Chi tiết chính xác hay vẻ đẹp thuần Việt?

12-08-2010 10:58 AM | Văn hóa – Giải trí

Xung quanh vấn đề trang phục phim lịch sử hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau: người thì đòi hỏi phải chính xác đến từng chi tiết, người thì lại cho rằng chỉ cần làm sao cho trang phục trong phim toát lên tinh thần văn hóa Việt.

Xung quanh vấn đề trang phục phim lịch sử hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau: người thì đòi hỏi phải chính xác đến từng chi tiết, người thì lại cho rằng chỉ cần làm sao cho trang phục trong phim toát lên tinh thần văn hóa Việt. PV Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thu Hà - Giảng viên Khoa Thiết lế mỹ thuật Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội quanh vấn đề này.

- Chị từng thiết kế phục trang cho hàng loạt phim lịch sử như các phim Đời cát,Người đàn bà mộng du, Khoảng khắc chiến tranh, Đừng đốt, Lều chõng, Long thành cầm giả ca... Chị có vẻ thích làm phim lịch sử?

- Phim lịch sử luôn là một đề tài hấp dẫn, đầy sự thách thức đối với các nhà làm phim chuyên nghiệp bởi nó đòi hỏi sự nghiên cứu cẩn trọng, kiến thức lịch sử dày dặn, tính sáng tạo uyển chuyển phù hợp với thể loại và nội dung từng bộ phim cụ thể. Với tôi, phim chiến tranh và phim lịch sử như một chút duyên riêng bởi trong số phim và các vở diễn sân khấu tôi đã làm họa sĩ phục trang thì hơn nửa số tác phẩm có đề tài chiến tranh hoặc lịch sử. Có lẽ tôi đã được thừa hưởng dòng máu nhiệt huyết với dòng tác phẩm có đề tài chiến tranh, lịch sử từ cha tôi - đạo diễn điện ảnh, NSND Hải Ninh, người đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm tác phẩm: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Thành phố lúc rạng đông. Tôi rất hãnh diện vì cha tôi là người thực hiện bộ phim màu lịch sử đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam: Đêm hội Long trì, Kiếp phù du.

- Thuộc thế hệ trẻ làm phim về lịch sử, nếu phải nhận xét khách quan những phim lịch sử Việt Nam đã làm, nhất là các phim do NSND Hải Ninh làm đạo diễn, chị có ý kiến gì?

- Tôi nghĩ nên có thái độ trân trọng những tác phẩm mà các thế hệ trước đã xây dựng nên. Sự sáng tạo và thành công của từng bộ phim có thể khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở tình yêu quê hương, tấm lòng chân thành và tính không vụ lợi khi thực hiện một tác phẩm điện ảnh. Đối với những phim do NSND Hải Ninh làm đạo diễn, tôi nghĩ đó là những tác phẩm điện ảnh đã trải qua sự thẩm định nghiêm khắc của thời gian, có sự công nhận chính thức của Nhà nước và cơ quan chuyên môn về giá trị nghệ thuật, nhất là được sự yêu mến rộng rãi của khán giả trong và ngoài nước qua nhiều thời kỳ, đó là sự đánh giá công bằng và quý giá nhất đối với một nghệ sĩ sáng tạo đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho tình yêu điện ảnh như cha tôi. 

 Một cảnh trong phim Đêm hội Long Trì.

- Lâu nay, mảng phim lịch sử vẫn là mảng "nóng", khó "xơi" đối với nghệ sĩ vì thường vấp phải những ý kiến khác nhau của nhiều chuyên ngành như Lịch sử, Khảo cổ, Văn học, Mỹ thuật... Chị quan niệm làm phim lịch sử như thế nào để dung hòa, thuyết phục các ý kiến mà phim vẫn hay? 

- Đối với một bộ phim lịch sử, cần đảm bảo tính chân thực, văn hóa, thẩm mỹ trong sự tái hiện lịch sử; điều này đòi hỏi ngoài tài năng của người đạo diễn, cần phải có một kiến thức văn hóa nền chắc chắn, bản lĩnh sáng tạo vững vàng, có sự phối hợp làm việc ăn ý của các thành phần nghệ thuật trong phim. Khi thiết kế trang phục cần tiếp cận và tìm hiểu những di vật có giá trị lịch sử, tham khảo những văn bản cổ, những công trình nghiên cứu khoa học các chuyên ngành khảo cổ học, lịch sử mỹ thuật, lịch sử văn hóa - xã hội... Có một thực tế là các hiện vật cụ thể, các văn bản mô tả chi tiết về trang phục truyền thống của cha ông đã bị phá hủy, mất mát quá nhiều, có những thời kỳ gần như bị xóa trắng trong lịch sử. Trong tình huống đó phải sử dụng phương pháp quy chiếu từ các nền văn hóa khác gần gũi với Việt Nam về lịch sử và địa lý... Sự đòi hỏi chính xác đến từng chi tiết chưa chắc đã quan trọng bằng việc tái tạo nên một vẻ đẹp thuần Việt qua mỗi bộ trang phục cho các nhân vật lịch sử Việt Nam.

 - Chị có cảm thấy bất ổn khi có ý kiến cho rằng một số phim về lịch sử Việt Nam, phục trang của nhân vật không đúng với giai đoạn lịch sử của thời đó, phim nào cũng na ná giống nhau, phim sau mượn của phim trước hoặc "ăn sẵn" quần áo trong kho của các đoàn tuồng chèo, cải lương?

- Tôi bắt đầu theo cha đi chọn cảnh và nghiên cứu để thực hiện bối cảnh và trang phục cho bộ phim Đêm hội Long trì. Ngày nay khi xem lại những tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử của những năm 88-89 thế kỉ XX, tôi vẫn tự hỏi rằng vì sao trong một điều kiện thông tin tư liệu hạn chế, chưa có mạng internet, chưa hề có làn sóng phim dã sử, huyền sử, lịch sử của nước ngoài tràn ngập trên các kênh truyền hình như hiện nay... vậy mà các họa sĩ thiết kế mỹ thuật, trang phục, hóa trang của phim đã tái tạo lại hình ảnh những nhân vật lịch sử rất có thẩm mỹ, màu sắc nhuần nhị, thấm đẫm văn hóa truyền thống Việt Nam. Có thể một số trang phục chưa được tinh xảo như mong muốn, song tôi nghĩ đó là hạn chế khách quan có thể hiểu được. Nhưng nếu cho rằng một số trang phục phim lịch sử Việt Nam trước đây giống hoặc lấy trang phục của đoàn tuồng, chèo, cải lương... thì đó là sự xúc phạm tới các bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Trang phục đích thực trong sân khấu tuồng, chèo, cải lương... có một vẻ đẹp đặc thù, phân biệt rõ ràng cho mỗi thể loại và đầy tính hấp dẫn trên sân khấu. Song, những người làm nghề nghiêm túc, có sự nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc thì hầu như không thể sử dụng trang phục sân khấu cho điện ảnh được, bởi trang phục sân khấu mang tính khoa trương - cách điệu rất cao, còn trang phục điện ảnh lại coi trọng tính hiện thực - chân thực lịch sử. Đó là chưa kể về mặt kỹ thuật, chất liệu trang phục dưới ánh sáng sân khấu và ánh sáng điện ảnh có hiệu quả thẩm mỹ khác hẳn nhau. Ở những nền điện ảnh hùng mạnh như điện ảnh Mỹ, sự phát triển về kỹ thuật - công nghệ đã tạo điều kiện cho các họa sĩ thiết kế trang phục điện ảnh có điều kiện phục dựng tốt hơn. Một bộ giáp của một vị tướng La Mã trong phim Benhur có sự khác biệt đáng kể với bộ giáp của vị tướng La Mã trong phim Võ sĩ giác đấu (Gladiater). Song chắc chắn không phải vì thế mà khán giả chê rằng phục trang của phim Benhur là xấu, là giả, có sự vay mượn từ các thể loại nghệ thuật khác, dù rằng Benhur được thực hiện trước nhiều năm.

- Cảm ơn chị!

Diệu Yến (thực hiện)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH