Tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân
Có thể nói, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những bước chuẩn bị quan trọng cho một cuộc hôn nhân bền vững, mang lại hạnh phúc gia đình và từ đó giúp xã hội thêm tốt đẹp. Nhiều chuyên gia xã hội học đã chỉ ra rằng, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp bản thân mỗi cặp vợ chồng có trách nhiệm với nhau mà còn có trách nhiệm với thế hệ mai sau. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân hiện nay là một trong những việc cần phải làm cũng như trọng trách của mỗi người.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hương Chương cho biết: "Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bạn trẻ sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà vốn trước đó họ chưa có kinh nghiệm, cũng như được tư vấn để chuẩn bị mang thai, sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Đồng thời, dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn; tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục và những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản".
Bên cạnh đó, phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau. Chính vì những lợi ích nói trên, thời gian qua, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; cung cấp thông tin về tình hình bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể, bệnh bẩm sinh, nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng, chống bệnh.
Đề án "Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân" đến nay đã triển khai tại 34 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố và thành lập được 170 câu lạc bộ "Tiền hôn nhân" thu hút khoảng 9.000 nam, nữ thanh niên tham gia sinh hoạt. Cũng nhờ mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân mà các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS…
Trong thời gian tới ngành y tế - dân số tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác dân số trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về dân số nhằm giúp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức về chăm sóc và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Đề án "sàng lọc trước sinh và sơ sinh"
Từ năm 2010, tỉnh Quảng Trị triển khai thí điểm Đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh" bước đầu tại 50% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tham gia đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đào tạo nâng cao kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, Chi cục còn tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia đề án cho viên chức dân số xã và cộng tác viên dân số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và chị em phụ nữ đang mang thai về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án...
Kết quả cho thấy, bình quân hàng năm có gần 30% thai phụ được sàng lọc trước sinh; trên 25% trẻ sơ sinh được sàng lọc (sàng lọc trước sinh 14.654 ca, trong đó có 222 ca nguy cơ cao; sàng lọc sơ sinh 10.279 ca, trong đó có 241 ca nguy cơ cao). Đặc biệt, thông qua kỹ thuật sàng lọc, hàng trăm thai phụ và trẻ sơ sinh được phát hiện các nguy cơ về bệnh lý di truyền và được chẩn đoán, tư vấn đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 1999/QĐ-TTg, ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, góp phần nâng cao chất lượng dân số của địa phương, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em sinh ra bị bệnh bẩm sinh, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số của địa phương đến năm 2030. Phấn đấu, có 50% cặp, nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.
Tỉ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 35% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Tỉ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sơ sinh) ít nhất 5 loạt bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt 60% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030…