Doanh nghiệp tuyển dụng lại lao động sau giãn cách
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, người lao động đã và đang trở về các tỉnh. Điều này gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các tỉnh/ khu công nghiệp khi chúng ta từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ tháng 7 đến ngày 15/9 có khoảng 1,3 triệu người rời bỏ các đô thị lớn để tránh dịch, trong đó hơn 74% là người trong độ tuổi lao động. Tiếp đến, sau ngày 30/9, hơn 400 nghìn lao động tiếp tục trở về quê, chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các tỉnh miền tây, Tây Nguyên và ra phía bắc. Vì thế, việc bù đắp số lượng lớn lao động để ổn định sản xuất không thể giải quyết được trong “một sớm một chiều”.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, kể từ ngày 1/10, khi bắt đầu nới lỏng việc đi lại, số lượng lớn người lao động ngoài tỉnh đã rời Bình Dương về quê, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động làm việc trong các doanh nghiệp da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện,… Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý IV rất lớn để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết và đơn hàng mới. Nhằm ứng phó, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng xây dựng kế hoạch tiếp nhận công nhân lao động quay trở lại.
Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương luôn trong tư thế chủ động sẵn sàng đón người lao động trở lại làm việc. Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Quản Minh Cường nhấn mạnh: Nếu người lao động không thể tự quay lại thì các bên liên quan phải có kế hoạch tổ chức những “chuyến xe 0 đồng” đưa đón. Ngoài ra, tăng cường sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp trong thu hút lao động sớm trở lại khôi phục sản xuất.
Nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp trong thu hút lao động trở lại đã cho thấy kết quả bước đầu. Sau thời gian tránh dịch ở quê nhà, những ngày qua, đã có hàng chục nghìn người lao động quay trở lại các đô thị lớn để làm việc, chủ yếu từ khu vực Tây Nguyên.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, hiện tại đã có hơn 80% số doanh nghiệp tại 31 khu công nghiệp hoạt động trở lại. Trong số này, có hơn 54% số người lao động đã quay trở lại. Còn tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết: Sau khi thành phố bắt đầu mở cửa để phục hồi, đã có khoảng 143 nghìn công nhân các tỉnh quay lại địa bàn làm việc. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn đang thiếu gần 60 nghìn lao động trong các khu công nghệ cao.
Việc người lao động quay trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã phần nào giải "cơn khát" nhân lực cho nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục sản xuất.
Nhưng từ nay đến cuối năm 2021, khi tỷ lệ lao động đã tiêm vaccine ngày càng cao, dịch cơ bản ổn định, các doanh nghiệp sẽ tăng dần quy mô hoạt động và có kế hoạch tuyển lao động lớn. Dự kiến tình hình thiếu hụt lao động năm nay có thể xảy ra sau thời gian nghỉ Tết tương tự như mọi năm. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt lao động năm tới sẽ phức tạp hơn vì vừa có nguyên nhân là lao động về quê đón Tết chưa kịp lên, đồng thời có thêm nguyên nhân lao động về quê để tránh dịch.
Đảm bảo an sinh, an toàn cho người lao động chính là "chìa khóa" để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
Để khôi phục thị trường lao động, các địa phương cần phối hợp trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; tạo điều kiện để NLĐ quay trở lại làm việc. Mặt khác, địa phương cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các quy định của pháp luật lao động; hướng dẫn vay tiền để trả lương; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm mới cho tuyển dụng và sử dụng lao động.
Để NLĐ yên tâm trở lại làm việc, các địa phương cần có chính sách thu hút, hỗ trợ họ tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như: hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động chi phí đi lại, thuê nhà, y tế; các nhu yếu phẩm thiết yếu… Bộ LĐ-TBXH đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ trong các DN sử dụng nhiều lao động, trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của địa phương để sẵn sàng về y tế cho NLĐ khi tham gia thị trường lao động.
Theo các chuyên gia, nếu chế độ đãi ngộ là yếu tố hàng đầu để thu hút NLĐ quay trở lại làm việc thì bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 chính là "chìa khóa" để "giữ chân" NLĐ gắn bó lâu dài với DN.
Giám đốc điều hành Navigos Nguyễn Phương Mai cho rằng, DN cần nhận ra vai trò của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh. Dù ở trong giai đoạn chống dịch hay sau này, các DN cũng cần duy trì vai trò trong việc ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc. "Cơn bão" dịch bệnh đi qua, DN nên ưu tiên lên kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và kiểm soát dịch bệnh dành cho NLĐ. Khi đóng vai trò chủ động, DN có thể đưa ra các kịch bản ứng phó như làm việc từ xa, hỗ trợ nhân viên kịp thời, ưu tiên cho sự linh hoạt giờ giấc…
Ngoài lương thưởng thì phúc lợi cho NLĐ là rất quan trọng. Phúc lợi nên linh hoạt và đặt trọng tâm vào các chính sách phúc lợi cho NLĐ. Hiện NLĐ rất quan tâm đến sức khoẻ nên DN cần đầu tư vào vấn đề này.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.