Hệ miễn dịch luôn làm việc để bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể chống lại các yếu tố có hại từ bên ngoài như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, hệ thống này phản ứng sai lệch cũng có thể gây ra các phản ứng miễn dịch với những chất được cho là nguy hiểm. Hiện tượng dị ứng có thể xảy ra ở nhiều cơ quan như: mắt, mũi, da…
Dị ứng mắt là chứng bệnh thường gặp. Dị ứng mắt do gặp phải một phản ứng miễn dịch bất lợi với một dị nguyên nhất định. Hầu hết các phản ứng được kích hoạt bởi chất gây dị ứng có trong môi trường sống như phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, lông thú…Do phần bề ngoài của mắt luôn ẩm nên khả năng bám dính và kích ứng của các kích thích và dị nguyên sẽ tăng lên. Dị nguyên cũng có thể nhanh chóng bị rửa trôi nhưng chỉ một thời gian ngắn, chúng lại là nguyên nhân gây ra các biểu hiện dị ứng mắt.
Dị ứng mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, bệnh đặc biệt phổ biến vào mùa xuân, hè và thu khi cây, cỏ và hoa lá nở rộ. Phản ứng dị ứng mắt thường xảy ra với những người nhạy cảm tiếp xúc với dị nguyên. Dị ứng thức ăn cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng ở mắt.
Mắt đỏ, chảy nước mắt, gỉ xung quanh mắt, mí mắt sưng tấy... là những triệu chứng điển hình của dị ứng mắt.
Triệu chứng thường gặp khi dị ứng mắt
Dị ứng mắt có triệu chứng khá rõ ràng so với các bệnh khác về mắt. Những triệu chứng phổ biến như mắt ngứa hoặc bỏng rát, chảy nước mắt, mắt đỏ, gỉ xung quanh mắt, mí mắt sưng tấy hoặc sưng húp…
Tình trạng này có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt. Trong một số trường hợp, các triệu chứng này có thể kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi. Vì thế, khi gặp các triệu chứng trên, hãy nghĩ ngay đến bệnh dị ứng mắt để tham khảo ý kiến của bác sĩ, giúp việc điều trị kịp thời và hiệu quả.
Tránh các dị nguyên là chìa khóa để chữa trị dị ứng mắt
Chìa khóa để điều trị dị ứng mắt là tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với các chất gây ra vấn đề. Nhưng bạn cần phải biết tránh những gì. Nếu cần thiết, bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể thực hiện kiểm tra trên da hoặc xét nghiệm máu để giúp xác định các chất gây dị ứng cụ thể.
Nếu phấn hoa là một chất gây dị ứng cho bạn, tránh đi ra ngoài càng nhiều càng tốt khi lượng phấn hoa là cao nhất (thường vào giữa buổi sáng và buổi tối) và khi gió thổi phấn hoa xung quanh. Khi bạn đang ở ngoài trời, kính mát hoặc kính đeo mắt có thể giúp ngăn ngừa phấn hoa vào mắt của bạn.
Nếu nấm gây ra dị ứng cho bạn, xác định rằng độ ẩm cao có thể gây ra nấm mốc phát triển. Nên giữ độ ẩm trong nhà của bạn khoảng 30 - 50 %. Làm sạch các khu vực có độ ẩm cao như tầng hầm, phòng tắm và nhà bếp thường xuyên, xem xét sử dụng một máy hút ẩm ở những nơi đặc biệt ẩm thấp hoặc ẩm ướt (như tầng hầm).
Nếu bụi ở nhà gây ra dị ứng cho bạn, hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc với bụi, đặc biệt là bụi trong nhà.
Nếu vật nuôi là một nguồn gây dị ứng cho bạn, cố gắng không tiếp xúc với chúng. Hãy xem xét sàn nhà bằng gỗ cứng hoặc gạch lát nền thay vì thảm, để ngăn chặn lông vật nuôi. Luôn luôn rửa tay sau khi chạm vào một vật nuôi và giặt quần áo đã được tiếp xúc với vật nuôi. Cuối cùng, luôn luôn tránh dụi mắt, vì chỉ kích thích chúng hơn.
Để điều trị dị ứng mắt hiệu quả, khi gặp biểu hiện dị ứng thì nên đi khám để chữa trị kịp thời, đúng cách, không tự ý nhỏ bất cứ thứ gì lên mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bởi sẽ dễ gây nguy hiểm cho mắt.