Thành công này là kết quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa 2 bệnh viện lớn. TS.BS.Ngô Vi Hải - Chủ nhiệm Khoa ngoại lồng ngực - Bệnh viện TWQĐ 108 - phẫu thuật viên chính trong ca ghép phổi này, đã có những chia sẻ về sự phức tạp của kỹ thuật ghép phổi cũng như những đặc thù trong quá trình triển khai, phát triển kỹ thuật này.
PV: Có thể nói ca ghép phổi từ người cho chết não năm 2020, là ca ghép hai phổi từ người cho chết não thành công nhất tại Việt Nam cho đến nay. Xin ông cho biết đến nay tình hình sức khỏe của bệnh nhân thế nào?
TS.BS.Ngô Vi Hải: Đến nay bệnh nhân N.X.T. - người được ghép phổi từ người cho chết não do Bệnh viện TWQĐ 108 phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện, đã có thêm 3 năm sống khỏe mạnh. Bệnh nhân vẫn đang được Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, khám định kỳ. Hiện tại tổng trạng sức khỏe của bệnh nhân rất tốt, tăng cân, chức năng phổi hoạt động bình thường.
Trước khi ghép phổi, tiên lượng sống của bệnh nhân N.X.T. chỉ còn dưới 1 năm. Có thể nói, đạt được kết quả như hôm nay là thành công của sự phối hợp ăn ý giữa Bệnh viện TWQĐ 108 và Bệnh viện Phổi trung ương.
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật ghép phổi tại BVTW QĐ 108 và sau thời gian 1 tháng, khi sức khỏe tương đối ổn định đã được chuyển về Bệnh viện Phổi Trung ương theo dõi, điều trị sau mổ, quản lý khám định kỳ theo đúng qui trình tiêu chuẩn. Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả đó dẫn đến thành công, giúp cho bệnh nhân không chỉ kéo dài sự sống mà còn sống vui sống khỏe.
Đây cũng là trường hợp ghép phổi thành công toàn diện nhất. Trước đó chúng tôi đã tiến hành vài ca ghép phổi từ người cho chết não, nhưng thời gian sống của bệnh nhân sau ghép chỉ từ vài tháng đến dưới 1 năm.
Ghép phổi là một kỹ thuật khó, đặc thù
PV: Thành công này không chỉ mang lại hy vọng cho bệnh nhân mà còn mang lại bước tiến mới cho ngành ghép tạng Việt Nam. Vậy cho đến nay, kỹ thuật này được phát triển như thế nào, thưa ông?
TS.BS.Ngô Vi Hải: Kỹ thuật ghép phổi hiện tại vẫn đang được tiếp tục quan tâm và liên tục cố gắng triển khai. Tuy nhiên ghép phổi là một kỹ thuật có những khó khăn đặc thù so với ghép các tạng khác.
Không như gan hoặc thận, tạng ghép có thể lấy từ người cho sống, ghép phổi (cũng như ghép tim) chỉ lấy được từ người cho chết não. Tại Việt Nam, vấn đề hiến tạng còn đang gặp nhiều rào cản về quan niệm đạo đức, văn hóa. Vấn đề thiếu tạng là rào cản lớn để tiến hành kỹ thuật ghép tạng nói chung, mà ghép phổi còn khó khăn gấp nhiều lần.
Người hiến tạng đã ít, mà tỷ lệ lấy được phổi đạt tiêu chuẩn hiến lại rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 10% các trường hợp hiến tạng. Đơn cử một lý do, do phổi là một tạng mở, những bệnh nhân chết não hiến tạng đa số đã phải nằm hồi sức, thở máy từ vài ngày đến hàng tuần, thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Nếu chúng ta lấy lá phổi đã bị nhiễm trùng ghép cho người nhận, kể cả ca ghép thành công về kỹ thuật, sau khi ghép, bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, lúc này tình trạng nhiễm trùng bùng phát sẽ không kiểm soát được và ca ghép chắc chắn thất bại.
Ngoài ra tìm được phổi của người hiến phù hợp với người cần nhận (về kích thước, nhóm máu, hòa hợp miễn dịch…) lại là một rào cản tiếp theo, dẫn đến kể cả khi có được phổi đủ điều kiện nhưng không có người nhận phù hợp thì quá trình ghép phổi cũng không thực hiện được.
Đó là một vài trong số rất nhiều rào cản dẫn đến việc ghép phổi trong thời gian qua được thực hiện rất ít.
Cần phối hợp các chuyên khoa mạnh giữa các bệnh viện để thực hiện ghép phổi thành công
PV: Đến nay, các kỹ thuật ghép tạng khác như ghép gan, ghép thận… đã được chuyển giao và triển khai thường qui ở một số trung tâm lớn và kết quả thành công khá cao. Xin cho biết vì sao ghép phổi lại khó khăn hơn và tỉ lệ thành công không cao so với các ca ghép tạng khác?
TS.BS.Ngô Vi Hải: Như trên tôi đã nói, tỉ lệ ghép phổi còn rất thấp là do hiếm tạng và khó phù hợp giữa người hiến và người nhận. Các tạng khác, ví dụ như gan, thận có thể lấy từ người cho chết não hoặc lấy từ người cho còn sống, sẽ dễ tìm người hiến và cũng dễ tìm được người ghép phù hợp. Các trường hợp này có thể chủ động vì người hiến sống thường là người thân của người nhận.
Chỉ định ghép phổi chủ yếu với bệnh nhân mắc các bệnh như xơ phổi kẽ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) giai đoạn cuối. Những bệnh nhân này có tiên lượng sống trên dưới 1 năm nhưng cần toàn trạng không quá xấu, còn đủ cơ bắp để sau ghép có thể luyện tập phục hồi chức năng. Với những khó khăn như vậy, hầu hết bệnh nhân trong danh sách chờ ghép phổi không chờ được đến khi có người hiến phổi phù hợp.
Ghép tạng, nhất là ghép phổi là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: Ngoại khoa, nội khoa, gây mê, hồi sức, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Các chuyên khoa này phải có hạ tầng vật chất thật tốt và kỹ thuật cao, chuyên sâu và cần phối hợp rất chặt chẽ. Ví dụ cùng một bệnh viện có đủ cả ngoại khoa và nội khoa, nhưng ngoại khoa, gây mê, hồi sức không đủ mạnh cả về cơ sở hạ tầng, vật chất đến phẫu thuật viên thì sẽ không tiến hành ca phẫu thuật ghép tạng được.
Một phẫu thuật viên có thể ghép phổi, đòi hỏi vừa phải có kỹ năng về phẫu thuật tim, vừa có kỹ năng về phẫu thuật phổi cùng với hệ thống gây mê - hồi sức cũng phải có kinh nghiệm cả về gây mê hồi sức cho phẫu thuật tim và phổi. Để có một kíp thuần thục về ghép phổi thì kíp phẫu thuật đó phải được tích lũy kinh nghiệm qua nhiều ca mổ (trong y học chúng tôi gọi là "đường cong huấn luyện").
Như trên đã phân tích, để thực hiện 1 ca ghép phổi rất hiếm, nên nếu rải ra nhiều kíp, sẽ rất rất lâu mới có thể có một kíp thuần thục. Tương tự, để có thể sàng lọc, lựa chọn và điều trị cho bệnh nhân có đủ sức khỏe và đủ điều kiện thực hiện ca phẫu thuật cũng như chăm sóc, theo dõi hậu phẫu, phục hồi chức năng sau mổ, cũng như quản lý bệnh nhân sau mổ đúng bài bản, thì cần có hạ tầng nội khoa rất vững vàng, có trình độ rất cao, được đào tạo bài bản và có cọ sát thực tế nhiều. Thậm chí theo tôi, xây dựng hạ tầng nội khoa còn khó khăn, lâu dài và công phu hơn so với xây dựng hạ tầng ngoại khoa.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều: Ca phẫu thuật (bao gồm cả quá trình hồi sức sau mổ) chỉ là một bước trong rất nhiều bước nối tiếp nhau trong kỹ thuật ghép phổi. Các bước này đều quyết định sự thành bại của kỹ thuật, không thể nói bước nào quan trọng hơn bước nào. Kỹ thuật ghép phổi giống như dùng một sợi xích kéo một quả tạ nặng. Mỗi khâu là một mắt xích. Muốn kéo được quả tạ này đòi hỏi tất cả các mắt xích đều phải mạnh, chỉ cần một mắt xích yếu thì tạ sẽ rơi.
Theo tôi thấy, hiện tại ở Hà Nội chưa có bệnh viện nào có đủ tất cả các mắt xích mạnh để thực hiện cho một ca ghép phổi hoàn hảo. Vì thế thay vì mỗi bệnh viện là một sợi xích yếu thì mỗi bệnh viện nên đưa những mắt xích mạnh nhất của mình ra kết hợp lại thành một sợi xích mạnh. Cụ thể là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện có chuyên khoa sâu cần thiết, mới có thể thực hiện được một ca ghép phổi hoàn hảo.
Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân N.X.T. có thể nói là có điều kiện tổng thể lý tưởng. Người hiến là một nam thanh niên khỏe mạnh không may bị tai nạn giao thông chết não, đã hiến tạng và có một lá phổi rất tốt, phù hợp với người nhận là bệnh nhân N.X.T.
Tuy tiên lượng sống của bệnh nhân N.X.T. chỉ còn dưới 1 năm do tình trạng bệnh phổi khá nặng, nhưng tổng trạng sức khỏe không có các bệnh lý khác kèm theo, vẫn còn đủ cơ bắp đạt tiêu chuẩn để sau ghép thực hiện được các bài tập phục hồi chức năng.
Bệnh nhân đã được Bệnh viện Phổi Trung ương - nơi rất mạnh và có nhiều kinh nghiệm về nội khoa - khám, sàng lọc, điều trị tốt rồi mới lựa chọn để bệnh nhân được ghép phổi. Sau đó đưa sang Bệnh viện TWQĐ 108 - là nơi có thế mạnh về ngoại khoa thực hiện ghép tạng.
Sau ghép, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Phổi Trung ương để được đội ngũ bác sĩ có rất nhiều kinh nghiệm quản lý, theo dõi hậu phẫu, chăm sóc bệnh nhân và thiết lập quy trình phục hồi chức năng phù hợp. Vì thế kết quả thành công như chúng ta đã biết. Và nếu các bệnh nhân ghép phổi có tổng hòa các yếu tố tốt như bệnh nhân N.X.T. thì tỉ lệ ghép phổi thành công sẽ rất cao.
Đây là một thành công chung của 2 bệnh viện và là minh chứng cho sự hợp tác giữa các chuyên khoa sâu giữa các bệnh viện, trung tâm lớn để cho kết quả điều trị tốt nhất. Khi chúng ta có thể tận dụng các thế mạnh sẵn có này từ các bệnh viện khác nhau, theo tôi đây là một mô hình rất chuẩn và hiệu quả mà các nước phương Tây có nền y học hiện đại vẫn đang áp dụng.
PV: Việc chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân sau ghép phổi có phức tạp hơn so với các ca ghép tạng khác không, thưa ông?
TS.BS.Ngô Vi Hải: Đối với các ca ghép tạng như ghép gan, ghép thận, sau ghép bệnh nhân có thể thấy rõ tình trạng sức khỏe được cải thiện rõ rệt, nhưng với ghép phổi thì khác. Sau một ca mổ có thể gọi là đại-đại phẫu, thể trạng và sức đề kháng giảm nhiều. Việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau mổ phải giải quyết rất nhiều vấn đề cùng một lúc: Điều trị chống thải ghép, kiểm soát nhiễm khuẩn (rất khó khăn vì phổi là một tạng mở, trao đổi khí trực tiếp với môi trường), dinh dưỡng, kiểm soát các biến chứng sớm trên đường thở...
Việc phục hồi chức năng hô hấp là cực kỳ quan trọng và phải thực hiện rất sớm sau mổ. Quá trình này đòi hỏi các qui trình chuyên khoa chặt chẽ do các bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu thực hiện. Sự tập luyện chủ động của bệnh nhân như tập thở, tập ho, khạc... rất quan trọng. Nếu bệnh nhân không có đủ sức lực cơ bắp thì khó thực hiện được các bài tập phục hồi này. Trong khi hầu hết bệnh nhân phổi giai đoạn cuối thường có thể lực rất yếu nên khả năng phục hồi chức năng sau phẫu thuật càng gặp khó khăn hơn.
Về vấn đề dùng thuốc chống thải ghép thì cũng không khác biệt so với các ghép tạng khác. Nhưng trong ghép phổi có thể gặp biến chứng muộn, thải ghép muộn, vì thế bệnh nhân luôn cần được theo dõi, đánh giá chức năng phổi thường xuyên lâu dài. Trong đó bao gồm soi phế quản để theo dõi tình trạng viêm phế quản chít hẹp, thậm chí phải sinh thiết phổi để theo dõi thải ghép muộn để điều chỉnh thuốc chống thải ghép theo diễn biến. Vì thế quản lý bệnh nhân sau ghép phổi đòi hỏi đội ngũ chuyên môn nội khoa rất cao.
PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Mời độc giả xem thêm video:
6 biện pháp tại nhà khắc phục chứng trào ngược axit dạ dày vào buổi sáng