ quản về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện trong từng giai đoạn.

- Xin cám ơn ông!

NGUYỄN HƯNG (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn