Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay 2.6, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về khoản ngân sách 16.000 tỉ đồng hỗ trợ các lực lượng của chúng ta bám biển, bảo vệ chủ quyền biển Đông mà Quốc hội (QH) sẽ quyết tại kỳ họp này.
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay đã nóng lên ngay đầu phiên bởi cả 12/12 đại biểu (ĐB) khi phát biểu đều kiến nghị các giải pháp bảo vệ chủ quyền biển Đông, tăng cường nội lực kinh tế để tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) khẳng định cá nhân ông và đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc xử lý các sự cố vừa qua liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Nhờ các biện pháp triển khai kịp thời và mạnh mẽ đó, chúng ta chiếm được cảm tình của đông đảo bạn bè, nhân dân tiến bộ trên thế giới, giữ được lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam”, ông Ngoạn đánh giá.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn.
Nhấn mạnh “chính nghĩa sẽ không bao giờ đơn độc, vì vậy Việt Nam đã và sẽ không bao giờ đơn độc”, ông Ngoạn bày tỏ nguyện vọng chung của đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa mong muốn Quốc hội, cử tri cả nước tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc đối phó với thách thức, giành thắng lợi trên mặt trận bảo vệ chủ quyền tổ quốc, phát huy nội lực đưa đất nước phát triển.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh kỳ họp QH lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi Việt Nam đang đứng trước thời cơ kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do quan trọng; vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
“Từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Việc này được dự báo nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tác động đáng kể đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, dưới góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này”, ông Lộc nhìn nhận.
ĐB này cho rằng từ đòi hỏi trên thì việc tận dụng tốt các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do với các triển vọng đàm phán thành công giữa Việt Nam và các nước, trong đó có TPP (Hiệp định thương mại đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương) sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc. “Như hiện nay, một số nguyên liệu may chúng ta nhập 50-60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc”, ông Lộc đơn cử.
Bên cạnh “mổ xẻ” các vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sau sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981 , nhiều ĐBQH cũng kiến nghị các giải pháp mạnh mẽ giúp ngư dân bám biển, hỗ trợ các lực lượng chấp pháp của chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển Đông.
ĐB Đặng Ngọc Nghĩa, Thừa Thiên - Huế ủng hộ các quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước vừa rồi trong đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế, song đề nghị: Để đáp ứng lâu dài về nhiệm vụ chiến lược chiến lược bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cần xây dựng thế trận phòng thủ biển đảo, thế trận quốc phòng toàn dân. Trước mắt cần tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển đủ sức đối phó với các nước xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Bên cạnh giải pháp trên, ĐB Nghĩa cũng đề nghị tăng cường hệ thống phòng thủ biển đảo, kết nối đảo gần với đảo xa, tạo thế liên hoàn vững chắc khi có tình huống xảy ra.
“Đầu tư những tàu đánh cá lớn cho ngư dân, trước mắt đầu tư ở các vùng trọng điểm. Hiện báo chí phản ánh chúng ta đang cho ngư dân vay đóng tàu với lãi suất 3%, nhưng theo tôi nên hỗ trợ hoàn toàn vốn vay cho ngư dân. Tạo thế trận lòng dân liên hoàn trên biển. Kiện toàn tổ chức các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn doanh nghiệp lớn đánh cá trên biển, chúng ta có trên 28 tỉnh thành phố và hơn 1 triệu ngư dân. Nếu tổ chức lại chúng ta sẽ có thế trận liên hoàn vững chắc trên biển”, ông Nghĩa kiến nghị.
Dành 16.000 tỉ hỗ trợ các lực lượng bám biển
Trước nhiều ý kiến ĐB kiến nghị hỗ trợ ngư dân và các lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỉ đồng cân đối ngân sách năm 2013 để chi hỗ trợ cảnh sát biển, hỗ trợ các ngư dân bám biển. “QH sẽ quyết định ngay tại kỳ họp này”, bà Ngân cho biết, và đề nghị các ĐBQH thảo luận thêm về dự kiến này.
ĐB Đỗ Văn Đương, TP.HCM ủng hộ mạnh mẽ chi hỗ trợ cảnh sát biển và ngư dân như Phó chủ tịch QH nêu, và đề nghị trong Nghị quyết của QH về kinh tế xã hội tại kỳ họp này, cần có nội dung về các biện pháp giữ vững chủ quyền, trật tự xã hội. “Cần thiết phải dành 16.000 tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa cho cảnh sát biển, kiểm ngư đang suốt ngày quần thảo với Trung Quốc trên biển Đông”, ông Đương tỏ rõ quan điểm.
Thậm chí, ĐB Đương còn đề nghị tạm dừng các dự án liên quan đến nhu cầu sử dụng dân sự sắp tới; tạm dừng xây trụ sở mới của các bộ ngành, địa phương… để tập trung nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Các địa phương cũng nên kêu gọi nông dân không có việc làm hiện nay cùng đi học nghề đánh bắt hải sản, giống như trước đây có phong trào di dân làm kinh tế mới”, ông Đương kêu gọi.
Phát biểu sau đó, nhiều ĐB như Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn)… cũng đều ủng hộ tập trung 16.000 tỉ đồng hỗ trợ các lực lượng bám biển như dự kiến của QH.