(Nguyễn Thế Thịnh - TP.HCM)
Hoại tử xương là tình trạng chết của các tế bào xương xảy ra ở phần mỡ tủy xương và phần mô khoáng xương. Khi nói đến hoại tử xương, các nhà chuyên môn hiểu là hoại tử vô khuẩn tức không do nhiễm trùng, đôi khi gọi là hoại tử vô mạch. Đây là một tình trạng hay xảy ra ở khớp háng, khớp vai, khớp gối.
Thực tế lâm sàng hay gặp nhất là hoại tử chỏm xương đùi vô mạch gây ra sự tàn phế nếu không được thay khớp nhân tạo. Bệnh này thường xảy ra ở nam giới tuổi dưới 50, vì thế nó trở thành nổi ám ảnh của nam trung niên.
Các chuyên gia xương khớp chia tổn thương hoại tử chỏm xương đùi vô mạch thành 7 giai đoạn (giai đoạn 0 đến 6, giai đoạn 0: chưa có triệu chứng và chưa phát hiện ra trừ sinh thiết xương).
Việc phân chia này nhằm đưa ra phát đồ điều trị phù hợp, đối với giai đoạn 1 và 2: không cần thiết phải phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo mà chỉ cần điều trị bảo tồn. Nếu phát hiện tổn thương ở giai đoạn này có thể điều trị bảo tồn thành công đến 80%, có thể chỉ cần khoan giảm áp lõi chỏm để tăng tưới máu cho vùng thiếu máu.
Bệnh nhân sẽ được khuyên không mang nặng gây áp lực lên khớp, cần thiết có thể mang nạng (trong 4 - 8 tuần), dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc giãn mạch, thuốc tăng tạo xương, bỏ rượu và điều trị các bệnh kèm theo.
Khi bệnh ở giai đoạn 3 trở lên, xem xét đến phẫu thuật thay khớp háng, hiện nay có thể thay khớp háng một phần hoặc toàn phần tùy vào mức độ tổn thương.
Theo các chuyên gia xương khớp giải pháp phòng ngừa tối ưu nhất đối với nam trung niên Việt Nam là hạn chế uống rượu và không uống thường xuyên.Khi có yếu tố nguy cơ cao mà bị đau vùng khớp háng (đôi khi là đau vùng thắt lưng), phải đi khám bệnh sớm nhằm được chẩn đoán và ngăn chặn bệnh tiến triển.