Lebohang Monyats - nữ người mẫu châu Phi trên xe lăn đầu tiên
Lebohang, nữ người mẫu châu Phi trên xe lăn đầu tiên
Lebohang khi 3 tuổi đã được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Heine-Medin (bại liệt do virut). Phần lớn cuộc đời Lebohang sống trên xe lăn và không coi xe lăn là rào cản, thậm chí cả trong trường hợp di chuyển trên địa hình phức tạp đòi hỏi sự giúp đỡ của người khác.
“Đó là vấn đề không phải của riêng tôi. Tại Cộng hòa Nam Phi và nhìn chung ở các quốc gia châu Phi, cộng đồng người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Khá nhiều người khuyết tật phần lớn thời gian buộc phải chấp nhận cuộc sống quanh quẩn trong nhà”, Lebohang phát biểu.
Tuy nhiên, khác số đông, Lebohang không muốn thỏa hiệp với tình trạng cản trở người khuyết tật nỗ lực hiện thực hóa sở thích của bản thân.
“Tôi khát khao trở thành người mẫu. Đó là ý tưởng không thể chấp nhận trong cộng đồng người khuyết tật. Tôi đã bẻ gẫy khuôn mẫu ấy”, chị Lebohang nhớ lại.
Suốt thời gian dài cho dù đã có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo người mẫu, chị không thể tìm công việc ở bất cứ doanh nghiệp nào. Tất cả đều từ chối với lý do: “Không có nhu cầu sử dụng người mẫu trên xe lăn”.
Tuy nhiên, mọi khó khăn đều không thể làm nản lòng Lebohang “cứng đầu”. Chị liên tiếp gọi điện thoại, gửi portfolio (hồ sơ năng lực), tự giới thiệu như người mẫu trên xe lăn và tranh đấu để ai đó tin vào chị.
Cùng thời gian, nỗ lực kiên trì tranh đấu của Lebohang khiến thái độ thiếu thiện chí và mặc cảm của lãnh đạo một vài công ty người mẫu suy giảm dần. Nữ người mẫu trên xe lăn xuất hiện tại những màn trình diễn thời trang đầu tiên và cùng với sự kiện là... cảm giác sốc của không ít vị khách mời. Tuy nhiên, sau mỗi chương trình, lòng tự tin của nữ người mẫu lớn lên từ tỉnh lẻ lại tăng lên.
“Tôi yêu nghề người mẫu. Từ lâu nó đã là sở thích của tôi. Tôi tin rằng nhờ hành nghề người mẫu, tôi có thể thực hiện những mục tiêu khác”, nữ người mẫu trên xe lăn châu Phi đầu tiên chia sẻ.
Đã tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học, cử nhân Lebohang tiếp tục học đại học kinh tế và đang làm việc với tư cách chuyên gia tuyển dụng nhân lực thuộc công ty quốc tế lớn. Thêm nữa, Lebohang còn là thành viên Tuyển bóng rổ trên xe lăn Cộng hòa Nam Phi.
Tuy nhiên, sở thích lớn nhất của chị là đấu tranh để có cái nhìn thay đổi với người khuyết tật tại Lục địa Đen. Lebohang tích cực tham gia hàng loạt dự án hỗ trợ người sử dụng xe lăn tiếp cận không gian đô thị và tuyên truyền, cổ động đồng loại cùng hoàn cảnh không đầu hàng cuộc sống.
“Tôi đấu tranh để châu Phi thay đổi, dành cho tôi và cộng đồng người khuyết tật. Tôi mong muốn tất cả đều có thể thực hiện ước mơ của mình, không phụ thuộc vào thực tế họ ngồi trên xe lăn, hay không”, Lebohang bày tỏ.
Tham gia cuộc thi Miss Wheelchair World 2017 (Hoa hậu trên Xe lăn Thế giới 2017) tổ chức đầu tháng 10/2017 tại Warszawa (Ba Lan), Lebohang Monyatsi đã đăng quang danh hiệu Á hậu 1.
Mirande Bakker - thợ kiêm nữ chủ nhân salon tóc Hà Lan
Mirande, thợ kiêm nữ chủ nhân salon tóc Hà Lan.
“Lúc nào tôi cũng bận tối mặt tối mũi. Tôi làm việc tối thiểu 70 giờ/tuần. Nhiều lúc người mệt lả”, thợ kiêm bà chủ salon tóc Hà Lan, Mirande bộc bạch.
3 năm trước, chị phải gõ cửa bệnh viện vì chứng đau dây thần kinh hành hạ đứng ngồi không yên. Chị đã uống cả nắm thuốc giảm đau nhưng vô hiệu.
“Tôi có linh cảm tình trạng đau chân của tôi là hiện tượng không bình thường nhưng tôi không thể thuyết phục bác sĩ tin điều đó”, Mirande nhớ lại.
Cơn đau mỗi lúc càng dữ dội, việc đi lại của chị bắt đầu khó khăn, song câu trả lời của bác sĩ điều trị chỉ là tân dược giảm đau dòng mạnh hơn, chỉ định uống liều cao hơn.
“Tôi thức dậy sáng sớm. Đó là ngày 30/5/2014. Tôi vẫn còn nhớ ngày định mệnh. Tôi không thể đứng dậy khỏi giường ngủ. Mất cảm giác cả 2 chân. Tôi hoảng hốt gọi xe cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán: hội chứng đuôi ngựa (bệnh ngoại thần kinh phức tạp). Cần phải nhanh chóng phẫu thuật”, Mirande kể tiếp.
Ngay ngày hôm ấy, nữ chủ nhân salon tóc trẻ tuổi không may gặp nạn được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, thay vì phẫu thuật khẩn cấp, Mirande bị trả về nhà với đơn thuốc tiếp theo cùng lời khuyên: “Không nghĩ ra bệnh tưởng” (?!).
10 ngày sau, thiếu nữ xấu số được gia đình đưa đến bệnh viện khác. Bệnh đã tiến triển giai đoạn cuối, không còn cơ may chữa trị. Tổn thất thần kinh đã trở thành vĩnh viễn.
Mirande bị liệt cả hai chân, song chị vẫn còn khát vọng sống và lao động. Thiếu nữ can đảm tận dụng khát vọng sống để vạch rõ sai lầm của bác sĩ vì lý do hạn chế về chuyên môn, hoặc thiếu ý thức trách nhiệm đã gây nên tai họa cho chị, đồng thời cũng tận dụng nó để tiếp tục hành nghề của mình.
“Salon tóc của tôi đòi hỏi trang thiết bị mới”, chị Mirande tường thuật. “Không thể đứng trên đôi chân của mình như những ngày còn khỏe mạnh, vậy nên tôi đặt thợ đóng cho tôi chiếc ghế đặc biệt để tôi có thể ngồi và di chuyển dễ dàng quanh ghế khách hàng, đồng thời có thể điều chỉnh độ cao theo ý muốn”.
Chiếc ghế “đặc chủng” không thể giải quyết ngay phiền toái của thợ làm đầu liệt cả 2 chân. Mirande không thể ngồi hành nghề trên chiếc ghế. Chị tập nhiều giờ với sự trợ giúp của chuyên gia phục hồi chức năng. Chị cười thật tươi khi đã có thể ngồi yên trên ghế trong 1 phút, sau đó kéo dài thêm 2 phút, cho đến cuối cùng Mirande có thể ngồi đủ lâu để làm xong mái tóc cho khách hàng.
“Những khách hàng mới không tin tôi có thể làm việc bình thường”, chị thừa nhận. “Họ chất vấn tôi định làm gì với mái tóc của họ. Tôi nhẫn nại kể cho họ nghe về câu chuyện của tôi. Nhờ thế, họ biết tôi đã nỗ lực thế nào để quay lại salon. Vậy nên họ sẵn sàng cho tôi cơ hội, lần sau họ lại tìm tôi và tất cả đều hài lòng với mái tóc mới”.
Sự trở lại salon tóc là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời chị. Khi đã đạt được nó, chị khao khát cái gì đó nhiều hơn. Mirande đã trở thành đại sứ Quỹ Hoa hậu Người khuyết tật Hà Lan và đang tích cực chuẩn bị chương trình truyền hình của chính mình. Tất cả nhằm mục đích khuyến khích những người cùng cảnh ngộ tích cực tham gia các hoạt động nghề nghiệp và xã hội.
“Bằng hành động thực tế, tôi muốn chứng tỏ khuyết tật không phải chấm hết cuộc đời”, Mirande nhấn mạnh. “Tôi muốn nói với chị em cùng hoàn cảnh rằng họ có trong người nguồn sức mạnh lớn hơn họ nghĩ và hoàn toàn có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình trên xe lăn”.
Beata Jalocha: Tai nạn không thể thay đổi cuộc đời tôi
Beata đã tham gia khóa học lái tầu lượn, khóa học nhảy dù và kỹ năng hùng biện.
Ngày thứ bảy đen tối 18/5/2013, Beata làm việc căng thẳng. Trong lịch hẹn của mình, chị có vài bệnh nhân. Beata đã chậm 30 phút so với giờ hẹn đến nhà một trong số đó bởi chị phải sạc điện cho chiếc điện thoại bất ngờ bị hết pin. Chị bước chân ra khỏi xe hơi, đi được vài bước và sau đó giây lát đã bất tỉnh, được người qua đường gọi xe cứu thương đến bệnh viện.
Vài ngày sau, khi đã ra khỏi tình trạng hôn mê, Beata có thể đọc chi tiết mô tả tai nạn của mình qua các bài báo. Đúng kiểu tai nạn từ trên trời rơi xuống, một bé trai nhảy từ cửa sổ tầng 7 chung cư cao tầng rơi thẳng vào người Beata khiến chị bị ngã xuống đường và gãy cột sống. Bé trai tử vong tại chỗ. Beata trở thành khuyết tật (liệt 2 chân) đến ngày hôm nay.
“Từng là bác sĩ vật lý trị liệu, vậy nên tôi biết chuyện gì chờ đợi tôi”, Beata dẫn giải. “Đối với tôi, biến cố bất ngờ giống như cú va đập trực diện vào bức tường bê tông.
Trước tai nạn, vật lý trị liệu là cả thế giới của Beata. Chị hành nghề với đam mê lớn. Chị tham gia nhiều khóa học hoàn thiện tay nghề với không ít dự định cho tương lai. Hôm nay, chị vẫn coi mình là bác sĩ vật lý trị liệu. Thực tế không thể hành nghề đối với chị thật khó chấp nhận.
“Tôi coi mình là bác sĩ vật lý trị liệu”, Beata nhấn mạnh. “Tôi vẫn đánh giá mọi người với nhãn quan chuyên gia phục hồi thể chất. Đó là cuộc sống của tôi và tôi hoàn toàn không muốn thay đổi. Tiếc rằng bác sĩ tâm lý trị liệu bắt buộc phải là cá thể hoàn toàn khỏe mạnh, trong khi tôi là người khuyết tật. Thực tế cả hai chân đều bị liệt đã triệt tiêu mong muốn hành nghề của tôi”.
Beata quyết định chuyển sang công việc văn phòng và tiếp tục tìm kiếm chỗ đứng của mình trong xã hội. Chị đang thử sức công việc mới. Người phụ nữ ham hành động đã tham gia khóa học lái tàu lượn, khóa học nhảy dù và kỹ năng hùng biện, song vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Tôi bị thiếu sự thoải mái trong hoạt động thường nhật”, Beata tâm sự. “Một khi hai chân bị liệt, sinh hoạt cá nhân lập tức bị đảo lộn. Từng là phụ nữ rất năng động, giờ đây, tôi phải chia mọi dự định của mình thành từng gói nhỏ.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, tôi không từ bỏ ước mơ của mình. Tai nạn không thể thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vẫn là Beata y hệt trước tai nạn”, cựu bác sĩ vật lý trị liệu năng động tự tin tuyên bố.