Chi tiết các mức bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

24-01-2024 11:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điều khoản quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản, chi phí đầu tư vào đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Được bồi thường bằng giá trị nhà xây mới

Theo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV quy định mức bồi thường thiệt hại về tài sản, chi phí đầu tư vào đất.

Cụ thể, tại Điều 102 "Bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng trên đất khi nhà nước thu hồi đất" quy định: Đối với nhà ở, công trình phục vụ đời sống gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải tháo dỡ hoặc phá dỡ khi Nhà nước thu hồi đất thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật có liên quan. Chủ sở hữu nhà ở, công trình được sử dụng các nguyên vật liệu còn lại của nhà ở, công trình.

Chi tiết các mức bồi thường khi nhà nước thu hồi đất- Ảnh 1.

Mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ảnh: T.H

Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

UBND cấp tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở, công trình xây dựng quy định tại Điều này để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất; đơn giá bồi thường thiệt hại quy định tại Điều này bảo đảm phù hợp với giá thị trường và phải xem xét điều chỉnh khi có biến động để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.

Cây hằng năm được bồi thường sản lượng cao nhất

Tại Điều 103 "Quy định bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi" khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau:

Đối với cây hằng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch đối với cây trồng đó. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của loại cây trồng đó tại địa phương và đơn giá bồi thường;

Đối với cây lâu năm, được bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây. Đối với cây lâu năm là loại cho thu hoạch nhiều lần mà đang trong thời kỳ thu hoạch thì mức bồi thường được tính bằng sản lượng vườn cây còn chưa thu hoạch tương ứng với số năm còn lại trong chu kỳ thu hoạch và đơn giá bồi thường;

Chi tiết các mức bồi thường khi nhà nước thu hồi đất- Ảnh 2.

Đối với cây hằng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch đối với cây trồng đó. Ảnh: LĐ.

Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.

Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển thì được bồi thường thiệt hại thực tế theo mức bồi thường cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định; Chủ sở hữu cây trồng, vật nuôi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được tự thu hồi cây trồng, vật nuôi trước khi bàn giao lại đất cho Nhà nước;

Luật cũng quy định, UBND cấp tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi theo quy trình sản xuất do Bộ NNPTNT hoặc do địa phương ban hành theo quy định của pháp luật; đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều này bảo đảm phù hợp với giá thị trường và phải xem xét điều chỉnh khi có biến động để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.

Được bồi thường chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt

Tại Điều 104 quy định về "Bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất" nêu rõ: Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

Tại Điều 105 quy định về "Trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất" nêu rõ: Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 8 Điều 81 và các điểm b, c và đ khoản 1 Điều 82 của Luật này.

Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập trong thời hạn hiệu lực của thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.

Đối với tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn thì chủ sở hữu tài sản không được bồi thường mà được hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời.

Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác mà chủ sở hữu công trình xác định không còn nhu cầu sử dụng trước thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.

Thị trường bất động sản sẽ "chuyển động" thế nào khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực?Thị trường bất động sản sẽ 'chuyển động' thế nào khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực?

SKĐS - Nhiều chuyên gia nhận định, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 cùng được kỳ vọng sẽ cởi trói pháp lý, tạo đà cho sự khởi sắc thị trường BĐS thời gian tới.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn