Hà Nội

Chỉ số xác định hội chứng chuyển hóa và cách phòng ngừa

06-07-2023 06:40 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch bao gồm tình trạng kháng insulin, béo phì, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ người trưởng thành mắc hội chứng chuyển hóa là là 36%, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam.

Hội chứng chuyển hóa có xu hướng gia tăng

Hiện nay, ở các nước phát triển và đang phát triển có khoảng 20-30% dân số mắc hội chứng chuyển hóa.

Các nhà chuyên môn cho rằng, hội chứng chuyển hóa ngày càng gia tăng tại Việt Nam, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và tăng tỉ lệ tử vong. Chính vì vậy, hội chứng chuyển hóa đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn và cũng là một thách thức lâm sàng trên toàn thế giới khi mà hiện tượng đô thị hóa, ăn uống thừa năng lượng, béo phì, lối sống ít vận động thể lực... gia tăng.

Hội chứng chuyển hóa được xác định qua chỉ số nào và cần làm gì để dự phòng? - Ảnh 1.

Ăn uống thừa năng lượng, béo phì, lối sống ít vận động thể lực... gia tăng người mắc hội chứng chuyển hóa.

Lý do gì gây hội chứng chuyển hóa, đây là câu hỏi được nhiều người băn khoăn. Các nghiên cứu cho thấy, kháng insulin là nguyên nhân chủ yếu của hội chứng chuyển hóa. Trong khi, đề kháng insulin là xu hướng của đái tháo đường type 2. Và như chúng ta thấy, insulin là một hormone do tụy sản xuất ra có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu.

Thông thường, thức ăn khi vào cơ thể, trải qua quá trình tiêu hóa sẽ được chuyển hóa thành glucose và glucose là một nguồn năng lượng chính để nuôi cơ thể. Mặt khác, nhờ có sự hoạt hóa của insulin mà đường glucose mới hấp thụ vào tế bào được .

Tuy nhiên một số trường hợp cơ thể có sức đề kháng với insulin khiến phản ứng lại bằng cách sản sinh insulin nhiều hơn dẫn đến hiện tượng hàm lượng insulin trong máu tăng quá cao. Sự gia tăng của insulin lại là nguyên nhân khiến một số chất béo và triglyceride cũng tăng theo. Mặt khác, những yếu tố này cũng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho thận và dẫn đến một vài bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường...

Mặc dù hội chứng chuyển hóa là xu hướng của đái tháo đường type 2 song các nghiên cứu về tim mạch còn cho thấy hội chứng này là yếu tố nguy cơ đa chiều của bệnh tim do xơ vữa động mạch. Và nguy cơ này tăng lên khi bị đái tháo đường type 2.

Hội chứng chuyển hóa được xác định qua chỉ số nào và cần làm gì để dự phòng? - Ảnh 2.

Vòng bụng lớn ≥ 90cm đối với nam giới và vòng bụng ≥ 80cm là nữ giới là một trong các chỉ số cho thấy bạn đã mắc hội chứng chuyển hóa.

Chỉ số xác định hội chứng chuyển hóa và yếu tố nguy cơ

Để xác định chẩn đoán hội chứng chuyển hóa, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu người bệnh có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố như sau:

  • Vòng bụng lớn ≥ 90cm đối với nam giới và vòng bụng ≥ 80cm là nữ giới.
  • Chỉ số triglycerid máu ≥ 150mg/dl.
  • Chỉ số HDL-C < 40mg/dl (nam) và <50mg/dl (nữ).
  • Chỉ số huyết áp ≥ 130/85mmHg.
  • Tăng glucose máu khi đói ≥ 100mg/dl.

Vậy, các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hội chứng chuyển hóa là gì? Các ghi nhận cho thấy, yếu tố nguy cơ tiềm ẩn chủ yếu của hội chứng chuyển hóa dường như là hay gặp ở người béo bụng, người ít hoạt động thể chất, người có chế độ ăn giầu chất béo bão hòa và cholesterol. Ngoài ra, yếu tố kháng insulin và lão hóa, và mất cân bằng nội tiết tố dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa.

Điều trị hội chứng chuyển hóa và cách phòng ngừa

Điều trị hội chứng chuyển hóa phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể. Nguyên tắc điều trị là thay đổi lối sống với các phương pháp điều trị không dùng thuốc hoặc dùng thuốc. Cũng có thể kết hợp cả hai phương pháp nhằm mục đích làm giảm nguy cơ của các tiêu chí rối loạn chuyển hóa cũng như biến chứng tim mạch. Sự kiểm soát các tiêu chí này còn phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của từng bệnh nhân.

Phòng ngừa hội chứng chuyển hóa là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mắc đái tháo đường type 2. Vì vậy, việc điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe bao gồm:

– Cần giữ mức cân nặng vừa phải, nếu béo phì hoặc có nguy cơ cần giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI 18,5 – 22,9kg/m2).

– Cần tăng cường hoạt động thể lực, với đích cần đạt là phải hoạt động thể lực mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần.

– Cần có thói quen lành mạnh, ăn uống khoa học tốt cho sức khỏe như ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol. Tăng cường rau hoa quả, cá và các loại hạt.

– Cần phải tạo thói quen luyện tập đều đặn 30 – 60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như là đi bộ, bơi lội, thiền hoặc luyện tập môn thể thao nào yêu thích. Tuy nhiên, khi luyện tập nên đến bác sĩ để được tư vấn về quá trình tập luyện cho phù hợp.

Thực tế cho thấy, ở những người quá cân, người béo phì cần giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, nếu nam giới nghiện thuốc lá, bia rượu cần bỏ và sử dụng ít vì thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.

Dự Báo Thời Tiết 10 Ngày Tới: Hà Nội Bước Vào Đợt Nắng Nóng Mới Kéo Dài | SKĐS

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hà
Ý kiến của bạn