Hà Nội

Chỉ số WHR đánh giá nguy cơ bệnh lý do thừa cân, béo phì thay BMI đã 'lỗi thời'

09-10-2023 06:05 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Theo một số chuyên gia, cách tính tỷ lệ vòng eo - hông (chỉ số WHR) ưu việt hơn so với chỉ số khối cơ thể BMI là cách đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì phổ biến đã lỗi thời.

Một nghiên cứu mới được công bố đầu tháng 10 trên Tạp chí của Hiệp hội Y học Hoa Kỳ (JAMA) cho thấy tỷ lệ vòng eo - hông (WHR) có thể là chỉ số chính xác hơn về sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh so với chỉ số khối cơ thể (BMI) trong việc dự đoán các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Tác giả chính của nghiên cứu là Guillaume Paré, giáo sư y khoa tại Đại học McMaster.

Chỉ số WHR đánh giá nguy cơ bệnh lý do thừa cân, béo phì thay BMI đã 'lỗi thời' - Ảnh 2.

Chỉ số WHR tính tỷ lệ vòng eo - hông.

1. So sánh chỉ số WHR, BMI và FMI

BMI từ lâu đã là thước đo được sử dụng để đánh giá trọng lượng cơ thể và sức khỏe, cách tính này dựa trên cân nặng và chiều cao của một người, đôi khi có thể cho biết liệu họ có cân nặng khỏe mạnh hay không. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng chắc chắn như vậy.

Đối với nghiên cứu mới này, các tác giả muốn hiểu cách đánh giá tốt nhất các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Họ bắt đầu kiểm tra xem chỉ số nào trong số ba chỉ số: WHR, BMI hoặc một chỉ số khối lượng mỡ (FMI) có mối liên hệ chặt chẽ và nhất quán nhất với tỷ lệ tử vong.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích đánh giá tình trạng của gần 400.000 người với độ tuổi trung bình là 60 từ dữ liệu của Biobank Vương quốc Anh, một cơ sở dữ liệu nghiên cứu y tế chứa thông tin sức khỏe ẩn danh của nửa triệu người ở Vương quốc Anh.

Họ sử dụng một phương pháp gọi là ngẫu nhiên hóa Mendel để xem xét các biến thể di truyền liên quan đến béo phì trong quá trình phân tích. Kết quả xác định rằng dấu hiệu lý tưởng của tình trạng béo phì hoặc lượng mỡ dự trữ trong cơ thể phải liên quan chặt chẽ, có quan hệ nhân quả và nhất quán với kết quả sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ số WHR có mối liên hệ mạnh mẽ và nhất quán nhất với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và nguyên nhân cụ thể. Sự liên kết này mạnh nhất ở nam giới.

Họ cũng tìm thấy mối quan hệ "có khả năng là nhân quả" giữa WHR và nguy cơ tử vong. GS.Paré cho biết: Vì nghiên cứu trước đây sử dụng tỷ lệ tử vong làm kết quả sức khỏe được quan tâm nên chúng tôi cũng làm như vậy và WHR là chỉ số kết quả tốt hơn BMI.

Chỉ số WHR đánh giá nguy cơ bệnh lý do thừa cân, béo phì thay BMI đã 'lỗi thời' - Ảnh 4.

WHR có thể là chỉ số kết quả sức khỏe tốt hơn BMI.

2. Nghiên cứu kết luận WHR là chỉ số kết quả sức khỏe tốt hơn BMI

GS. Paré cho biết những phát hiện của nghiên cứu hỗ trợ cho số lượng tài liệu ngày càng tăng cho thấy tính ưu việt của WHR so với BMI. Có một sự đồng thuận đang nổi lên rằng WHR đánh giá tốt hơn về tình trạng béo phì. BMI không tính đến thành phần cơ thể và cũng có xu hướng phóng đại độ gầy ở người thấp và béo ở người cao. Paré lưu ý rằng việc chuyển sang WHR có thể khó khăn vì BMI đã ăn sâu vào thực hành lâm sàng. Nó được sử dụng để xác định khả năng hội đủ điều kiện cho phẫu thuật giảm béo và cũng đóng vai trò chẩn đoán một số chứng rối loạn ăn uống.

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, BMI có thể đánh giá quá cao lượng mỡ trong cơ thể ở các vận động viên và những người khác có cơ bắp và tương tự đánh giá thấp lượng mỡ trong cơ thể ở người già và những người khác bị mất cơ.

Ngoài ra, một số ý kiến cho biết, hạn chế chính của BMI là không phân biệt giữa cơ và mỡ, khiến nó ít hữu ích hơn đối với những người có khối lượng cơ lớn và biểu đồ BMI có xu hướng đánh giá thấp mức độ thừa cân của những người được so sánh với các phương pháp khác như đo tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể.

Nghiên cứu trước đây cho thấy một nửa số người được coi là có cân nặng trung bình hoặc "thừa cân" theo BMI được phát hiện là béo phì về mặt lâm sàng dựa trên tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể thực tế của họ.

BS. Mohini Aras, chuyên gia y học về béo phì tại trung tâm kiểm soát cân nặng toàn diện tại Weill Cornell Medicine và là người không tham gia vào nghiên cứu trên cho biết việc xác định béo phì dựa trên BMI có thể có sai sót. Những người có cùng chỉ số BMI có thể mắc các bệnh đi kèm và nguy cơ sức khỏe liên quan đến cân nặng khác nhau rõ rệt.

Tuy nhiên, Ryan Glatt, huấn luyện viên sức khỏe não bộ cấp cao và giám đốc Chương trình FitBrain tại Viện Khoa học thần kinh Thái Bình Dương ở Santa Monica, California đánh giá nghiên cứu này có một hạn chế lớn là chỉ bao gồm các mẫu của người da trắng ở châu Âu và do đó không đại diện cho dân số lớn hơn. Glatt cho rằng BMI vẫn có thể là một chỉ số có giá trị về sức khỏe nhưng không phải chỉ riêng lẻ. Các yếu tố nhân khẩu học và dấu ấn sinh học khác nên có mặt khi đưa ra suy luận về sức khỏe chung của ai đó.

Chỉ số WHR đánh giá nguy cơ bệnh lý do thừa cân, béo phì thay BMI đã 'lỗi thời' - Ảnh 6.

Minh họa chỉ số WHR ở nữ giới.

3. Cách tính tỷ lệ eo – hông theo chỉ số WHR

Theo GS. Paré: WHR rất dễ đo lường và có những video tuyệt vời để minh họa. Ông cho biết các hướng dẫn thường được sử dụng nói rằng WHR dưới 0,95 ở nam và dưới 0,80 ở nữ có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim thấp hơn. Tuy nhiên, ông cho biết các tiêu chí có thể cần được điều chỉnh dựa trên yếu tố chủng tộc và sắc tộc.

Để đo WHR, Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ hướng dẫn nên đứng lên và sử dụng thước dây. Hãy đo chu vi vòng eo bằng cách quấn thước dây quanh điểm hẹp nhất của cơ thể. Điểm đó thường nằm ở khoảng giữa xương sườn thấp nhất và đầu xương hông.

Sau đó, hãy đặt thước dây song song với sàn nhà và đo điểm rộng nhất xung quanh mông và đùi của bạn. Chia chu vi vòng eo cho chu vi hông để có số đo cuối cùng.

Chỉ số WHR đánh giá nguy cơ bệnh lý do thừa cân, béo phì thay BMI đã 'lỗi thời' - Ảnh 7.

Chú ý đo WHR ở đúng vị trí.

Theo các chuyên gia, nên lưu ý khi đo chỉ số eo - hông cần nhớ:

  • Đo ở đúng khu vực.
  • Đo vào cùng một thời điểm trong ngày mỗi vì số đo có thể dao động trong ngày do các yếu tố như lượng nước uống vào và đổ mồ hôi.
  • Đặt thước dây phẳng trên da mà không để quá chặt hoặc quá lỏng.
  • Đứng thẳng và không khom lưng.

Lưu ý, không nên được sử dụng cách tính này để tự mình xác định kết quả sức khỏe vì đây chỉ là một công cụ mà chuyên gia chăm sóc sức khỏe tham khảo để đánh giá nguy cơ mắc bệnh của bạn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định chỉ số WHR khỏe mạnh là:

< 0,9 ở nam giới

< 0,85 ở nữ giới.

Ở cả nam và nữ, chỉ số WHR từ 1.0 trở lên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và rối loạn sức khỏe khác có liên quan đến thừa cân.

16 loại rau củ quả giúp giảm cân tốt nhất16 loại rau củ quả giúp giảm cân tốt nhất

SKĐS - Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều rau hơn là một trong những cách giảm cân hiệu quả, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sụt cân bất thường có phải do ung thư?





Hoàng Nam
Ý kiến của bạn