Chi trả hơn 5.300 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên trong 20 tháng

20-09-2023 10:38 | Thời sự

SKĐS - BHXH Việt Nam cho biết trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, nhiều trường hợp học sinh, sinh viên đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn.

Nhiều trường hợp học sinh, sinh viên đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn

Tham gia BHYT, ngoài quyền lợi được quỹ BHYT chi trả lên tới 80% chi phí điều trị bệnh (nếu khám chữa bệnh đúng tuyến), học sinh, sinh viên (HSSV) còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) ngay tại trường học. Đây là một trong những ưu việt vượt trội, thể hiện ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Những năm qua, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT của học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được đảm bảo, đúng quy định. Theo thống kê trong 2 năm 2021 và 2022, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng gần 3 triệu HSSV sử dụng thẻ BHYT với khoảng 6,1 triệu lượt KCB BHYT, tổng chi phí KCB BHYT của nhóm HSSV bình quân/năm là hơn 2.500 tỷ đồng.

Năm học 2022-2023, cả nước đạt tỷ lệ hơn 97% tổng số HSSV tham gia BHYT. Kết quả này đồng nghĩa với việc có trên 18,8 triệu HSSV được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Trong đó, nếu không may ốm đau, tai nạn… các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán với số tiền KCB không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng. 

Chi trả hơn 5.300 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên trong 20 tháng- Ảnh 1.

BHXH Việt Nam cho biết trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, nhiều trường hợp học sinh, sinh viên đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải qua các đợt điều trị, dài ngày như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch… đã được quỹ BHYT chi trả từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Nhờ đó, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như các em sẽ có thêm động lực, yên tâm điều trị bệnh để sớm được quay trở lại học tập.

Thống kê cho thấy, năm 2022, cả nước có khoảng 3,5 triệu HSSV KCB BHYT với gần 7,4 triệu lượt KCB, số tiền được quỹ BHYT chi trả là 3.142 tỷ đồng. Tương tự, 8 tháng đầu năm 2023, số HSSV KCB BHYT khoảng 2,7 triệu với số lượt khám là 5,2 triệu, số tiền được quỹ BHYT chi trả là 2.174 tỷ đồng.

Trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn, cụ thể như sau:

  • Chi phí từ 100 - 200 triệu: có 1.435 HSSV/15.620 lượt KCB, chi phí quỹ BHYT chi trả là 194,4 tỷ đồng.
  • Chi phí từ 200 - 500 triệu đồng: có 568 HSSV/6.489 lượt KCB, chi phí quỹ BHYT chi trả là 165,5 tỷ đồng.
  • Chi phí từ trên 500 triệu đồng: có 66 HSSV/817 lượt KCB, chi phí quỹ BHYT chi trả là 43 tỷ đồng.

Một số trường hợp HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn (trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023) như sau:

  • Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là 1,07 tỷ đồng (trong năm 2022): mã thẻ HS4797937XXXXXX, sinh năm 2006, địa chỉ 18A Đô Đốc Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh; chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh của hốc mắt, Viêm cơ tim cấp, Di chứng tổn thương nội sọ".
  • Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ hai là 1,04 tỷ đồng (trong năm 2022): mã thẻ HS4828222XXXXXX, sinh năm 2008, địa chỉ xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền, Sốt xuất huyết nặng".
  • Một trường hợp khác, cũng được quỹ BHYT chi trả 1,04 tỷ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,66 tỷ đồng, 08 tháng đầu năm 2023 được chi trả 0,38 tỷ đồng): mã thẻ HS4013520XXXXXX, sinh năm 2014, địa chỉ 12 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; chẩn đoán bệnh chính là "Gan xơ hóa, Viêm đường mật, Teo đường mật…".
  • Người bệnh được quỹ BHYT chi trả 0,92 tỷ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,69 tỷ đồng, 08 tháng đầu năm 2023 được chi trả 0,23 tỷ đồng): mã thẻ HS4010123XXXXXX, sinh năm 2007, địa chỉ phường Gia Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; chẩn đoán bệnh chính là "Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu không đặc hiệu, Viêm gan virus cấp khác, Suy tủy xương vô căn… ".

BHYT: Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ ngay từ y tế trường học

Có thể khẳng định, BHYT là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, góp phần hiệu quả trong công tác KCB, chăm sóc sức khỏe HSSV nói riêng và người dân nói chung. Tham gia BHYT HSSV không chỉ để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ mà còn thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái của các em để chia sẻ rủi ro với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe.

Nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho HSSV, tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018, Chính phủ đã quy định cụ thể về việc trích lại kinh phí từ quỹ BHYT phục vụ công tác triển khai chính sách BHYT tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, công tác CSSKBĐ tại các trường học đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí này. Các năm qua, số kinh phí CSSKBĐ cho HSSV trích lại từ quỹ BHYT đối với cơ sở giáo dục (bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non) liên tục tăng với số tiền là 603,7 tỷ đồng (năm 2020); 656,7 tỷ đồng (năm 2021) và hơn 696,3 tỷ đồng (năm 2022).

Chi trả hơn 5.300 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên trong 20 tháng- Ảnh 2.

BHYT: Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ ngay từ y tế trường học

Nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT được các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng để phục vụ chi: mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, HSSV khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ CSSKBĐ, tủ tài liệu quản lý hồ sơ sức khỏe tại cơ sở giáo dục; mua văn phòng phẩm phục vụ hoạt động KCB trong công tác CSSKBĐ. 

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, nguồn kinh phí này đã thực sự phát huy vai trò, hiệu quả trong việc không chỉ giúp y tế trường học kịp thời thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho HSSV theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục… mà còn giúp theo dõi, kiểm tra, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sức khỏe để dự phòng, điều trị, đảm bảo sức khỏe của các em trong tương lai.

Có thể nói, trong những năm qua, việc trích kinh phí CSSKBĐ đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động y tế trường học nhằm đảm bảo, chăm sóc tốt sức khỏe của các em HSSV. Thời gian tới, trong bối cảnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, năm học 2023-2024, công tác BHYT HSSV tiếp tục được ngành BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt với mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT.


Thái Bình
Ý kiến của bạn