Chi tiết mức học phí năm học 2023-2024 của nhiều tỉnh, thành

20-10-2023 08:07 | Thời sự

SKĐS - Tính đến thời điểm hiện tại, bên cạnh một số tỉnh, thành đưa ra mức thu học phí thì nhiều địa phương lại chi hàng trăm tỉ đồng, miễn giảm học phí cho học sinh các cấp năm học 2023 - 2024.

Năm học 2023-2024, học phí giáo dục phổ thông tăng mạnh theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi Bộ GD&ĐT vẫn đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP thì một số địa phương đã quyết định hỗ trợ học phí cho học sinh trên địa bàn nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.

Hà Nội, Huế, Nghệ An, Bắc Giang thu học phí thế nào?

Tại Hà Nội, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, mức thu học phí được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2023-2024.

Theo đó, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT khu vực thành thị (bao gồm các phường và thị trấn) là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Mức thu học phí khu vực nông thôn nông thôn (các xã, trừ xã miền núi) là 100.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; cấp THPT là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi (các xã miền núi) thu 50.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; cấp THPT thu 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Học phí năm học 2023-2024 của các địa phương trên cả nước - Ảnh 1.

Một tiết học chuyên đề tại Trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội). Ảnh minh họa

Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định; công khai mức thu học phí theo quy định.

Mức thu học phí năm học này tại Thừa Thiên Huế như năm học 2022 - 2023. Cụ thể, bậc mầm non, cao nhất 79.000 đồng/tháng (TP.Huế), thấp nhất 11.000 đồng/tháng (miền núi); bậc THCS, cao nhất 86.000 đồng, thấp nhất 9.000 đồng; THCS có học nghề, cao nhất 105.000 đồng, thấp nhất 15.000 đồng; bậc THPT: cao nhất 90.000 đồng, thấp nhất 14.000 đồng.

Mức thu học phí tại Nghệ An được chia thành 4 khu vực và có sự khác nhau đối với từng vùng, từng bậc học. Trong đó, bậc mầm non lần lượt từ 45.000 đồng đến 280.000 đồng, bậc THCS từ 35.000 đồng đến 130.000 đồng, bậc THPT và bổ túc THPT từ 45.000 đồng đến 230.000 đồng.

Tại Bắc Giang, mức thu học phí được chia thành 3 khu vực (thành thị, nông thôn và miền núi) và có sự khác nhau đối với từng vùng, từng bậc học. Trong đó, bậc mầm non lần lượt từ 95.000 đồng đến 320.000 đồng, bậc THCS từ 55.000 đồng đến 320.000 đồng, bậc THPT từ 105.000 đồng đến 320.000 đồng.

5 địa phương miễn, giảm học phí năm học 2023 - 2024

Năm học trước 2022 - 2023, cả nước có 7 địa phương thực hiện miễn học phí cho học sinh phổ thông gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cần Thơ, Quảng Bình.

Năm học này, Quảng Bình quyết định không thu học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024 với học sinh các trường công lập và ngoài công lập. Riêng với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm học.

Nghị quyết cũng quy định mức thu học phí năm học 2023 - 2024 khu vực thành thị của mầm non, THCS, THPT thu mức học phí 300.000 đồng/học sinh/tháng. Với khu vực nông thôn, học phí các cấp mầm non, THCS 100.000 đồng/học sinh/tháng, THPT 200.000 đồng/học sinh/tháng.

Hải Phòng dự chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Việc miễn học phí này được thực hiện theo nghị quyết số 54 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua năm 2019.

Mức thu học phí năm học 2023 - 2024 của Hải Phòng gồm: khu vực thành thị, mức thu học phí 300.000 đồng/học sinh/tháng. Khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng cho ba bậc học mầm non, tiểu học, THCS. THPT là 200.000 đồng/học sinh/tháng.

Đà Nẵng cũng ra nghị quyết dự chi hơn gần 410 tỷ đồng để miễn học phí với trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên năm học 2023 - 2024. Trong đó, dành ra hơn 316 tỷ đồng miễn học phí cho học sinh khối các trường công lập và 92,2 tỷ đồng hỗ trợ học sinh ngoài công lập.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự chi khoảng 327 tỉ đồng cho việc miễn học phí cho học sinh các cấp học. Trong đó, dành 190 tỉ đồng hỗ trợ giảm học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh THCS (học sinh tiểu học được miễn theo luật). Ngoài đối tượng trẻ mầm non 5 tuổi, năm học 2023 - 2024, tỉnh này ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non 3, 4 tuổi, học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên. Mức hỗ trợ này cho các đối tượng trong và ngoài công lập, áp dụng hỗ trợ theo số tháng học tập thực tế tại cơ sở giáo dục theo quy định, tối đa không quá 9 tháng.

Không thực hiện miễn 100% học phí như các địa phương khác, tỉnh Hà Nam quyết định hỗ trợ một phần học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn sau khi công bố mức học phí mới. Mức hỗ trợ đúng bằng mức tăng học phí khi thực hiện theo Nghị định 81. Về dự chi ngân sách, hiện tỉnh này chưa công bố đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định 81 sửa đổi.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong giáo dục, đào tạo. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức học phí năm học 2022-2023 trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Từ năm học 2024-2025 trở đi, khung và mức học phí được điều chỉnh theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Với cơ sở giáo dục đại học công lập, mức trần học phí với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 bằng mức trần học phí năm học 2022-2023 tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và dự kiến tính đủ chi phí vào năm học 2026-2027.

3 nguyên nhân khiến học sinh dễ bị ngộ độc khi ăn bán trú tại trường3 nguyên nhân khiến học sinh dễ bị ngộ độc khi ăn bán trú tại trường

SKĐS - Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, mất ATTP có thể xảy ra ở nhiều khâu, từ nguyên liệu đến cách chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến, bảo quản… đã khiến cho suất ăn không đảm bảo các tiêu chuẩn VSATTP cho học sinh.

ĐV
Ý kiến của bạn