Ủng hộ từ 100.000 đồng mới được tặng giấy khen
Mới đây, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP.HCM) phát động phong trào gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tới cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh và học sinh. Sau đó, nhà trường trao giấy khen để động viên học sinh tích cực tham gia phong trào này.
Điều đáng nói là chỉ những học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng trở lên mới được nhận giấy khen, trong khi những học sinh ủng hộ ít hơn chỉ nhận được thư khen từ giáo viên chủ nhiệm.
Cách làm này của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã khiến dư luận bức xúc. Nhiều người cho rằng, việc phân biệt đối xử dựa trên số tiền đóng góp của học sinh là không phù hợp, đặc biệt trong môi trường giáo dục.
"Việc đong đếm lòng nhân ái của những đứa trẻ là điều tối kỵ"
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Diễm (Viện Tâm lý Giáo dục) cho rằng, tình cảm và tấm lòng của mỗi học sinh đối với đồng bào gặp khó khăn do bão lũ không thể đo đếm bằng con số như vậy được, cách làm này là phản giáo dục. Đây là hành động tự nguyện, tùy thuộc vào khả năng tài chính và hoàn cảnh của từng gia đình.
"Việc trường học dùng giá trị của đồng tiền để phân biệt giữa thư khen và giấy khen học sinh ủng hộ đồng bào bị bão lũ như vậy là đang đi ngược với những giá trị mà nền giáo dục đang cố gắng xây dựng như lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái".
Theo chuyên gia Vũ Diễm, hình thức khen thưởng này có thể gây tổn thương tâm lý cho các em, dễ làm nảy sinh tâm lý phô trương hoặc tâm lý tự ti giữa học sinh với nhau, đặc biệt là học sinh tiểu học rất nhạy cảm với sự so sánh cũng như nhận xét từ người lớn. Điều này làm mất đi ý nghĩa của sự cho đi cũng như không đạt được mục tiêu giáo dục.
Ngoài ra, việc làm này của nhà trường còn có thể tạo tư tưởng rằng tiền bạc có thể mua được sự công nhận và danh dự, làm mờ nhạt ý nghĩa thực sự của việc làm từ thiện và giúp đỡ cộng đồng.
Chia sẻ thêm, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, lòng nhân ái rất cần đong đếm. "Nhưng không phải là đo đếm với nhau, không phải đong đếm giữa người này với người khác, không phải xem ai cho nhiều hơn ai, ai kín đáo thầm lặng hơn ai…
Sự đo đếm cần thiết nhất là đo đếm với chính mình, đo đếm xem có bao nhiêu lòng nhân ái được đi ra từ mình trong đời sống hàng ngày chứ không phải chỉ ở những lúc "đột xuất". Đong đếm lòng nhân ái với người khác đã là điều không nên. Việc đong đếm lòng nhân ái của những đứa trẻ là điều tối kỵ".
Sau sự việc này, ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, Phòng GD&ĐT đã nhắc nhở, yêu cầu các trường học trên địa bàn không tổ chức khen thưởng học sinh những nội dung không phù hợp, đặc biệt là việc đóng góp hỗ trợ đồng bào bị bão lũ.
Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, việc khen thưởng phải nhằm mục đích động viên học sinh có thành tích nổi bật, tuy nhiên vẫn tạo tâm lý thoải mái cho những học sinh không được khen thưởng. Cơ sở giáo dục lưu ý tổ chức khen thưởng những nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục, không tạo tâm lý tiêu cực cho học sinh, phụ huynh.