Chi tiết 7 dự án Luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4

18-10-2022 11:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể ngày 20/10, bế mạc ngày 15/11/2022. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án Luật và cho ý kiến 7 dự án Luật khác.

Dự kiến điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ tháng 1/2023Dự kiến điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ tháng 1/2023

SKĐS - Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã trả lời về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương.

Thông tin về chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 07 dự án Luật gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Chi tiết 7 dự án Luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 - Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm VPQH, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà giới thiệu tóm tắt dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV.

Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với 113 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các Đoàn công tác, khảo sát thực tiễn, hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 06 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 04 điều).

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và được các vị ĐBQH thảo luận tại Tổ với 123 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 21 lượt ý kiến và 02 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật.

Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật để gửi xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Ngày 08/9/2022, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật.

Sau Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của ĐBQH chuyên trách để gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.

Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đã có 160 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật. Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, UBTVQH chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát, tổ chức các cuộc họp, hội nghị lấy ý kiến để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều (102 điều được chỉnh lý về nội dung, 09 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 02 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chi tiết 7 dự án Luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đã có 173 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu tại Tổ và Hội trường và 04 ĐBQH tham gia ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các vị ĐBQH đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật; bên cạnh đó, các vị ĐBQH đã cho ý kiến và thể hiện quan điểm về từng nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp cũng như các chuyên gia, nhà khoa học để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. UBTVQH cũng đã tổ chức phiên họp chuyên đề tháng 8/2022 cho ý kiến về dự án Luật này. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến ĐBQH có 06 chương và 91 điều; giảm 01 chương, tăng 17 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3; bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, có 79 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở Tổ, 08 lượt ý kiến phát biểu ở Hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật. Sau tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã bổ sung thêm 02 điều; sửa đổi, bổ sung thêm 04 điều (so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3); đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Phụ lục 4 Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 với 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường và 10 ĐBQH gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Xã hội phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Xã hội đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại một số tỉnh, thành phố, tổ chức các hội nghị chuyên gia, hội nghị theo chuyên đề, làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành hữu quan; xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của UBTVQH.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 12 chương và 120 điều, nhiều hơn 14 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, bỏ 01 điều và bổ sung 15 điều.

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Luật Phòng, chống rửa tiền được sửa đổi (theo quy trình tại 01 kỳ họp) nhằm bảo đảm yêu cầu: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tránh việc Việt Nam bị đưa vào "Danh sách Xám" và thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 65 điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/10, họp tập trung trong 21 ngàyKỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/10, họp tập trung trong 21 ngày

SKĐS - Chiều 17/10, Văn phòng Quốc hội (VPQH) tổ chức Họp báo về dự kiến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Buổi họp báo được chủ trì bởi Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vũ điệu 2K+ 'Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh' đậm đà bản sắc dân tộc.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn