Tình trạng ngập lũ vùng trũng thấp đang được cải thiện
Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 15h chiều nay, lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) đang xuống chậm, sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương), sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình), sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm, lũ trên sông Hồng (Thành phố Hà Nội) đang xuống nhanh.
Mực nước lúc 13h ngày 13/9, trên các sông như sau: Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,52m, trên báo động 3 (BĐ3) 1,22m; Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,81m, trên BĐ3 0,51m; Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,09m, dưới BĐ3 0,21m; Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,75m, trên BĐ3 0,75m; Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,90m, dưới BĐ3 0,10m; Trên sông Hồng tại Hà Nội 9,58m, trên mức BĐ1 0,08m.
Dự báo, trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình có xu thế xuống chậm, phổ biến còn mức cao từ BĐ2-BĐ3, có nơi trên mức BĐ3 và xuống chậm.
Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ tiếp tục xuống dưới mức BĐ1. Lũ trên sông Lục Nam và sông Thái Bình xuống dưới mức BĐ3 và trên mức BĐ2; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ3.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ tiếp tục xuống dưới mức BĐ1. Lũ trên sông Cầu và sông Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ3; sông Thương, sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống dưới BĐ3 và trên mức BĐ2.
Ông Hoàng Văn Đại cho biết, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới thì tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện. Ngoài đê vùng sông Hồng tại Hà Nội sẽ rút nước sau 2-3 ngày tới, riêng vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi từ 10-13 ngày, sông Tích khoảng 7- 10 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 3-5 ngày, sông Nhuệ từ 2-3 ngày.
Khu vực ven sông thuộc hạ lưu sông Hồng- Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài hơn từ 3-6 ngày.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ dù mưa đã giảm (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Do tác động của lũ, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang ở mức cao (BĐ3- trên BĐ3) nên vẫn còn nguy cơ ảnh hưởng đến đê bối ven sông, sạt lở đê, kè tại các vị trí xung yếu thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp, các bãi nổi trên diện rộng còn kéo dài ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội vùng hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.
Hơn 200.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng do mưa lũ
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến sáng 13/9, bão và mưa lũ đã khiến hơn 74.500 hộ/130.246 người dân phải di dời, sơ tán, với khoảng 203.700 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng.
Bão số 3 và mưa lũ trong gần 1 tuần qua đã khiến hơn 136.700 nhà ở các tỉnh phía Bắc bị hư hỏng. Trong đó, Quảng Ninh hơn 70.600 nhà; Hải Phòng 40.000 nhà; Bắc Ninh có 3.470 nhà, Lạng Sơn gần 3.000 nhà; Bắc Giang gần 3.290 nhà; Yên Bái gần 1.380 nhà..
Ngoài ra, còn có hơn 67.000 ngôi nhà bị ngập, tập trung nhiều nhất ở Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội…. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị thiệt hại.
Về nông nghiệp, thống kê cho thấy có hơn 202.004 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại tại các tỉnh, thành phố, tập trung ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang...
Hơn 39.000 ha hoa màu bị ngập úng; gần 22.290 ha cây ăn quả bị hư hại; gần 1.850 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 4.600 con gia súc, gần 1,8 triệu con gia cầm bị chết...
Thiệt hại về thiên tai tại các tỉnh miền Bắc là rất lớn. Hiện nay, cùng với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trên cả nước đang có các hoạt động kêu gọi ủng hộ từ thiện gửi đến người dân các địa phương bị thiệt hại do bão, lũ và sạt lở đất.
Thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ Úc viện trợ cho tỉnh Yên Bái 8 tấn hàng gồm bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ bếp, sửa chữa nhà cửa, chăn, màn, thảm ngủ, tấm bạt che với tổng giá trị 49.000 đô la Úc, tương đương hơn 800 triệu đồng.
Dự kiến ngày 13-14/9, Trung tâm điều phối khu vực ASEAN hỗ trợ hàng hóa với tổng giá trị 254.092 USD, khoảng 6,2 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ máy lọc nước cầm tay và tấm bạt nhựa đa năng với tổng giá trị 11,3 triệu Yên Nhật (gần 2 tỷ đồng) cho tỉnh Yên Bái. Hàn Quốc đã quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD (hơn 49 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại do bão và mưa lớn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2 bệnh nhân nặng vụ lũ quét làng Nủ | SKĐS