Chìa khóa của thành công: Yêu nghề, yêu người

18-08-2018 16:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt - Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam năm nay 74 tuổi.

Gần đây, ông bị cơn tai biến não nhẹ, tiếp đến, khớp gối sưng đau nhức phải đi viện điều trị... Trong lúc nằm viện lại có dịp suy ngẫm về cuộc đời đã qua, với ông, chìa khóa để thành công bao giờ cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nghề, yêu người.

Yêu nghề, yêu người và...

Ông kể với tôi, năm 1970 tốt nghiệp đại học, được phân về trường công nhân kỹ thuật chế biến gỗ của Tổng cục Lâm nghiệp đóng ở một làng ven sông Đuống thuộc huyện ngoại thành Đông Anh (Hà Nội). Một trường nghề nhỏ nhoi, có thể bị gạch tên bất cứ lúc nào. Quả nhiên giữa năm 1977, trường có quyết định giải thể, sau đó có lẽ cấp trên “thương tình” rút lại quyết định nhưng yêu cầu trường phải tự tìm một địa điểm mới xa Hà Nội. Đến đầu năm 1978, địa điểm mới đã tìm được, đó là một khu trường cấp hai hoang phế ở vùng ven thị xã Phủ Lý (Hà Nam). Tuổi trẻ, sẵn bầu nhiệt huyết, ông xung phong đảm nhận việc “hóc” nhất là xây dựng những cơ sở vật chất đầu tiên cho trường.

Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt (bên trái) trao tặng phẩm của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc nhân 85 năm ngày truyền thống của Mặt trận (18/11/2015).

Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt (bên trái) trao tặng phẩm của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc nhân 85 năm ngày truyền thống của Mặt trận (18/11/2015).

Ngày đó, ông đã đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng, một buổi tối đi họp về thấy ở phòng làm việc của mình có một người đang quỳ, mặt cúi gằm, nhìn ra là T. Cậu học trò này đã bị cảnh cáo về tội mấy lần gây gổ, đánh bạn và ngày mai họp hội đồng kỷ luật, chắc chắn T. sẽ bị đuổi học. Thấy ông vào, T. ngửng lên nói: Em lậy thầy tha tội cho em! Ông yêu cầu T. đứng dậy. T. rơm rớm nước mắt van xin: Em biết tội em đáng bị đuổi, nhưng thầy ơi, mẹ em mất rồi, bố đi lấy vợ hai, em bị đuổi thì mất nghề, lấy gì mà sống. Ông suy nghĩ giây lát,  nói: Tôi có thể tha thứ cho em một lần này nữa, mong là em đừng phụ lòng tốt của các thầy cô và đừng làm vong linh mẹ dưới suối vàng xấu hổ, em có hiểu không? Rồi ông bàn với Ban giám hiệu đề ra mức kỷ luật với T. là “đuổi lưu”. Thử thách trong suốt khóa học, nếu lại tái phạm thì sẽ “đuổi thẳng”. Tốt nghiệp, T. đạt điểm giỏi cả lý thuyết và thực hành, tuy nhiên, hạnh kiểm chỉ loại trung bình. Sau này, T. đã trở thành một thợ đầu đàn của một cơ sở chế biến gỗ ở Tây Nguyên.

Ở Trường Công nhân kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương hôm nay ai cũng biết câu chuyện về cách đối xử của thầy hiệu trưởng với thầy Phạm Đức Hồng - Chủ nhiệm Khoa Chạm khắc gỗ. Về trường một thời gian, thầy Hồng bị phát hiện có khối u ác ở màng treo ruột non. Bệnh thập tử nhất sinh, lại điều trị rất tốn kém. Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt bàn thống nhất trong Ban giám hiệu vận dụng chế độ và kinh phí từ quỹ cơ quan để hỗ trợ thầy Hồng chữa bệnh theo phương châm “còn nước còn tát”. Thế rồi một điều kỳ diệu đã đến, trong khi nhiều người bị ung thư giai đoạn cuối như thầy Hồng đều đã ra đi thì sau nhiều đợt Bệnh viện K truyền hóa chất và tiêm các loại đặc dược, thầy đã khỏe, tóc mọc lại và tăng cân dần. Và từ hơn 10 năm nay, thầy đã trở về với công việc như trước khi bị ốm. Nhưng thầy Hồng thoát khỏi lưỡi hái Thần Chết thì thầy Đạt lại gặp rắc rối vì tài vụ cấp trên cho rằng đã quá lạm dụng quỹ phúc lợi dành cho một người. Cuối cùng thì thầy hiệu trưởng cũng đã thuyết phục được cấp trên chấp nhận việc chị ấy vì tinh thần yêu thương đồng đội và trọng đãi người tài...

Nghề chế biến gỗ vốn không phải là nghề “hot”, yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài đặt ra là trường phải làm sao mỗi khóa chiêu sinh được đủ số người học và có đầu ra. Ngay từ đầu, Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt cùng ban giám hiệu siết chặt kỷ luật, nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài các chuyên ngành đào tạo quen thuộc như: mộc máy, ván nhân tạo, sửa chữa công cụ cắt gọt..., từ năm 1985, ông khởi xướng một nghề mới mà lúc đó chưa trường nào đào tạo là điêu khắc gỗ và khảm trai. Rồi chính ông đã lặn lội đến các làng nghề, các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ để tìm thợ giỏi đưa về dạy nghề. Chỉ một thời gian ngắn, trường đã chiêu mộ được những người chạm khắc gỗ, khảm trai có tay nghề cao, tâm huyết với thế hệ trẻ như các thầy: Đinh Ngọc Bách, Phạm Đức Hồng, Nguyễn Xuân Hợp... Nếu như năm đầu, ở địa điểm mới, trường chỉ chiêu sinh được khoảng 150-200 học sinh. Do có ngành nghề mới, cách đào tạo bài bản, quy củ mà hàng năm, số lượng chiêu sinh tăng từ 1.400 - 1.500 người và học sinh ra trường đều có việc làm, thu nhập ổn định. Chất lượng đào tạo còn được thể hiện trong các kỳ thi giữa các trường dạy nghề trong nước và quốc tế. Kỳ thi nào học sinh của trường cũng có giải nhất cá nhân và toàn đoàn, đứng đầu ngành lâm nghiệp; từ năm2001-2006, thi tay nghề trong khối ASEAN, trường đoạt 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc - thành tích mà không trường nghề nào có được. Từ một trường dạy nghề nhỏ, ít người biết, chỉ sau vài khóa đào tạo, Trường Công nhân kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương của Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt đã xây dựng được thương hiệu đào tạo nổi trội. Thầy hiệu trưởng còn có khả năng hát hay, đàn giỏi. Trường của thầy bao giờ cũng là trường “đình đám” nhất trong các kỳ hội diễn toàn ngành. Với những cống hiến không biết mệt mỏi, năm 1994, Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, hai lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ và năm 2000 được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc thời kỳ đổi mới, được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba.

Nhà giáo Trịnh Quốc Đạt và tác giả bên Hồ Tây, Hà Nội.

Nhà giáo Trịnh Quốc Đạt và tác giả bên Hồ Tây, Hà Nội.

...Vượt qua bệnh tật

Năm 2006, nghỉ hưu, ông được mời tham gia ngay Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trên cương vị phó chủ tịch phụ trách đào tạo. Nếu như ngày trước ông chỉ có đôi lần ốm, vẫn gắng gượng làm việc, tự chữa và không phải đi viện thì nay tuổi già đã làm ông nhiều phen lao đao như mỡ máu cao, huyết áp tăng, xương cốt có phần “dơ dão”, rồi còn bị đau ruột thừa cấp... Ông vào bệnh viện điều trị, khi ra viện đều làm đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ông bỏ hẳn những thói quen ngày trước như uống nhiều bia rượu, thức khuya và có chế độ luyện tập hàng ngày đều đặn. Bởi vậy, trong vòng 10 năm sau khi nghỉ hưu, ông vẫn làm việc có hiệu suất cao, đã biên soạn được nhiều chương trình khung, các giáo trình dạy nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề...Ông còn tham gia soạn ngân hàng đề thi cho các nghề quen thuộc hồi còn giảng dạy tại trường cũ như: mộc mỹ nghệ, kỹ thuật sơn mài khảm trai, đúc dát đồng mỹ nghệ, mây tre đan. Mới đây, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam họp Đại hội lần thứ tư, bầu ra ban chấp hành mới, ông lại tái đắc cử phó chủ tịch nhiệm kỳ mới đến 2023... Có câu chuyện hồi ông còn đương chức. Một hôm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn (sau lên Phó Thủ tướng Chính phủ) đến thăm trường. Bộ trưởng hài lòng trước chất lượng dạy và học cùng nề nếp sinh hoạt quy củ, lúc ra về đã nắm tay Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt nói: Thầy là người tử vì đạo!

Giờ ngẫm lại câu khen của vị Bộ trưởng đã quá cố, tôi thấy rất chí lí. Bao năm qua, Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt đã luôn biết vượt qua mọi gian nan thử thách, rồi phải đấu tranh với bệnh tật, tuổi già hôm nay. Và đúng như ông nói, chìa khóa của mọi thành công ở những việc “tử vì đạo” - đó là tình yêu nghề, yêu người!


Phạm Quang
Ý kiến của bạn