Từ ngày 25- 29/10/2023, Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đến thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tham quan các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái.
Tại các địa phương, đoàn đã tham quan các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi lợn rừng của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tâm, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai; Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của ông Đào Huy Cương tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu; Mô hình trồng cây ăn quả của hộ gia đình ông Trần Đức Văn, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu trồng cây mắc ca xen canh cây bưởi da xanh...
Đây là những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có thể khẳng định giá trị kinh tế của cây mắc ca đến nay vẫn là một trong các loại cây hiệu quả nhất. Riêng đối với mô hình trồng mắc ca tại Lai Châu, đối với cây từ 5 năm đến trên 10 năm tuổi, mỗi cây cho sản lượng quả ổn định từ 50 - 100kg/năm. Những cây phát triển tốt có thể cho thu hoạch trên 1 tạ quả/năm. Hiện giá bán quả mắc ca tươi là 50.000 - 70.000 đồng/kg, hạt sấy khô là 350.000 đồng/kg.
Hiện sản phẩm hạt mắc ca đang được làm sữa hoặc sao sấy, nếu công nghệ chế biến phát triển có thể chế biến thành dầu ăn, mỹ phẩm… đem lại giá trị thu nhập cao cho người dân và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ngoài việc tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế, các cán bộ làm công tác dân tộc của tỉnh Lạng Sơn cũng tìm hiểu và trao đổi với các tỉnh bạn về kinh nghiệm về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn và kinh nghiệm thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.
Trước đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức tiếp đón đoàn đại biểu người có uy tín tỉnh Bắc Kạn đến học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại Lạng Sơn. Ban Dân tộc tỉnh đã cử cán bộ đưa đoàn đại biểu người có uy tín tỉnh Bắc Kạn tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Việc tiếp đón và cử cán bộ đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm thực hiện các mô hình phát triển kinh tế tại nhiều địa phương đã giúp đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc của tỉnh Lạng Sơn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo của các địa phương khác nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả để từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển y dược cổ truyền dược liệu ở Việt Nam.