Liên tục cử các đội tinh nhuệ về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, truy vết "chia lửa" cho Đà Nẵng và hỗ trợ Quảng Nam
Nhận định tình hình dịch của Đà Nẵng, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra hôm qua, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, phần lớn các trường hợp nhiễm có liên quan đến khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng xác định ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài, do đó, theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ưu tiên tối đa cho việc dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê tại buổi họp/ chẩn quốc gia lần thứ 3, sáng ngày 28/7 về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có các bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng
“Dập ổ dịch của Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh tất cả các biện pháp”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh
Lưu ý tầm quan trọng trong vấn đề về xét nghiệm tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, hiện nay, khả năng xét nghiệm của Đà Nẵng đạt trên 1.000 mẫu, có thể đạt tối đa 2.000 mẫu/ngày. Dưới sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đà Nẵng đặt mục tiêu xét nghiệm từ 5.000 đến 7.000 mẫu xét nghiệm/ngày.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, ngoài những đội tinh nhuệ đã được cử vào Đà Nẵng về điều trị, xét nghiệm, điều tra dich tễ, Bộ Y tế cử đội công tác là các chuyên gia về xét nghiệm, thận nhân tạo, hồi sức, truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng và thiết lập một phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Viện Pasteur Hồ Chí Minh hỗ trợ CDC Đà Nẵng, thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện 199 Bộ Công An.
Dự kiến, ngày 30/7, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga sẽ đến Đà Nẵng hỗ trợ với việc thành lập một phòng thí nghiệm di động và Học viện Quân y hỗ trợ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xét nghiệm.
Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện TW Huế “chia lửa” điều trị với Bệnh viện Đà Nẵng. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu chuyển tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng có bệnh nền, chạy thận.. về Bệnh viện TW Huế điều trị. Hiện một số bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền, chạy thận nhân tạo đã chuyển ra Bệnh viện TW Huế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu trường Đại học kỹ thuật y tế Đà Nẵng cử hàng trăm sinh viên làm tình nguyện viên tham gia vào các đội truy vết, điều tra dịch tễ phục vụ công tác khoanh vùng, dập dịch
Đối với Quảng Nam, Bộ Y tế đã giao trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam để có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm tại đây. Bên cạnh đó, trong sáng ngày hôm nay- 30/7, đoàn công tác của BV Bạch Mai do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã trực tiếp vào hỗ trợ Bệnh viện đa khoa TW Quảng Nam trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 và của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về “chia lửa” trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các Bệnh viện ở Đà Nẵng, chiều ngày 29/7, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị khi chủ trì hội chẩn quốc gia lần thứ 4 đã đề nghị các bệnh viện viện cần tuyệt đối tuân thủ yêu cầu về quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, điều trị, chống nhiễm khuẩn... theo các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám chữa bệnh.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi có các yếu tố dịch tễ nghi ngờ nhân viên y tế phải trang bị ngay phương tiện phòng hộ cá nhân để phòng ngừa lây nhiễm.
"Cuộc chiến phòng chống COVID-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức nên đầu tiên chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để còn có người điều trị cho bệnh nhân.
PGS.TS Trần Như Dương- Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tổ trưởng tổ điều tra dịch tễ của Bộ Y tế tại một buổi điều tra dịch tễ khu vực nhà bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng sinh sống
Do đó, các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19, bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, không để có bệnh nhân tử vong."- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Đồng thời PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện có kế hoạch dự phòng khi tình huống đông bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị, giảm thiểu tử vong, hỗ trợ chuyên môn cho Đà nẵng
Bên cạnh đó, các bệnh viện, các khoa phòng tiếp tục đảm bảo thông khí, bám sát hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế. Các bệnh viện thực hiện nghiêm Công điện 1158/CĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo quốc gia về khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các Tiêu chí về bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp.
Trong đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng PGS.TS Lương Ngọc Khuê và các chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, hồi sức tích cực, cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, thận nhân tạo... đều tham gia hội chẩn