Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ NN&MT), thời gian qua Cục đã chủ động rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, từ đó tham mưu giúp Bộ ban hành, trình Chính phủ phê duyệt các văn bản quy định về phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Trước yêu cầu mới từ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, một lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, Bộ NN&MT đã xác định rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh những vướng mắc, đình trệ trong công tác quản lý.
Cục Quản lý đất đai, thuộc Bộ NN&MT, đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để đề xuất phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai. Ảnh: Trường Giang.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác chuẩn bị của Bộ NN&MT là việc chủ động xây dựng và ban hành "Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp".
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai: "Đây là tài liệu thiết thực, đóng vai trò là cẩm nang hữu ích giúp các địa phương nắm rõ quy định, thẩm quyền, quy trình, từ đó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền mới. Đồng thời, Sổ tay cũng giúp người dân hiểu rõ hơn về các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai".
Sổ tay được cấu trúc thành 2 phần chính:
Phần I: Hệ thống hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND và các cơ quan chuyên môn về đất đai ở cấp tỉnh, cấp xã. Phần này không chỉ bao gồm thẩm quyền, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 151/2025/NĐ-CP mà còn tổng hợp thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã đã được quy định trong Luật Đất đai 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật không phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong Nghị định số 151/2025/NĐ-CP. Điều này giúp chính quyền cấp tỉnh, cấp xã hình dung đầy đủ các công việc cần thực hiện khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Phần II: Trình bày chi tiết quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, bao gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất và giao rừng; cho thuê đất và cho thuê rừng; chuyển hình thức giao đất, cho thuê đất; điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; cung cấp dữ liệu thông tin, dữ liệu đất đai cấp tỉnh; thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất; sử dụng đất đa mục đích; giải quyết tranh chấp đất đai. Phần này được thiết kế để chính quyền cấp tỉnh, cấp xã dễ hiểu, dễ thực hiện nhiệm vụ.
Phân định rõ ràng thẩm quyền và nhiệm vụ ở từng cấp
Sổ tay đã cụ thể hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã trong quản lý đất đai, đảm bảo sự thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Theo đó:
•Đối với cấp tỉnh:
•HĐND cấp tỉnh có 6 thẩm quyền, nhiệm vụ.
•UBND cấp tỉnh có 50 thẩm quyền, nhiệm vụ.
•Chủ tịch UBND cấp tỉnh có 37 thẩm quyền, nhiệm vụ.
•Sở Nông nghiệp và Môi trường có 15 thẩm quyền, nhiệm vụ.
•Sổ tay cũng hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai và Tổ chức Phát triển quỹ đất.
•Đối với cấp xã:
•HĐND cấp xã có 4 thẩm quyền, nhiệm vụ.
•UBND cấp xã có 45 thẩm quyền, nhiệm vụ.
•Chủ tịch UBND cấp xã có 44 thẩm quyền, nhiệm vụ.
•Cơ quan quản lý đất đai cấp xã có 19 thẩm quyền, nhiệm vụ.
Việc làm rõ vai trò của từng cấp, từng vị trí là yếu tố then chốt để đảm bảo công tác quản lý đất đai được thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ trên toàn quốc.
Hướng dẫn chi tiết quy trình thu hồi đất và cấp Giấy chứng nhận
Một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt khi thẩm quyền này được chuyển về cấp xã. Sổ tay đã hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục về nội dung này gồm 16 bước, đảm bảo đúng thẩm quyền, rõ trách nhiệm và công khai, minh bạch trong từng khâu. Quy trình này bao gồm từ việc xây dựng kế hoạch thu hồi đất, tổ chức họp với người dân, ban hành thông báo, kiểm đếm tài sản, lập và phê duyệt phương án bồi thường, đến việc thực hiện bồi thường và bàn giao đất.
Đối với trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu do cấp xã thực hiện, Sổ tay cũng hướng dẫn cụ thể gồm 3 bước, phân công rõ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và người dân. Quy trình này bao gồm việc nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, cơ quan giải quyết thủ tục kiểm tra và chuyển hồ sơ về UBND cấp xã để xác minh, và cuối cùng là việc UBND cấp xã cấp Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Thời gian giải quyết thủ tục cũng được rút gọn đáng kể: đối với đăng ký đất đai lần đầu không quá 17 ngày làm việc; đối với đăng ký đất đai kèm cấp Giấy chứng nhận không quá 20 ngày làm việc. Đối với địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, thời gian được kéo dài tối đa 30 ngày làm việc...