Sau khi được phát hiện mắc ung thư vú và cắt bỏ bầu vú năm 2011, bệnh tình của chị Victoria Liggatt, 42 tuổi, người Anh bắt đầu tái phát, nhưng sau 5 lần đi khám bác sĩ vẫn không tiên lượng thấy dấu hiệu xấu, hậu quả khi biết bệnh thì đã quá muộn, bệnh nhân qua đời đầu tháng 2/2014 vừa qua.
Di căn toàn thân nhưng bác sĩ vẫn kết luận 'OK'
Bệnh tình của chị Victoria Liggatt bắt đầu xấu đi kể từ tháng 8/2013 khi xuất hiện cơn ho dai dẳng nhưng cả 5 lần đi khám tại cơ sở chữa bệnh Holywell Madical Group (HMG), phố Stubbing, Chesterfield đều không phát hiện được dấu hiệu di căn và chỉ đến khi đi khám lại tại cơ sở y tế A&E cuối tháng Giêng 2014 thì mới phát hiện ra bệnh, và lúc này đã quá muộn nên bệnh nhân đã qua đời sau đó 1 tuần.
Theo ông bà Clive và Jean Wholey, bố mẹ của nạn nhân thì con gái họ có thể còn sống nếu như các bác sĩ HMG phát hiện sớm ra dấu hiệu di căn. Đáng tiếc, cơ sở này vẫn khẳng định bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không khuyến cáo đi khám MRI (chụp cộng hưởng từ), mặc dù bệnh nhân ho rất nặng, kèm theo khó thở. Cũng theo ông Wholey, 72 tuổi thì gia đình ông rất đau buồn và thất vọng vì cách làm tắc trách của HMG và đang có kế hoạch phát đơn kiện HMG. Ngoài gửi đơn lên HMG, gia đình ông Wholey còn gửi đơn lên NHS England Derbyshire and Nottinghamshire (Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh vùng Derbyshire và Nottinghamshire) yêu cầu làm rõ vụ này. Theo đơn khiếu nại, gia đình nạn nhân đã 5 lần đưa người bệnh đến khám vào các thời điểm khác nhau nhưng bác sĩ ở HMG đều kết luận là bình thường, bệnh nhân cũng được chỉ định làm xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác nhưng kết luận người bệnh vẫn là bình thường, không bị di căn ung thư.
Ông Wholey buồn bã cho biết "tôi đã già, lại không phải là bác sĩ, nhưng con gái tôi bị ung thư vú, cắt bỏ bầu vú từ năm 2011, nhưng đáng tiếc các bác sĩ ở HMG lại khẳng định không bị ung thư, nếu chẩn đoán đúng bệnh và can thiệp kịp thời thì chắc giờ con tôi vẫn sống". Ông Wholey cho biết thêm:..."thậm chí không một ai trong số những bác sĩ ở đây khuyến cáo con tôi đi chụp MRI, vì vậy gia đình chúng tôi không còn biết tin ai và vô cùng thất vọng, trong khi đó ở đây họ luôn luôn tuyên truyền là cơ sở khám chữa bệnh tốt nhất, tin tưởng nhất".
Kiên nhẫn chờ đợi, đến tháng 8/2013 do bệnh tình quá nặng gia đình đã quyết định đưa chị Victoria Liggatt đến khám tại cơ sở chữa bệnh ở Staveley & Inkersall nhưng lúc này đã quá muộn, ung thư đã di căn sang phổi và tim. Đến tháng Giêng 2014, các bác sĩ ở trung tâm y tế A&E thuộc Bệnh viện Hoàng gia Chesterfield tiến hành chụp MRI và phát hiện thấy ung thư đã di căn toàn thân, bệnh nhân đã qua đời 3 tuần sau đó, đám tang diễn ra ngày 5/2/2014 vừa qua.
Cái chết của chị Victoria là tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự thiếu trách nhiệm của các bác sĩ ở HMG nhưng xa hơn nó còn là hồi chuông về sự non kém tay nghề của các bác sĩ ở đây. Ra đi ở tuổi 42, chị Victoria Liggatt đã để lại đứa con còn nhỏ, cùng cha mẹ già không người nương tựa.
Bài học cần phải nhìn thẳng vào sự thật
Theo các chuyên gia ở Cao đẳng Hoàng gia Anh (RC) thì một trong những nguyên nhân làm cho "tai biến y khoa" gia tăng là tình trạng quá tải. Ngay tại HMG, với 8 bác sĩ nhưng đã phải khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân, trung bình mỗi bác sĩ khám và điều trị trên 3.000 người, gấp đôi con số khuyến cáo điều trị của RC. Trong khi gia đình ông Wholey phát đơn kiện thì chính người phát ngôn của HMG cũng khẳng định những gì họ làm là đúng, hứa sẽ cho điều tra nhưng phải chờ đến khi có kết quả cụ thể. Ngoài ra, HMG hứa sẽ tiếp tục cải tiến dịch vụ để mang lại những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, hạn chế thấp nhất những tai biến có thể xảy ra.
Liên quan đến việc chẩn đoán nhầm đối với căn bệnh ung thư vú, luật sư Levy Konisberg người chuyên phụ trách mảng tác nghiệp nhầm trong lĩnh vực ung thư tại New York và New Jersey ở Mỹ cho biết, nhiều người có quan niệm cho rằng chẩn đoán sai ung thư là do lỗi của bác sĩ nhưng họ không biết rằng trong đó còn có lỗi của việc khám muộn, hoặc lỗi của kỹ thuật chụp nhũ ảnh (Mammography) và đây cũng là những lý do dẫn đến những vụ kiện không có hồi kết. Hiện nay, có 3 dạng kỹ thuật ghi hình vú là kỹ thuật chụp nhũ ảnh, siêu âm và MRI nhưng dấu hiệu bất thường trong các phim này lại bị đọc sai hoặc không chính xác. Riêng MRI là kỹ thuật không xâm lấn, có thể hiển thị khá chi tiết những gì bên trong bầu vú mà không cần phải phẫu thuật. Kỹ thuật này tạo ra hàng trăm bức ảnh lồng ngực theo các tiết diện ngang, 3 chiều (cạnh- cạnh; trên- xuống, trước- sau) nên việc đọc phim thuận lợi hơn, tuy nhiên trong trường hợp đọc phim MRI nhầm có thể được xem là sơ suất chứ không phải trình độ non kém. Vì vậy kỹ thuật MRI được xem là kỹ thuật tốt nhất để phát hiện ra khối u ung thư vú.
Do tính chất phức tạp của việc đọc kết quả hình ảnh vú nên Cao đẳng y khoa X- quang Mỹ (ACR) đã ban hành hệ thống phân loại báo cáo kết quả chụp quang tuyến vú và kết quả siêu âm có tên là hệ thống BIRAD ((Breast Imaging Reporting and Data System). Hệ thống này ra đời nhằm giảm thiểu các sự cố trong kỹ thuật chụp nhũ ảnh (đọc sai hoặc sơ suất). Hệ thống BIRAD bao gồm 5 thang độ, cao nhất thể hiện mức độ mắc bệnh lớn nhất. Áp dụng hệ thống BIRAD giúp giảm thiểu những thiếu sót khi đọc phim và làm tăng kết quả tiên lượng.
Với những kỹ thuật mới nhất trong kỹ thuật ghi hình nếu quan tâm đến bệnh nhân, giới thiệu bệnh nhân đi chụp kỹ thuật MRI sớm chắc chắn tình hình sẽ khác đi, và ở đây bệnh nhân Victoria Liggatt có thể vẫn còn sống, đáng tiếc việc này đã bị các bác sĩ ở HMG bỏ qua.
Khắc Nam
Theo DM-2/2014
Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
SK&ĐS