Chỉ tấm lòng nhân ái gửi lại khắp sơn khê!

12-12-2017 10:43 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 16.000 người bị suy chức năng tim, thận, gan, phổi và hơn 300.000 người bị mù giác mạc, nhưng không có cơ hội phẫu thuật cấy ghép, thay thế vì nguồn mô, tạng hiến tặng quá hạn chế.

Thực tế đau lòng là có vô vàn bệnh nhân đã tử vong vì không có tạng để ghép. Nhiều người muốn hiến tạng phục vụ công tác cứu người và phát triển y học lại không biết nơi đăng ký.

Ngày 25/11/2017, Ban trị sự chùa Giác Ngộ (Q.5, TP.HCM), Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), Quỹ Đạo phật ngày nay và Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam đã tổ chức Ngày hội “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học”. Tại ngày hội, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tư vấn, hướng dẫn và tiếp nhận được 527 người viết đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng và hiến xác sau khi chết, chết não.

Sống càng thanh thản hơn!

Mạng sống của con người kéo dài được bao lâu? Theo Đức Phật, mạng sống của con người được tính bằng hơi thở mong manh. Một hơi thở ra không thở vào, thân này đồng như tro đất. Từng nghe rằng, “thân gửi cát bụi đến, cát bụi sẽ gọi về”. Cuộc đời được ví như quán trọ ta bà, ai cũng một lần ghé qua, gắn bó vài ba mươi năm, rồi vẫy tay chào rời đi. Những gì ta sử dụng sẽ mất, những gì ta chưa dùng cuộc đời sẽ dùng thay ta. Và chỉ những gì ta ban tặng sẽ còn lại với đất trời thiên thu.

Chị Nguyễn Thị Lan (47 tuổi, Tân Bình) chia sẻ: “Khi mình chết xuống, để lại thân xác cũng không có ý nghĩa gì hết. Việc hiến tặng mô, tạng cứu người là một việc làm tốt cho đời. Ngày còn sống có lẽ tôi không làm được việc gì có ích, khi chết đi, cũng mong đem lại một ý nghĩa nào đó”.

Nhưng trước đó vào những năm 2009, phong trào vận động hiến mô tạng để cứu người còn rất mới. Nghệ sĩ Ngân Huệ đã là một trong những người mạnh dạn đăng ký hiến xác.

Chỉ tấm lòng nhân ái gửi lại khắp sơn khê!Phật tử đến đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người tại chùa Giác Ngộ

Nghệ sĩ Ngân Huệ cũng tâm sự: “Thoạt tiên, khi nghe đến hiến xác, tôi cũng sợ. Không biết sau khi chết, người ta sẽ mổ mình ra sao. Nhưng nhân duyên đưa đẩy, sau khi gặp một gia đình người em cũng quy y tại chùa Giác Ngộ, chia sẻ cho tôi biết, trong gia đình có một người chị bệnh rất nặng, nhưng sau khi gia đình em ấy đăng ký hiến xác, người chị đã dần khỏi bệnh. Tuy đó là một phần tâm linh, nhưng em ấy cho biết sau khi hiến xác, gia đình em ấy và cả bản thân rất thanh thản. Từ nhân duyên đó, tôi cũng đi đăng ký hiến xác và cảm thấy lòng mình hoan hỷ, không sợ chết nữa”.

Số lượng đăng ký hiến mô tạng tại Chùa Giác Ngộ (TP.HCM)
* 27-11-2015: 215 người
* 26-11-2016: 583 người
* 25-11-2017: 527 người
Tổng cộng 3 lần: 1.325 người

Bác sĩ chỉ làm những phần việc nhỏ nhất!

GS.TS.BS. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết, ông rất cảm động khi đón nhận được hơn 500 người đăng ký hiến tặng mô, tạng trong lễ hội vừa qua tại chùa Giác Ngộ.

“Giác ngộ ngày hôm nay rồi lại quên đi. Ngày mai chúng ta lại giác ngộ… Và cứ thế. Chúng tôi, những người làm nghề y, cũng nguyện làm hết sức mình, nhưng cũng có những bệnh nhân không thể cứu được. Giữa sự sống và cái chết đối với bác sĩ cũng vô cùng mong manh. Chúng tôi chỉ mong sẽ có nhiều nguồn tạng được hiến tặng để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nguồn tạng hiến tặng chỉ có thể đến từ toàn thể người dân”, BS. Hồng Sơn tâm sự.

Từ những trải nghiệm của mình, ông kể: “Tôi có một bệnh nhân nam hơn 50 tuổi bị xoắn tắc hết ruột. Chúng tôi phải cắt bỏ hết toàn bộ ruột non và 1/2 đại tràng phải. Hiện anh đang nằm chờ từng ngày, từng giờ để có nguồn ghép. Chúng tôi rất phân vân và hội chẩn với nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này. Về mặt khoa học, nối các phần còn lại không tốt bằng ghép. Nguồn cần ghép quá nhiều. Tính riêng về phần mình, tôi hiện có 8 bệnh nhân đang chờ ghép gan”.

Về mặt chuyên môn, BS. Hồng Sơn đã hướng dẫn thêm về định nghĩa “chết não”. Theo đó, Việt Nam hiện có rất nhiều ca tử vong vì tai nạn giao thông hoặc tai nạn trong sinh hoạt. Đó là những tai nạn không “cưỡng lại được”, kể cả những trường hợp tai biến mạch máu não.

“Chuẩn bị về mặt nhân lực, kỹ thuật, Việt Nam hiện có 18 trung tâm ghép cả Bắc, Trung, Nam. Ghép thận đạt hiệu quả tốt; theo dõi chăm sóc sau ghép cũng rất tốt. Chúng ta chỉ còn cần nguồn người cho chết não. Những người chết não là chắc chắn chết, khác hẳn người sống thần kinh thực vật.

Chết não được chẩn đoán khá dễ, người dân có thể nắm được 80 - 90% dấu hiệu chết não: hôn mê, không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài, không còn cử động được nữa, nằm im bất động, không thở được nữa, và đặc biệt là mất các phản xạ (không uống được, không ho, không chớp mắt). Ngoài ra, chúng ta còn có những xét nghiệm chẩn đoán để kết luận chết não là điện não đồ, chụp mạch máu não hoặc Doppler xuyên sọ. Hội đồng đánh giá chết não hoàn toàn hoạt động độc lập với các phẫu thuật viên ghép tạng”, BS. Hồng Sơn cho biết.

Việt Nam còn quy định chặt chẽ hơn nữa bằng cách, 6 tiếng sau khi đã có tuyên bố chết não phải đánh giá lại lần thứ nhất, 6 tiếng tiếp theo sẽ có thêm một lần đánh giá nữa. 12 tiếng đó, bác sĩ phải hồi sức rất vất vả và tốn kém.

Một người đăng ký hiến tặng mô, tạng có thể trao tặng một giác mạc, hai lá gan, phổi, thận, ruột non, đại tràng, tụy, van tim, mạch máu…

Một số giải đáp về hiến mô, tạng

Trong ngày hội “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học” tổ chức tại chùa Giác Ngộ, nhiều thắc mắc của phật tử đã được GS.TS. Trịnh Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, thuộc Bộ Y tế), BS. Hoàng Ngọc Vân (Trưởng bộ phận tiếp nhận xác hiến, Bộ môn Giải phẫu - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) giải đáp.
Vừa hiến xác, vừa hiến mô, tạng có được hay không?
BS. Hồng Sơn: Trong thân thể có mô, tạng nên nếu có thể lấy được mô, tạng nào còn khỏe mạnh để ghép cho bệnh nhân cần, chúng tôi sẽ tiếp nhận. Còn hiến xác nhằm mục đích ngâm formol để phục vụ khoa học, giúp sinh viên ngành y thực tập. Ở nước ngoài, các trường ĐH Y đã trang bị nhiều mô hình như người thật, nhưng vẫn không bằng người thật. Theo tôi, hiến xác hay hiến mô, tạng sau khi chết (chết não, tim ngừng đập) là một.
BS. Ngọc Vân: Riêng tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chúng tôi có quy định, đã hiến mô, tạng thì không hiến xác. Sau khi hiến mô, tạng, do kỹ thuật mổ xẻ, xác khó được sử dụng cho các em sinh viên. Bởi vì khi tiếp nhận xác mới, chúng tôi cố làm sao để xác còn nguyên vẹn. Sau khi mất đi, trong vòng 6 tiếng, thân nhân phải cấp báo để chúng tôi tiếp nhận. Hiến xác là hoàn toàn tự nguyện.
Một điều khó khăn mà hai chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng và tiếp nhận hiến xác cho biết, hiến xác phụng sự cho khoa học hay hiến mô, tạng để cứu người là chuyện quyết định của từng cá nhân, nhưng chúng ta còn có gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ con. Tình thương, tình quyến luyến rất khó buông. Tới giờ phút cuối cùng như vậy, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp, đi đêm đường xa, đến nơi người nhà từ chối. Chính vì vậy, khi đã quyết định tự nguyện hiến tặng mô, tạng hay hiến xác, chúng ta cần phải làm công tác tư tưởng vận động người nhà.
Theo thông tin, chỉ có TP.HCM và Hà Nội có trung tâm tiếp nhận mô, tạng. Còn như ở những nơi khác như Lâm Đồng, nếu trong gia đình có người chết não, người thân sẽ báo về cơ quan nào?
BS. Hồng Sơn: Trường hợp người thân bị hôn mê vì nhiều nguyên nhân khác nhau cần phải được bác sĩ xác nhận chính xác “chết não” hay chưa. Chúng tôi đã từng nhận được rất nhiều thông báo khi người thân bị hôn mê. Câu đầu tiên chúng tôi hỏi lại, người bệnh còn cựa quậy hay không. Nếu còn, người bệnh chưa từng chết não, chúng tôi phải dập máy ngay. Chưa chết não, chưa được phép cho tạng. Còn nếu bác sĩ nơi đó xác nhận bệnh nhân đã chết não và có nguyện vọng hiến tặng mô, tạng, đến lúc đó là trách nhiệm của ngành y. Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Y tế gửi toàn bộ bệnh viện các tỉnh, liên hệ với các bác sĩ gây mê hồi sức, nếu có chết não, báo về cho Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Thậm chí không cần đăng ký, nếu bất cứ lúc nào, trong gia đình có người chết não và có nguyện vọng hiến tạng, đều được trung tâm trân trọng tiếp nhận.
Hơn thế nữa, không phải bất cứ bệnh nhân nào cho tạng, chúng tôi đều lấy được. Ví dụ, bệnh nhân bị lao tiến triển không lấy được. Các xét nghiệm về gan chứng tỏ gan bị tổn thương như bị viêm gan siêu vi B hay có khối u trong gan. Vì thế sau khi lấy tạng, chúng tôi phải tiến hành sinh thiết.
80 tuổi còn có thể cho tạng được không?
BS. Hồng Sơn: Đến thời điểm đó, có thể nói các bộ phận trong cơ thể người đã bị lão hóa theo thời gian. Nhưng vẫn còn nhiều bộ phận có thể sử dụng được. Ở nước ngoài, người già vẫn có thể cho người già giác mạc, thận để sống thêm 4 - 5 năm nữa.
Hiệu quả ghép mô, tạng tại Việt Nam như thế nào?
BS. Hồng Sơn: Hiện tại chúng ta đã có 18 trung tâm ghép, chủ yếu là ghép thận. Ghép tim, chúng ta đã thành công cho 30 trường hợp, ghép gan thành công cho 80 ca. Đặc biệt chúng tôi đã thành công ghép phổi cho một em bé. Chúng ta đang chuẩn bị chương trình ghép phổi ở người lớn và ghép tử cung, ghép chi thể (tay, chân) và ghép thận tụy đồng thời. Chúng ta ghép ít như thế, một phần vì người cho chết não rất nhiều nhưng hầu hết mọi người không cho tạng.
P.V (ghi)


AN QUÝ
Ý kiến của bạn